Cộng đồng kinh tế ASEAN và những rủi ro đối diện

22/11/2015 21:40 PM |

Sự thiếu chuẩn bị trước khi hội nhập sẽ có thể gây ra nhiều rủi ro và tác động tiêu cực...

Việt Nam và nhiều nước trong khu vực sẽ phải đối mặt với không ít thách thức và rủi ro khi Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức đi vào hoạt động cuối năm nay.

Đó là những ý kiến được đưa ra tại hội thảo trong khuôn khổ hội nghị Liên đoàn Các hội kinh tế học Đông Nam Á (FAEA) tổ chức tại Hà Nội trong 2 ngày 20-21/11/2015,

Theo ông Trần Đức Minh, Phó tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, nguyên Phó tổng thư ký ASEAN, thương mại nội khối ASEAN đã tăng trưởng ấn tượng, từ con số 89,7 tỷ USD vào năm 1993 lên 608 tỷ USD vào năm 2014. Cùng lúc đó thương mại giữa các nước ASEAN với những nền kinh tế khác bên ngoài đạt 1.920 tỷ USD trong năm 2014.

Những con số trên cho thấy thương mại nội khối ASEAN đang đóng vai trò ngày một quan trọng hơn trong hoạt động phát triển kinh tế của các nước ASEAN.

Ngoài ra, đầu tư vào ASEAN cũng tăng mạnh, từ con số 115 tỷ USD năm 2012 lên mức 136 tỷ USD năm 2014, trong đó FDI nội khối ASEAN là 24 tỷ USD.

Số liệu từ báo cáo về đầu tư của Ngân hàng Thế giới năm 2015 cho thấy, từ năm 2010 đến năm 2013, FDI vào Singapore, Indonesia và Malaysia cao hơn cả FDI vào Hàn Quốc.

Thương mại và đầu tư phát triển như trên đã tạo tiền đề tốt cho việc thành lập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đồng thời cho thấy AEC là sự phát triển và mở rộng tất yếu cho những sáng kiến hợp tác khu vực mà ASEAN đã theo đuổi từ năm 1992.

Tuy nhiên ông Trần Đức Minh cho rằng sự phát triển của AEC cũng đối diện với nhiều thách thức. Trước hết, đó là việc mức độ phát triển kinh tế của các nước thành viên ASEAN chênh lệch khá lớn.

Ngoài ra, điều kiện văn hóa, xã hội của các nước tồn tại quá nhiều khác biệt. Đó là còn chưa kể đến việc các thủ tục thuế quan của nhiều nước trong khu vực còn quá nhiều rắc rối và không thống nhất.

Để AEC hoạt động hiệu quả, ông Minh cho rằng các nước thành viên của AEC cần cải thiện khung pháp lý để tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp. ASEAN cũng nên tính đến việc thành lập các Liên minh hàng hóa cho các mặt hàng nông nghiệp mà ASEAN có thế mạnh như gạo, thủy sản, cao su…

Ông Randolph Tan, giáo sư kinh tế tại đại học Economic Society of Singapore dự báo về nhiều rủi ro mà AEC sẽ đối mặt từ góc độ của thị trường tài chính. Ông lo ngại khi các nền kinh tế ASEAN kết nối với nhau chặt chẽ hơn, rủi ro biến động tiêu cực trên thị trường tiền tệ lây lan nhanh sẽ lớn hơn, trong khi đó khả năng chuẩn bị để ứng phó với yếu tố bất thường của từng nền kinh tế trong AEC còn mạnh yếu khác nhau rất nhiều.

Khi kinh tế Trung Quốc vượt Nhật để trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với khu vực cũng gia tăng đáng kể.

Điều này đã được chứng minh qua những gì diễn ra trên thị trường tiền tệ châu Á tháng 8 năm nay, khi Trung Quốc hạ giá mạnh đồng nhân dân tệ thì lập tức nhiều đồng tiền trong khu vực Đông Nam Á mất giá sâu, thị trường tài chính biến động mạnh hơn so với bất kỳ thời gian nào trước đây.

Chính vì vậy, việc nền kinh tế chịu nhiều tác động tiêu cực bởi chưa chuẩn bị sẵn sàng mà đã hội nhập là khả năng khó tránh khỏi.

Theo bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Việt Nam cần chuẩn bị thật sẵn sàng trước khi hội nhập sâu rộng hơn. Tính toán của WB cho thấy trong từ năm 1990 đến năm 2013, trong khu vực châu Á, chỉ duy nhất Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng GDP trung bình cao hơn Việt Nam.

Ngoài ra, xét trong nội khối ASEAN, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao hơn gần như tất cả các nước khác. Độ mở cao còn đồng nghĩa với dễ chịu rủi ro từ bên ngoài. FDI vào Việt Nam cũng tăng nhanh chóng qua các năm.

Tuy nhiên cho đến nay Việt Nam vẫn chưa thực sự học được nhiều từ các doanh nghiệp FDI về trình độ công nghệ cũng như kỹ năng sản xuất.

Mặt khác, số lượng doanh nghiệp mang lại lợi ích lớn cũng như việc làm cho nền kinh tế là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ lại chưa được hưởng lợi nhiều từ chính sách.

Do đó, bà Victoria Kwakwa, khuyến nghị chính phủ Việt Nam cần ngay lập tức đưa ra chính sách ưu tiên cho nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời trang bị cho họ thêm kiến thức để chuẩn bị sẵn sàng cho hội nhập kinh tế sắp tới.

Theo Ngọc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM