Công nghiệp ô tô: Vì sao doanh nghiệp FDI rút lui?

10/12/2014 17:34 PM |

Trong khi các doanh nghiệp trong nước lo lắng về sự cạnh tranh do các DN nước ngoài gây ra, cùng lúc hàng loạt doanh nghiệp lớn như Toyota, Madaz, Ford, Nissan … lại lần lượt từ bỏ những dự án sản xuất ô tô triệu đô tại Việt Nam hoặc không có ý định đầu tư thêm.

Mới đây, một nguyên cứu viên cấp cao của Viện nghiên cứu Mitsubishi (Nhật Bản) từng cho biết, một số doanh nghiệp Nhật Bản đang cân nhắc chuyển nhà máy từ Việt Nam sang Thái Lan khi mức thuế suất các mặt hàng trong khối ASEAN giảm xuống bằng 0% vào năm 2018.

Trước đó, Nissan từng cho biết sẽ đầu tư nhà máy sản xuất ô tô tại Indonesia cao hơn dự tính ban đầu 100 triệu USD, nâng năng lực sản xuất từ 100.000 xe lên 250.000 xe vào năm 2014.

Honda cũng công bố xem xét xây dựng một nhà máy xe hơi mới tại Indonesia với vốn đầu tư khoảng 337 triệu USD, công suất 180.000 xe. Với nhà máy tại Vĩnh Phúc, Honda cho rằng họ chưa khai thác hết dây chuyền nhà máy ô tô 60 triệu USD nên chưa có kế hoạch đầu tư thêm.

Về phía Ford, hơn 10 năm trước Ford từng coi Việt Nam là địa điểm đầu tư hấp dẫn nhưng hiện cũng đang có xu hướng tập trung nhiều vào Thái Lan, Philippines….

Vậy nguyên nhân do đâu các doanh nghiệp nước ngoài lại tỏ ra kém mặn mà với Việt Nam như vậy?

Trao đổi với báo chí, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco Trường Hải cho biết, các doanh nghiệp Nhật Bản có xu hướng dịch chuyển sang Thái Lan với nhiều lý do. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh lý do dung lượng thị trường Việt Nam thấp hơn.

Ông Dương dẫn chứng, ở Thái Lan dung lượng thị trường là 1,6 triệu xe/năm trong đó thị trường nội địa khoảng trên 600.000 xe/năm, trong khi đó Việt Nam dung lượng thị trường chỉ là hơn 100.000 xe/năm.

Chủ tịch Thaco cũng không ngoại trừ khả năng các doanh nghiệp này đã có nhà máy sản xuất ở Thái Lan, khi thuế suất bằng 0%, việc làm ở Thái Lan và xuất qua Việt Nam sẽ có lợi hơn cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, ông Dương cũng đề cập đến nguyên nhân do công nghiệp phụ trợ của Việt Nam kém phát triển dẫn đến chi phí sản xuất tại Việt Nam cao hơn nhiều so với một số nước khác trong khu vực.

Đồng quan điểm với ông Trần Bá Dương, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong khi cho rằng một trong những nguyên nhân quan trọng trong cuộc “rút lui” của các doanh nghiệp nước ngoài do công nghiệp phụ trợ của Việt Nam kém phát triển cùng với những chính sách khuyến khích không đáp ứng được mong muốn của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, tùy thuộc vào từng dự án cụ thể và doanh nghiệp cụ thể sẽ có những lý do riêng, có những lý do không hoàn toàn do Việt Nam mà do yêu cầu tái cấu trúc của chính doanh nghiệp.

“Nhiều công ty bản thân thua lỗ ở công ty mẹ nên họ sẽ rút bớt những công ty con ở ngoài. Điều này nằm trong xu hướng tái cấu trúc doanh nghiệp mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đang thực hiện”, TS. Phong cho biết.

Cũng theo TS. Phong, không ngoại trừ khả năng, một số doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam dưới dạng “hớt váng”, tận dụng ưu đãi, khi đã hết váng các công ty này sẽ tháo chạy, chỉ còn những công ty đầu tư lâu dài mới ở lại.

Về vấn đề này, đại diện Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương) cũng cho biết, do ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc sản xuất một số ít chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp với sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp.

Bên cạnh việc dung lượng thị trường ô tô nội địa quá bé nhỏ, sản lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước mới dừng lại ở 100.000-200.000 xe/năm, chưa thể hấp dẫn kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực phụ trợ.

>> Ô tô 'made in Vietnam' giá 326-346 triệu đồng

Theo Nguyễn Thảo

Cùng chuyên mục
XEM