Công chức Nhà nước sẽ lo lắng trước thông tin sau!

04/11/2015 18:03 PM |

Vị đại biểu Quốc hội đề xuất, cần tạm đóng băng biên chế bộ máy quản lý Nhà nước trong 3 năm để đánh giá, xác định lại vị trí làm việc của cán bộ, công chức tiến tới giảm mạnh biên chế vào các năm tiếp theo.

Trong phiên họp Quốc hội ngày hôm nay, khi bàn tới vấn đề nợ công, rất nhiều đại biểu đều tỏ ra lo lắng về tình trạng này. Một con số "khổng lồ" đã được đại biểu Quốc hội đưa ra.

Ông Trần Văn - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách cho biết nợ công đã tăng từ khoảng 1,3 triệu tỷ năm 2011 lên đến dự kiến 2,7 triệu tỷ năm 2015.

Như vậy là nợ công đã tăng hơn gấp đôi chỉ trong vòng 5 năm. Đáng chú ý là từ năm 2013 nguồn để trả lãi và nợ gốc các khoản vay của Chính phủ đến hạn phải trả đã không cân đối được. Dẫn đến, Chính phủ phải vay nợ mới để trả cho một phần nợ cũ. Cụ thể, năm 2013 vay để đảo nợ là 40.000 tỷ; năm 2014 là 77.000 tỷ, năm 2015 là 125.000 tỷ.

Trước tình hình mất cân đối và khó khăn như vậy, tái cơ cấu ngân sách là điều được đánh giá là cấp thiết. Trong các chính sách cải tổ chi tiêu công, một khoản chắc chắn sẽ bị thắt chặt lại trong những năm tới đó là ngân sách được dùng để chi trả cho bộ máy điều hành Nhà nước.

Công chức Nhà nước sẽ là những người chịu ảnh hưởng lớn nhất từ chính sách thắt lưng buộc bụng này. Vị đại diện của Ủy ban Tài chính ngân sách đề xuất, nên tạm đóng băng biên chế bộ máy quản lý nhà nước trong 3 năm để đánh giá xác định lại vị trí việc làm của cán bộ, công chức tiến đến giảm mạnh biên chế vào các năm tiếp theo.

Hiện tại, Việt Nam có khoảng 2,75 triệu công chức, viên chức (chưa kể những đối tượng đang hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách) và bộ máy ngày càng phình lớn. Tình trạng công chức quá đông nhưng hoạt động kém hiệu quả từ lâu đã là vấn đề nóng trong những phiên thảo luận Quốc hội.

Tuy nhiên, việc tinh chế và thu gọn bộ máy cồng kềnh này như thế nào vẫn đang là một dấu hỏi lớn.

Hoàng Vân

Cùng chuyên mục
XEM