Có thể bán đấu giá đất mặt tiền để giảm chi phí làm đường

09/06/2015 10:38 AM |

Bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII, phóng viên ghi nhận ý kiến của một số đại biểu Quốc hội xung quanh vấn đề nhiều dự án làm đường giao thông nói riêng và phát triển đô thị nói chung có suất đầu tư cao, trong đó có việc đền bù giải phóng mặt bằng với chi phí rất lớn

Nội dung nổi bật:

- Việc thu hồi đất để bán đấu giá hiện cả nước mới có thành phố Đà Nẵng thực hiện rất thành công. Nếu ở các địa phương áp dụng kinh nghiệm này sẽ không có chuyện giá 1m đường có mức đầu tư trên 1 tỷ đồng và lên mức hơn 2,5 tỷ đồng như ở Hà Nội.

- Nếu tách phần đền bù và giải phóng mặt bằng thu hồi đất, việc xây dựng 1km đường giao thông của Việt Nam không quá chênh lệch so với các nước, chưa nói đến chất lượng của con đường.


Trước việc nhiều dự án làm đường giao thông nói riêng và phát triển đô thị nói chung có suất đầu tư cao, trong đó có việc đền bù giải phóng mặt bằng với chi phí rất lớn, kéo theo mức đầu tư trong mỗi dự án lên đến hàng tỷ đồng cho mỗi mét dài, bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII, phóng viên ghi nhận ý kiến của một số đại biểu Quốc hội xung quanh vấn đề này.

Theo đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình), để hạn chế thấp nhất chi phí làm đường, nhiều quốc gia trên thế giới đã thu hồi đất dự án sâu vào hàng trăm mét so với chỉ giới mở đường, sau đó đấu giá những lô đất mặt tiền để lấy tiền đền bù giải phóng mặt bằng và đầu tư chính con đường này.

Việc làm này không chỉ giảm tổng mức đầu tư của dự án mà còn thực hiện công bằng xã hội đối với các đối tượng, đồng thời ngăn chặn được chênh lệch “địa tô” giữa nhà mặt đường bị mất và nhà trong ngõ "bỗng dưng" ra mặt đường, có giá trị gấp mấy chục lần, nhưng không phải đóng một khoản thuế nào.

Đại biểu Cao Sỹ Kiêm cho biết việc thu hồi đất để bán đấu giá Việt Nam đã nhận thức được nhưng chưa thực hiện phổ biến. Hiện cả nước mới có thành phố Đà Nẵng thực hiện rất thành công việc đấu giá này. Nếu ở các địa phương áp dụng kinh nghiệm này sẽ không có chuyện giá 1m đường có mức đầu tư trên 1 tỷ đồng và lên mức hơn 2,5 tỷ đồng như ở Hà Nội.

Đại biểu Cao Sỹ Kiêm nhìn nhận vấn đề: "Để thực hiện việc trên không khó bởi quy hoạch là do chúng ta, chính sách cũng là do chúng ta, nhưng khi thấy bất hợp lý, bất công bằng thì cần phải thay đổi. Thậm chí, cấp tỉnh không thực hiện được, có thể đưa lên cấp Trung ương; chính quyền không thực hiện được có thể đưa ra Quốc hội để cùng thảo luận."

Theo đại biểu Cao Sỹ Kiêm, Hà Nội cần áp dụng phương án trên, đồng thời mạnh dạn điều chỉnh chỉ giới mở đường để giảm suất đầu tư thay vì chấp nhận quy hoạch lỗi thời tạo nên sự tốn kém và mất công bằng xã hội.

Khẳng định việc thu hồi đất được thực hiện theo thủ tục, quy trình và mức giá pháp luật đã quy định, đại biểu Bùi Đức Thụ (Đoàn Đại biểu tỉnh Lai Châu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội) cho rằng, nhiều dự án tại Hà Nội, nhất là những dự án báo chí nêu như “Con đường đắt nhất hành tinh” cần phải xem xét lại bởi ở các nước giá trị đầu tư vào dự án được tính riêng, tức là chỉ tính trên cơ sở đất sạch, không tính vào phần đền bù giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, ở Việt Nam lại gộp cả hai phần này, dẫn tới tổng mức đầu tư trên một ki lô mét đường rất cao.

Theo đại biểu Bùi Đức Thụ, nếu tách phần đền bù và giải phóng mặt bằng thu hồi đất, việc xây dựng 1km đường giao thông của Việt Nam không quá chênh lệch so với các nước, chưa nói đến chất lượng của con đường.

Nói về giải pháp, đại biểu Bùi Đức Thụ cũng nhấn mạnh hiện tại mức giá đền bù giải phóng mặt bằng là do hội đồng nhân dân tỉnh quyết định, thấp hơn giá thị trường. Chính điều này khiến cho nhiều dự án rất khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng do người dân không không chấp nhận mức đền bù, dẫn đến khiếu kiện liên miên.

Do đó, đại biểu Bùi Đức Thụ kiến nghị, không nên giảm mức giá đền bù cho dân bởi quyền sở hữu về tài sản đây là quyền sử dụng đất ổn định lâu dài của người dân nên phải thực hiện theo quy định về giá đất trong Luật Đất đai và giá thị trường.

Đại biểu Bùi Đức Thụ dẫn chứng ở một số nước thực hiện quy hoạch đầu tư các các khu dân cư, khu văn phòng theo những đường phố chính đã thực hiện từ rất lâu. Trong khi đó, ở Việt Nam chỉ giải phóng mặt bằng theo lộ giới, nhưng lộ giới này rộng hay hẹp lại căn cứ vào khả năng tài chính của địa phương.

Và thông thường, địa phương chỉ giải phóng phần mặt đường và làm phần vỉa hè chứ không giải phóng rộng hơn nên mới dẫn đến câu chuyện người dân sống ở mặt đường luôn lo lắng về quy hoạch không được ổn định. Đặc biệt, trong điều kiện quy hoạch của Việt Nam còn nhiều hạn chế về tính đồng bộ nên cảnh quan đô thị, mặt phố không được đẹp.

Do đó, địa phương cần giải phóng mặt đường rộng hơn, nhà nước đấu giá ứng vốn ban đầu sẽ lớn hơn, nhưng bù lại mặt phố, mặt đường hai bên được đồng bộ, đảm bảo cảnh quan đô thị. Ngoài ra, địa phương còn có thể đấu giá những lô đất mặt tiền để thu lại một lượng tiền lớn bù đắp lại phần vốn đầu tư.

Mặc dù vậy, hầu hết ở các địa phương đến nay vẫn chưa làm việc này dẫn đến kết quả đầu tư mở đường làm cho địa tô chênh lệch tăng, giá đất tăng và đây là một điều không hợp lý.

Đại biểu Bùi Đức Thụ đề nghị trong việc xem xét quy hoạch giao thông nói riêng và quy hoạch phát triển đất đô thị nói chung cần phải tính toán với giải pháp đồng bộ, quy hoạch có tầm nhìn để đáp ứng các yêu cầu đề ra. Riêng quy hoạch giao thông nên điều chỉnh lộ giới hành chính rộng hơn để có thể sử dụng đất hai bên đường bán đấu giá để đầu tư xây dựng.

Riêng nói về suất đầu tư đường cao tốc, đại biểu Bùi Đức Thụ cho rằng đường cao tốc của Việt Nam có người cho rằng suất đầu tư cao so với thế giới, tuy nhiên thế giới cũng có nhiều nước khác nhau nên khi so sánh về suất đầu tư đều là “khập khiễng.”

Sở dĩ nói như vậy vì việc đầu tư này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như căn cứ vào tình hình thực tế ở mỗi công trình, dự án như chi phí đền bù giải phóng mặt bằng hay địa chất. Cụ thể như đầu tư đường cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long có chi phí cao hơn rất nhiều so với các vùng có địa chất tốt hơn.

Theo Toàn Xuyên

Cùng chuyên mục
XEM