CPI tháng Tết sẽ tăng ở mức nào?

05/02/2013 17:27 PM |

Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm nay đến muộn hơn Tết Nguyên đán Nhâm Thìn (10/2 so với 23/1); cũng gần như nằm gọn trong chu kỳ tính CPI của Tổng cục Thống kê (từ 16 tháng trước đến 15 tháng sau).

Do vậy, từ CPI tháng 2 cùng kỳ các năm trước, từ diễn biến CPI tháng 1 năm nay và lường đoán các yếu tố tác động tới đây, có thể dự báo gì cho CPI trong tháng 2?

CPI bình quân của tháng 2 từ 2002 đến 2012 là 2,21%. Số liệu thống kê lịch sử này có thể cho ta một ước tính CPI của tháng 2 năm nay sẽ xoay quanh con số 2,2%.

Một số liệu thống kê lịch sử khác có thể tham khảo, đó là hệ số giữa CPI của tháng 2 so với CPI của tháng 1. CPI bình quân của tháng 1 từ 2002 đến 2012 là 1,2%. Hệ số bình quân giữa CPI của tháng 2 so với CPI của tháng 1 trong thời gian từ 2002 đến 2012 là 1,84 lần. CPI tháng 1/2013 là 1,25%.

Từ đó có thể ước đoán CPI của tháng 2/2012 sẽ xoay quanh con số 2,3%.

Quá khứ là kinh nghiệm và số liệu thống kê lịch sử có thể cung cấp thông tin để tham khảo khi dự đoán. Một thông tin cần tham khảo khi dự đoán CPI của tháng 2 là tốc độ tăng giá của các nhóm hàng hoá, dịch vụ trong tháng 1/2013.

Giá lương thực tháng 1 tăng 0,15%. Lượng gạo xuất khẩu tháng 1 đạt quy mô khá (ước 534 nghìn tấn) và tăng cao (gấp đôi về lượng so với cùng kỳ năm trước), nhưng giá xuất khẩu lại giảm tương đối sâu (giảm 15,4%), nên giá lương thực sẽ tăng không cao. Tuy nhiên, đối với những loại gạo ngon (nếp, tám thơm, gạo nương...), thì giá có thể tăng cao hơn. Dự đoán giá lương thực tháng 2 sẽ tăng trên 0,2%.

Giá thực phẩm tháng 1 tăng 1,96%. Hệ số CPI tháng 2 so với tháng 1 của năm 2012 là 1,94 lần; nếu năm nay lặp lại thì tốc độ tăng giá thực phẩm tháng 2 sẽ vào khoảng 3,8%. Tuy nhiên, giá rau quả tăng cao trong tháng 1 đã giảm sau một số ngày nắng ấm hơn khi người trồng rau đẩy mạnh sản xuất, chăm bón, nên khả năng sẽ khó lập đỉnh điểm như tháng 1.

Riêng giá thịt, cá sẽ tăng cao hơn nhiều vì nhu cầu tăng lên, trong khi lượng nhập khẩu lậu đã được ngăn chặn quyết liệt hơn, cần đề phòng có thể xảy ra sốt cục bộ vào một thời điểm sát Tết ở một vài nơi. Các “thợ” có kinh nghiệm chuẩn bị để sẵn sàng cung hàng; không ít người tiêu dùng nếu thấy đắt quá sẽ giảm lượng mua, nên nếu có sốt giá cũng sẽ nhanh chóng được giảm nhiệt.

Giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tháng 1 năm nay tăng khá thấp so với tháng 1 năm trước (0,6% so với 0,96%), chủ yếu lúc đó tiền lương, thưởng chưa phát, các cơ quan, đơn vị liên hoan tổng kết còn ít.

Tháng 2 năm trước tăng khá cao (lên đến 2,82%). Khả năng năm nay có thể còn tăng cao hơn. Giá đồ uống và thuốc lá tháng 1 năm nay thấp hơn nhiều so với tháng 1 năm ngoái (0,42% so với 1,17%), trong khi năm trước tháng 2 tăng thấp hơn tháng 1 (0,86% so với 1,17%).

Năm nay Tết Nguyên đán đến muộn hơn, đợt tăng giá bia vừa qua chưa được tính vào CPI tháng 1, nên hệ số có thể “đảo ngược” (tháng 2 sẽ tăng cao hơn nhiều so với tháng 1). Giá may mặc năm trước của tháng 2 tăng thấp hơn của tháng 1 (0,55% so với 1,97%); năm nay tháng 1 tăng 1,3% do thời tiết giá lạnh kéo dài tạo cơ hội cho hàng may mặc rét tiêu thụ với giá cao.

Thời tiết từ giữa tháng 1 đến gần cuối tháng vẫn còn rét, cộng với nhu cầu cao hơn trong dịp Tết Nguyên đán, nên tốc độ tăng giá của tháng 2 sẽ cao hơn tốc độ tăng của tháng 1.

Giá thuê nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tháng 1, tháng 2 năm trước tăng khá cao (tháng 1 tăng 1,71%, tháng 2 tăng 2,47%); tháng 1 năm nay lại tăng khá thấp (0,36%), nhưng tháng 2 sẽ tăng cao hơn do tác động của đợt tăng giá điện trong cuối năm trước, do giá ga tăng và được tiêu dùng nhiều hơn.

Giá thiết bị và đồ dùng gia đình năm trước tháng 1 tăng 0,96%, đến tháng 2 tăng thấp hơn, chỉ còn 0,41%. Năm nay chiều hướng có thể ngược lại: tháng 1 tăng khá thấp (0,54%), nhưng tháng 2 sẽ tăng cao hơn.

Giá thuốc, y tế tháng 1, tháng 2 năm trước tăng khá thấp (tháng 1 tăng 0,25%, tháng 2 tăng 0,29%). Năm nay tháng 1 tăng khá cao (lên đến 7,4%) do có khoảng 10 địa phương thực hiện lộ trình giá thị trường đối với dịch vụ này và đó là động thái không phù hợp vì đã thực hiện vào tháng cận Tết. Tháng 2 sẽ tăng thấp trở lại như cùng kỳ năm trước.

Giá dịch vụ giao thông tháng 1 năm nay tăng rất thấp (chỉ có 0,03%), thấp xa so với tốc độ tăng của tháng 1 và tháng 2 năm trước (tháng 1 tăng 0,66%, tháng 2 tăng 0,23%). Năm nay, chiều hướng tăng sẽ ngược lại: tăng thấp vào tháng 1 và sẽ tăng cao hơn nhiều vào tháng 2, chủ yếu do nhu cầu đi lại trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao và kéo dài.

Giá bưu chính viễn thông tháng 1, tháng 2 năm trước giảm, năm nay tháng 1 tiếp tục giảm và tháng 2 sẽ không tăng. Giá dịch vụ giáo dục năm trước tháng 1, tháng 2 đều tăng rất thấp, tháng 1 năm nay tăng cao hơn (0,3%) và dự đoán tháng 2 cũng chỉ tăng cao hơn một chút.

Giá dịch vụ văn hoá, giải trí và du lịch năm trước tháng 1 tăng cao hơn tháng 2 (0,93% so với 0,52%); năm nay sẽ có chiều hướng ngược lại, tháng 1 tăng thấp (0,33%) và tháng 2 sẽ tăng cao hơn, có thể vượt qua mốc 1%.

Giá hàng hoá và dịch vụ khác tháng 1, tháng 2 năm trước tăng khá cao (tháng 1 tăng 1%, tháng 2 tăng 0,89%). Năm nay xu hướng có thể sẽ ngược lại, tháng 1 tăng 0,74%, tháng 2 có thể vượt qua mốc 1%.

Các yếu tố đáng lưu ý khác tác động đến CPI tháng 2, đó là tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng mang dấu âm, cộng hưởng với yếu tố “thắt lưng buộc bụng”, “tích cốc phòng cơ” của người tiêu dùng sẽ làm cho giá tháng 2 không tăng cao như tháng 2/2004 và tháng 2/2008, nhưng có thể tăng cao hơn mức trung bình của tháng 2 trong 9 năm qua và ở mức khoảng 2,3%.

Theo Dương Ngọc
VnEconomy

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM