Có doanh nghiệp kêu trời vì 1 năm đón... 20 đoàn thanh tra

17/04/2015 09:49 AM |

Đối với một doanh nghiệp trong nước, thường 1 năm có 1 cuộc thanh, kiểm tra. Tại Việt Nam, con số này trung bình là 2. Nhưng cũng có một số doanh nghiệp chịu sự nhũng nhiều rất nhiều, 1 năm đón 8 - 10, thậm chí 20 đoàn thanh tra...

Nội dung nổi bật:

- Theo báo cáo của PCI, hàng năm vẫn có một bộ phận doanh nghiệp bị phiền hà quá mức. Trong năm 2014, có 4 doanh nghiệp bị thanh tra trên 20 lần, và 1 doanh nghiệp bị thanh tra bởi 40 đơn vị khác nhau.

- Năm 2014, các doanh nghiệp Trung Quốc và Singapore có xu hướng bị thanh tra nhiều hơn doanh nghiệp các quốc gia khác. Doanh nghiệp FDI ở Vĩnh Phúc bị thanh cao cao bất thường so với các tỉnh, trung bình bị thanh tra 6 lần một năm, cao hơn 60% tỉnh xếp hạng liền kề là Hải Dương.


Một doanh nghiệp bị 40 đơn vị thanh tra

Có một doanh nghiệp ở Bà Rịa – Vũng Tàu phản ánh, trong năm 2014 có tới 10 đoàn thanh tra đến thanh tra doanh nghiệp này. Trước thực tế này, GS.TS Edmund Malesky, Đại học Duke (Hoa Kỳ), trưởng nhóm nghiên cứu Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cho rằng: “Đối với một doanh nghiệp trong nước, thường 1 năm có 1 cuộc thanh, kiểm tra. Ở Việt Nam, số lần doanh nghiệp trung vị bị thanh kiểm tra ở mức 2 lần/năm”.

“Nhưng, cũng có một số doanh nghiệp chịu sự nhũng nhiễu rất nhiều, một năm có đến 8 - 10, thậm chí 14 cuộc thanh tra”.

Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu PCI, hàng năm vẫn có những trường hợp cho kết quả đột biến, hay nói cách khác, một bộ phận nhỏ doanh nghiệp bị phiền hà quá mức. Trong năm 2014, có 4 doanh nghiệp bị thanh tra trên 20 lần, và 1 doanh nghiệp bị thanh tra bởi 40 đơn vị khác nhau.

“Mức độ phiền hà không khác nhau nhiều giữa các ngành, nhưng tập trung vào những doanh nghiệp vừa và lớn”, báo cáo cho biết.

Theo đó, một doanh nghiệp trên 500 nhân sự có 10% khả năng nằm trong nhóm bị thanh tra nhiều, và nếu tăng 1 điểm về quy mô nhân sự, sẽ làm gia tăng khả năng bị thanh tra lên 8%. Kết quả tương tự cũng được ghi nhận khi đo lường quy mô bằng vốn đầu tư theo giấy phép đầu tư.

Năm 2014, các doanh nghiệp Trung Quốc và Singapore có xu hướng bị thanh tra nhiều hơn doanh nghiệp các quốc gia khác (khoảng 6% so với mức trung bình toàn quốc là dưới 1%).

Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho thấy mức độ thanh tra và phiền hà (doanh nghiệp bị thanh tra trên 8 lần một năm) không khác nhiều giữa các tỉnh, ngoại trừ một ngoại lệ đáng lưu ý – Vĩnh Phúc. Doanh nghiệp FDI ở Vĩnh Phúc trung bình bị thanh tra 6 lần một năm, cao hơn 60% tỉnh xếp hạng liền kề là Hải Dương.

Đáng lo ngại hơn, 30% doanh nghiệp FDI ở địa phương này bị thanh tra trên 8 lần một năm. Thực tế, 53% trường hợp bị thanh tra nhiều bất thường đều xảy ra ở tỉnh Vĩnh Phúc.

Mặc dù đã vươn lên thứ 6 trên bảng xếp hạng PCI 2014 (thứ hạng năm 2013 là 26), Vĩnh Phúc vẫn có thụt lùi ở nhiều chỉ số, như Tiếp cận đất đai, Cạnh tranh bình đẳng, Tính năng động, Chi phí không chính thức, Chi phí thời gian.

Các doanh nghiệp FDI trên cả nước, bao gồm Vĩnh Phúc, đều cho biết ba cơ quan thanh tra phiền hà nhất đối với doanh nghiệp họ là cơ quan quản lý nhà nước về an toàn phòng chống cháy nổ, Thuế và Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT)

“Xếp hạng PCI, tôi phải từ chối rất nhiều lời mời ăn trưa của Chủ tịch, Bí thư tỉnh”

“Xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chúng tôi rất áp lực” – ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết.

“Năm nay, lần đầu tiên báo cáo PCI có đánh giá sự can thiệp của các tỉnh vào doanh nghiệp. Từ thông tin thống kê, chúng tôi phát hiện có trường hợp bất thường, nhiều doanh nghiệp trả lời về tỉnh rất tích cực. Chúng tôi biết bằng cách thức này, cách thức khác, tỉnh đã tác động tới doanh nghiệp. Về mặt phươg pháp, chúng tôi có thể phát hiện, kiểm soát trường hợp can thiệp thông tin như vậy”.

Ông Tuấn cũng cho biết, ông và TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI – từng nhận được rất nhiều tin nhắn hỏi rằng VCCI lấy tư cách gì xếp hạng các tỉnh? Rồi là xếp hạng các tỉnh không chính xác...

“Đây chính là các doanh nghiệp bỏ phiếu chứ không phải VCCI. Quê hương của Chủ tịch VCCI là Thái Bình, nhưng PCI của Thái Bình năm nay tụt hạng rất nhiều so với năm ngoái (chỉ số PCI của Thái Bình năm nay tụt 19 bậc, từ 21 xuống 40 – PV). PCI tồn tại được 10 năm, một trong những lý do của nó là khẳng định được sự độc lập khách quan. Cá nhân tôi từ chối rất nhiều lời mời ăn trưa, ăn tối của Chủ tịch, Bí thư Tỉnh” – ông Tuấn cho biết.

>> Doanh nghiệp FDI: Cơ sở hạ tầng và dịch vụ công của Việt Nam thua Lào

Thanh Thủy

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM