Coca Cola, Pepsi chuyển giá có phải là vi phạm pháp luật không?

10/12/2015 18:36 PM |

Không có bất cứ một điều khoản nào ở các văn bản xác định rõ hành vi chuyển giá là hành vi vi phạm pháp luật.

Câu chuyện chuyển giá trốn thuế của những doanh nghiệp FDI lớn tại Việt Nam luôn khiến dư luận bất bình.

Tuy nhiên, công ty luật PLF cho biết, pháp luật chưa có một định nghĩa cụ thể về thuật ngữ “Chuyển giá” (Tranfer pricing) . Có thể hiểu rằng chuyển giá là hành vi thiết lập quan hệ mua bán với mức giá thấp hơn giá thị trường giữa các công ty có mối quan hệ liên kết.

Việc chuyển giá này xảy ra chủ yếu tại các doanh nghiệp lớn có nhiều công ty con liên kết, doanh nghiệp FDI.

Mục đích của hành vi này là nhằm giúp cho các doanh nghiệp lớn có nhiều công ty con có thể khai báo sai thu nhập nhằm trốn tránh hoặc giảm thiểu nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp từ đó tối đa hóa lợi nhuận của mình.

Tại Việt Nam thời gian qua đã có rất nhiều vụ việc có dấu hiệu liên quan đến hành vi chuyển giá gây thất thoát cho nguồn thu ngân sách nhà nước và làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước.

Tiêu biểu đó là doanh nghiệp Metro Cash & Carry Việt Nam đã bị nhà nước truy thu với số tiền lên đến 507 tỷ đồng (đã bao gồm tiền phạt).

Quay lại câu hỏi chuyển giá có phải là hành vi vi phạm pháp luật không?

Vi phạm pháp luật được hiểu là hành vi trái pháp luật, có lỗi, do chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ.

Không có bất cứ một điều khoản nào ở các văn bản xác định rõ hành vi chuyển giá là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, xét trên tình hình thực tế hành vi chuyển giá có đủ các yếu tố cấu thành như sau:

Thứ nhất: Về chủ thể thực hiện là các doanh nghiệp có đủ tư cách pháp nhân cũng như có năng lực trách nhiệm pháp lý.

Thứ hai: Có hành vi trái luật. Đó là vi phạm quy định về xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các công ty liên kết được quy định theo thông tư 66/2010/TT-BTC ngày 22/04/2010. Các công ty liên kết lợi dụng mối quan hệ nội bộ của mình tiến hành giao kết các hợp đồng mua bán, cung cấp dịch vụ với giá trị lớn hơn so với giá thị trường giữa những công ty độc lập từ đó nâng khoản lỗ của mình lên nhằm làm giảm phần thu nhập chịu thuế.

Thứ ba: Có thiệt hại xảy ra là làm giảm nguồn thu từ thuế của ngân sách nhà nước bởi việc khai báo sai thu nhập của các doanh nghiệp.

Thứ tư: Yếu tố lỗi được xác định là hành vi cố ý xác định sai giá thị trường của các doanh nghiệp.

Như vậy, từ những phân tích nêu trên có thể cho rằng chuyển giá là hành vi vi phạm pháp luật. Và khi một doanh nghiệp có hành vi chuyển giá thì cơ quan thuế có quyền điều chỉnh giao dịch mua bán, trao đổi và hạch toán giá trị hàng hóa dịch vụ không theo giá trị giao dịch thông thường trên thị trường theo quy định tại Điều 37 Luật số 78/2006/QH11 về quản lý thuế.

Đồng thời, cơ quan thuế có quyền truy thu, xử phạt các doanh nghiệp vi phạm theo quy định pháp luật.

Công ty luật PLF

Cùng chuyên mục
XEM