Đã đến lúc Chính phủ dừng “dung dưỡng” các công ty ô tô trong nước

10/04/2015 09:44 AM |

Câu chuyện như Toyota không phải là câu chuyện duy nhất và bây giờ mới được đề cập đến ở Việt Nam. Nên nhìn nhận việc nhà đầu tư quyết định đi hay ở là chuyện bình thường.

Khi nói về việc Toyota đang có ý định ngừng lắp ráp ô tô tại Việt Nam và thay vào đó là sẽ chuyển sang nhập khẩu nếu như năm 2018 thuế xuất nhập khẩu ô tô về mức 0% và Chính phủ không có sự hỗ trợ đối với các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước, GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) đã thẳng thắn rằng: Đã đến lúc Chính phủ dừng việc dung dưỡng, bảo hộ các doanh nghiệp ô tô trong nước vì thực tế đã chứng minh là chính những chính sách đó đã khiến chiến lược phát triển ngành ô tô của Việt Nam rơi vào cảnh thất bại.

Ông Mại đưa ra dẫn chứng: Thái Lan cũng có một chiến lược phát triển ô tô vào khoảng năm 1990, đến nay quốc gia này mỗi năm sản xuất được khoảng 2,5 triệu chiếc và xuất khẩu được khoảng 1,4 triệu chiếc. Không thể phủ nhận Thái Lan đã trở thành 1 nước có vị thế về sản xuất ô tô ở Châu Á.

Còn Việt Nam, năng lực sản xuất đạt cỡ 400 – 450 nghìn xe/năm nhưng thực tế mỗi năm chỉ sản xuất được 100 – 150 nghìn chiếc ô tô. Nguồn cung ô tô hầu hết vẫn phải nhập khẩu. Việc sản xuất trong nước vẫn chủ yếu là nhập khẩu linh kiện. Trong khi chiến lược phát triển ngành ô tô ra đời từ năm 1991 và đã qua rất nhiều sửa đổi, mỗi lần sửa đổi lại có rất nhiều chính sách mới.

“Dường như những lần sửa đổi này, ngay kể cả lần sửa đổi mới đây nhất là năm 2014, Việt Nam cũng không tính đến các diễn biến về hội nhập. Tôi cho rằng, thời gian vừa qua Chính phủ đã quá dung dưỡng cho các nhà sản xuất ô tô, kể cả Honda, Toyota về bảo hộ sản xuất” – Ông Mại nói.

Nói về khả năng có thể thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ tăng nếu thuế nhập khẩu giảm trong thời gian tới, ông Mại cực lực phản đối. Lý do là bởi thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng chính là những thuế gián thu và trực tiếp “đổ” lên đầu người tiêu dùng.

“Đối với việc mua ô tô có lẽ người tiêu dùng Việt Nam chịu thiệt nhiều nhất, mua ô tô với giá đắt nhất trong khu vực, xếp sau Singapore do Singapore có chính sách hạn chế ô tô nên đánh thuế cao. Việt Nam có thu nhập trung bình thấp, GDP chỉ đứng thứ 7 trong khu vực, nhưng giá ô tô lại qua cao. Chính phủ cần xem lại chủ nghĩa bảo thủ mậu dịch”.

Đồng tình với quan điểm của Giáo sư Nguyễn Mại, ông Võ Trí Thành – Viện phó viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nói thêm rằng, chiến lược phát triển ngành ô tô những năm 1990 về mặt chính sách đã có sai lầm.

“Cách thức phát triển ngành công nghiệp ô tô gồm 3 yếu tố là: thị trường, chuyển giao công nghệ, bảo hộ, nhưng chiến lược phát triển ngành ô tô lại dùng những phương thức cũ để đạt được mục tiêu. Với chiến lược như vậy trong bối cảnh thế giới thay đổi và trước sau phải hội nhập kinh tế toàn cầu thì chúng ta sẽ bị lúng túng về mặt chính sách, lựa chọn của chúng ta chưa tốt, thậm chí sai lầm” – Ông Thành nói.

Cũng theo ông Thành, câu chuyện như Toyota không phải là câu chuyện duy nhất và bây giờ mới được đề cập đến ở Việt Nam vì khi gia nhập WTO trong lĩnh vực như phân phối và bán lẻ nhiều doanh nghiệp đã đặt vấn đề sẽ dừng sản xuất ở Việt Nam và chuyển sang nhập khẩu

“Việc Việt Nam hội nhập và chấp nhận cạnh tranh trong các lĩnh vực trước sau gì chúng ta vẫn phải làm. Nên nhìn nhận việc nhà đầu tư quyết định đi hay ở là chuyện bình thường của thị trường. Xong điều cần rút ra chính là bài học về tư duy, chiến lược, chính sách... của chúng ta cần thay đổi để các chính sách thật sự được hưởng lợi chứ không là ‘miền đất hứa’ cho các doanh nghiệp nước ngoài hưởng lợi và thiệt hại cuối cùng lại đẩy về người tiêu dùng” – Ông Thành kết luận.

Khánh Nhi

Ngọc Diệp

Cùng chuyên mục
XEM