Cớ sao du lịch Việt không vượt được du lịch Thái?

09/07/2015 09:33 AM |

Việc du lịch Việt Nam phải vượt Thái Lan và trở thành nền du lịch đứng đầu ASEAN là quyết tâm mà chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam – CEO Hàng không Hải Âu – đặt ra. Nếu không đặt mục tiêu như vậy, dự án sân bay Long Thành sẽ gặp khó khăn khi có tới 2/3 tổng khách bay với mục đích du lịch.

Nội dung nổi bật:

- Ba ngành được xác định là ngành mũi nhọn của Việt Nam gồm: Điện tử, Dệt may và Du lịch. Nhưng với Điện tử và Dệt may, chúng ta tự hào xuất khẩu hàng chục tỷ USD nhưng chỉ đang tham gia vào khâu thấp nhất trong chuỗi giá trị. Riêng Du lịch, chúng ta làm từ A đến Z

- “Tôi có tham gia trong dự án sân bay Long Thành. Một trong những điều kiện thành công của dự án sân bay Long Thành là phát triển ngành du lịch Việt Nam. Nếu du lịch Việt Nam không phát triển mạnh mẽ, lượng khách du lịch đến TPHCM không tăng trưởng mạnh mẽ, dự án sân bay Long Thành sẽ gặp khó khăn...”

- “Tôi nghĩ mãi không ra có lý do gì, câu chuyện gì, vấn đề gì mà Việt Nam không vượt được Thái Lan về du lịch?”


TS. Lương Hoài Nam – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn du lịch Thiên Minh, Tổng Giám đốc Hàng không Hải Âu - bày tỏ những bức xúc nhất định đối với du lịch của Việt Nam.

Theo ông, ba ngành được xác định là ngành mũi nhọn của Việt Nam gồm: Điện tử, Dệt may và Du lịch. Nhưng với Điện tử và Dệt may, chúng ta đang làm gì?

Điện tử chúng ta làm gì? Chúng ta xuất khẩu điện thoại với tổng giá trị 25 tỷ USD, nhưng nói thẳng là chúng ta chỉ làm khâu lắp ráp, chứ thương hiệu là thương hiệu ngoại, linh kiện là linh kiện ngoại, thiết kế ngoại.... Tất cả mọi thứ là ngoại, chúng ta chỉ tham gia vào chuỗi giá trị ở khâu lắp ráp. Đến cái đinh ốc của điện thoại chúng ta cũng không làm nổi”, TS. Nam bức xúc.

“Chúng ta xuất khẩu 20 tỷ USD dệt may, nhưng chủ yếu làm ở khâu gia công trong chuỗi giá trị, còn vải ngoại, chỉ ngoại, cúc ngoại, thương hiệu ngoại, thiết kế ngoại...”

Du lịch thì khác. Trong lĩnh vực này, chúng ta làm từ A đến Z, tham gia vào tất cả các khâu trong chuỗi giá trị, và cần có một vị trí quan trọng hơn. Nếu nói là ngành mũi nhọn, thì nó phải nhọn hơn”.

“Ai đã đến Bangkok thì thấy Bangkok không có nhiều nét đẹp và độc đáo về kiến trúc, văn hóa như TP HCM, Hà Nội. Ai đã đến Phuket, Pattaya, có thể thấy các địa danh du lịch biển đó đâu đẹp bằng vịnh Hạ Long và các địa danh du lịch biển của Việt Nam trải dài từ Thừa Thiên - Huế đến tận Hà Tiên, Phú Quốc, Côn Đảo” – TS. Lương Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn du lịch Thiên Minh, Tổng Giám đốc Hàng không Hải Âu.

Vì vậy, ông mạnh dạn đề nghị sớm có nghị quyết chuyên đề để phát triển du lịch và đặt hàng mục tiêu đưa du lịch Việt Nam đến năm 2030 trở thành nền du lịch lớn nhất ASEAN, tức từ nay đến 2030, chúng ta phải đuổi kịp và vượt Thái Lan về du lịch.

“Tôi nghĩ mãi không ra có lý do gì, câu chuyện gì, vấn đề gì mà Việt Nam không vượt được Thái Lan về du lịch?”, TS. Nam thắc mắc.

“Tôi cho rằng Việt Nam có mọi thứ để đuổi kịp và vượt Thái Lan về du lịch. Chúng ta hơn Thái Lan về tiềm năng thiên nhiên, đa dạng văn hóa... Nhiều thứ chúng ta có mà Thái Lan không có. Chúng ta nhìn thấy gì cản trở thì đều có thể giải quyết được với một sự quyết tâm”.

Du lịch Việt Nam vs du lịch Thái Lan qua những con số

- Lượng khách du lịch quốc tế

Năm 2014:

Thái Lan: đón 24,8 triệu lượt khách

Việt Nam: 7,8 triệu lượt

Trong đó, nếu tính riêng thành phố Bangkok đã đón 17,5 triệu lượt khách du lịch, nhiều hơn gấp đôi lượt khách du lịch đến cả nước Việt Nam.

Lượng khách du lịch vào TPHCM chỉ bằng 1/3 lượt khách quốc tế đến Kuala Lumpur, 1/4 Bangkok, 1/5 Singapore và 1/6 Hongkong.

Nhìn lại số lượt khách quốc tế 10 năm qua, liệu Việt Nam có cơ hội vượt Thái Lan về du lịch? Nguồn dữ liệu: Tổng cục Du lịch Việt Nam và Tổng cục Du lịch Thái Lan (Department of Tourism of Thailand).

Nhìn lại số lượt khách quốc tế 10 năm qua, liệu Việt Nam có cơ hội vượt Thái Lan về du lịch? Nguồn dữ liệu: Tổng cục Du lịch Việt Nam và Tổng cục Du lịch Thái Lan (Department of Tourism of Thailand).

“Tôi có tham gia trong dự án sân bay Long Thành. Tôi có nói rằng: Một trong những điều kiện thành công của dự án sân bay Long Thành là phát triển ngành du lịch Việt Nam. Nếu du lịch Việt Nam không phát triển mạnh mẽ, lượng khách du lịch đến TPHCM không tăng trưởng mạnh mẽ, dự án sân bay Long Thành sẽ gặp khó khăn...”, TS. Nam nhận định.

“Bởi khách đi máy bay vào một sân bay thì 2/3 là đi du lịch. Có nghĩa rằng, để dự án Long Thành thành công, du khách vào TPHCM phải tăng trưởng rất mạnh trong những năm tới”.

- Doanh thu du lịch

Năm 2013:

Thái Lan: ngành du lịch mang về doanh thu 65 tỷ USD, đóng góp vào GDP 38 tỷ USD (tương đương 6% GDP). Du lịch Thái Lan tạo 2,5 triệu việc làm trực tiếp và 6 triệu việc làm gián tiếp.

Việt Nam: 10 tỷ USD, đóng góp khoảng 4,6% vào GDP. Tại Việt Nam, lao động trong ngành du lịch chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động xã hội, tạo thêm khoảng 30.000 - 40.000 việc làm mới hàng năm.

- Visa

Thái Lan: miễn visa cho 61 nước (trong đó 40 nước được miễn visa đơn phương)

Việt Nam: miễn visa cho 22 nước (trong đó 7 nước được miễn đơn phương, 6 nước vừa được miễn thị thực từ 1/7), chưa áp dụng hình thức cấp visa trực tuyến, hoặc cấp visa trực tiếp tại điểm đến.

- Chi phí cho quảng bá du lịch

Thái Lan: 80 triệu USD

Việt Nam: 1,5 triệu USD

“Nhìn những con số trên, nếu chúng ta đặt mục tiêu trở thành nền du lịch lớn nhất ASEAN thì phải vượt lên những con số đó. Tôi đề nghị chúng ta có chương trình chính sách và sự quyết tâm để làm”, ông Nam nhấn mạnh.

Những rào cản đối với sự phát triển của du lịch Việt Nam, ông Nam cho rằng đó là visa, quảng bá du lịch, phát triển nguồn lực du lịch và 6 vấn đề Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã liệt kê trước đó gồm: Chặt chém, Giao thông không an toàn; Ăn xin, ăn cắp vặt; Vệ sinh an toàn thực phẩm; Bảo vệ môi trường; Văn hóa bán hàng.

“Những rào cản trên, tôi cho rằng có thể giải quyết được hết, nhưng chúng ta cần giải quyết với một sự chú trọng. Du lịch là một ngành xuất khẩu tại chỗ và cái hay của du lịch là xuất khẩu không có quota. Chúng ta có bao nhiêu, làm bấy nhiêu!”, ông Nam nói.

Trước đó, TS. Lương Hoài Nam cũng đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mạnh dạn tách riêng ngành du lịch, lập thành Bộ Du lịch, để ngành du lịch có thể "cất cánh".

“Nếu chúng ta coi du lịch là một ngành quan trọng, hãy manh dạn thành lập Bộ Du lịch. Campuchia cũng có Bộ Du lịch. Thái Lan có Bộ Du lịch Thể thao. Tại Singapore, ngành du lịch do Bộ Công thương quản lý. Còn tại Việt Nam, chúng ta ghép Du lịch vào Thể thao và Văn hóa. Thể thao và Văn hóa cũng quan trọng nhưng đó là lĩnh vực tiêu tiền, còn Du lịch là lĩnh vực làm tiền. Chúng ta cần chú trọng hơn để đẩy ngành du lịch cất cánh một cách mạnh mẽ”.

“Du lịch Việt Nam giống kinh tế Việt Nam, và giống hàng không Việt Nam. Tôi trải nghiệm cả 3 thứ này mấy chục năm. Sau bước tiến rất nhanh từ những năm 1990, từ năm 2000 đến nay, dịch vụ hàng không, dịch vụ du lịch bắt đầu đi ngang rồi đi xuống.

Mọi người chỉ biết đến Việt Nam như một dân tộc 4.000 năm đánh nhau. Nhưng rất ít ai biết rằng đầu thế kỷ thứ 19, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế lớn hơn, mạnh hơn nền kinh tế Malaysia, mạnh hơn nền kinh tế Philippines...” – TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

Nguyên Bảo

Cùng chuyên mục
XEM