Cơ chế tỷ giá mới – hai mặt của một đồng xu

09/01/2016 19:55 PM |

NHNN chính thức triển khai cơ chế mới về điều hành tỷ giá theo nguyên tắc thả nổi có kiểm soát. Cơ chế tỷ giá mới này sẽ có những tác nhất định đối với nền kinh tế nói chung và chính sách tiền tệ nói riêng trong năm 2016.

Vì sao NHNN thay đổi cơ chế điều hành tỷ giá vào đầu năm 2016 ?

Một số năm gần đây, NHNN thực hiện cơ chế điều hành tỷ giá ổn định thông qua cam kết mức biến động từng thời kỳ. Cơ chế này tương đối phù hợp với tình hình thực tế và neo kỳ vọng tỷ giá ổn định.

Tuy nhiên, trong năm 2015, trước sức ép phá giá mạnh kỷ lục của đồng Nhân dân tệ kéo theo một loạt đồng tiền Châu Á chủ chốt khác cũng như chỉ số giá trên thị trường hàng hóa quốc tế sụt giảm; Fed tăng lãi suất cơ bản đồng bạc xanh thên 0,25% đã làm cam kết điều chỉnh tỷ giá trong năm 2015 không quá 2% của NHNN bị phá vỡ. Dự kiến trong năm 2016, Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất; đồng Nhân dân tệ chính thức đưa vào rổ tiền tệ IMF; cặp tỷ giá Nhân dân tệ với USD vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường; cán cân thương mại có thể tiếp tục thâm hụt tạo áp lực lên cán cân thanh toán tổng thể.

Một nguyên nhân khác cũng cần phải kể đến là dự trữ ngoại hối do NHNN dày công cải thiện trong 5 năm gần đây nhưng vẫn rất mỏng và chi phí tài chính để cải thiện dự trữ ngoại hối quá lớn.

Theo đó, trong giai đoạn 2011-2015, nhằm mục tiêu kiềm chế lạm phát, xử lý nợ xấu và hút tiền trong lưu thông nhằm trung hòa lượng tiền mua USD từ các ngân hàng thương mại, NHNN đã phát hành hơn 2.067 nghìn tỷ đồng tín phiếu NHNN với tổng tiền lãi phải trả cho số tín phiếu phát hành nêu trên lên tới hơn 17.300 tỷ đồng. Ước tính, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đầu năm 2015 khoảng 37 tỷ USD (cộng 10 tấn vàng), tuy nhiên, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế chỉ còn khoảng 30,3 tỷ USD vào cuối tháng 9/2015.

Theo số liệu trên Website của NHNN cũng đã xác nhận về nội dung này, cụ thể, cán cân thanh toán tổng thể chuyển từ trạng thái thặng dư 7.919 triệu USD tại thời điểm quý 1/2014 sang trạng thái thâm hụt -6.594 triệu USD tại thời điểm quý 3/2015. Những "con số biết nói" đã cho thấy cam kết không phá giá thêm nữa tiền đồng VND từ sau đợt điều chỉnh vào tháng 08/2015 khiến NHNN phải chịu tổn thất đối với tài khoản dự trữ ngoại hối và đưa cân đối vĩ mô là dự trữ ngoại hối về lại tình trạng bấp bênh.

Hai mặt của một đồng xu

Việc công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày được xác định trên cơ sở 3 tham chiếu: diễn biến tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng; biến động tỷ giá trên thị trường quốc tế của 8 đồng ngoại tệ có tỷ trọng thương mại lớn với Việt Nam (USD, Euro, Nhân dân tệ, Yên Nhật, đô la Singapore, Won Hàn Quốc, Bath Thái, đồng đô la của Đài Loan); cân đối vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ cho thấy cơ chế điều hành tỷ giá đã linh hoạt hơn, giảm thiểu những kỳ vọng tăng tỷ giá của thị trường từ những tin đồn điều chỉnh tỷ giá hoặc lãi suất của các đồng ngoại tệ mạnh khác. Quan trọng hơn sẽ giảm thiểu chi phí tài chính của Nhà nước nhằm duy trì giá trị đồng VND so với đồng USD như trước đây.

Việc chuyển cơ chế công bố quota điều chỉnh tỷ giá từng năm bằng việc công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày và được điều chỉnh theo 2 chiều lên/xuống mỗi ngày làm cho thị trường khó biết trước được tỷ giá biến động trong năm. Tuy nhiên, để làm được điều này, NHNN sẽ phải:

Thứ nhất, khống chế được kỳ vọng tăng tỷ giá của thị trường. Công việc này nằm ngoài khả năng kiểm soát của NHNN do phụ thuộc lớn vào chính sách tiền tệ của các nước trên thế giới. Cụ thể : trong năm 2016, Fed có thể tiếp tục tăng lãi suất và theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt khi thương mại toàn cầu đang ấm dần; Trung Quốc cũng có sẽ điều chỉnh tỷ giá ở mức hợp lý một mặt nhằm hỗ trợ xuất khẩu để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, mặt khác nhằm hạn chế dòng vốn đảo chiều rút ra khỏi nước này.

Thứ hai, tạo đủ sức hấp dẫn đối với đồng VND. Nội dung này đã được cụ thể hóa bằng việc giảm lãi suất tiền gửi USD xuống còn 0%. Tuy nhiên, như hai mặt của một đồng xu, việc triệt tiêu lãi suất tiền gửi ngoại tệ buộc NHNN phải duy trì lãi suất VND ở mức cao để nâng vị thế đồng tiền này. Đồng nghĩa với việc NHNN sẽ khó điều hành giảm lãi suất VND xuống mức thấp hơn.

Ngoài ra, hai yếu tố ảnh hưởng đến lãi suất VND không giảm trong thời gian tới là lãi suất TPCP và nợ xấu. Cụ thể: i) Lãi suất TPCP kỳ hạn 5 năm huy động từ 4,8-6,5% hiện tại còn rất khó huy động nên khó có thể giảm hơn trong năm 2016. Khi lãi suất TPCP tăng lên thì các NHTM không thể hạ lãi suất huy động. ii) Tính đến ngày 30/11, nợ xấu toàn hệ thống được đưa về mức 2,72% bằng việc bán nợ xấu cho VAMC.

Tuy nhiên, nợ xấu chưa được xử lý tận gốc nên các NHTM phải trích lập dự phòng 20%/năm làm tăng mạnh chi phí hoạt động/tổng chi phí của các NHTM. Chi phí này tăng cao cho thấy khả năng chịu đựng của NHTM không nhỏ, vì vậy, dù NHNN có muốn giảm lãi suất thì chính các NHTM cũng không thể chịu được. Hiện tại, trong bối cảnh lạm phát năm 2015 chưa tới 1% trong khi lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6,5%-7%/năm và trung, dài hạn khoảng 10%, không ít người đi vay và doanh nghiệp so sánh lãi suất cao với lạm phát thấp. Việc đẩy lãi suất tăng sẽ tiếp tục tác động đến sức khỏe tài chính của doanh nghiệp, vào ổn định kinh tế vĩ mô nói chung và nghĩa vụ ngân sách của doanh nghiệp nói riêng.

Thứ ba, tạo đủ nguồn cung ngoại tệ ngắn hạn và dài hạn để doanh nghiệp có thể mua, bán dễ dàng khi có nhu cầu. Đồng thời NHNN sẽ phải thiết lập thị trường phái sinh tỷ giá để doanh nghiệp tìm đến bảo hiểm tỷ giá cho mình.

Theo Nguyễn Lê

Cùng chuyên mục
XEM