Cơ chế thị trường ở Việt Nam: Càng mua nhiều càng rẻ, trừ ĐIỆN

30/06/2015 18:36 PM |

“Tại sao ngành điện lại như vậy? Chúng ta phải thông cảm với ngành điện vì cung có hạn mà cầu rất lớn. Nhưng cách tính biểu thuế lũy tiến về giá điện hiện nay phải xem xét lại. Ông đừng giành về phía ông nhiều quá”.

Nội dung nổi bật:

- Bất chấp chỉ số lạm phát thấp, tốc độ tăng trưởng ở mức cao, nội lực của doanh nghiệp sản xuất trong nước vẫn yếu vô cùng, PGS. TS Ngô Trí Long phân tích

- Trong bối cảnh thu nhập kém, năng suất lao động kém, cái gì cũng kém nhưng giá xăng, giá điện doanh nghiệp, người dân phải chịu lại cao quá. Theo cơ chế thị trường, hàng hóa càng mua nhiều càng rẻ, nhưng giá điện thì ngược lại.

- Còn giá xăng, theo tính toán, đến gần một nửa cơ cấu giá là thuế và phí đánh lên 1 lít xăng, đẩy giá xăng Việt Nam cao hơn cả giá xăng của Mỹ


Phản biện tại Hội thảo Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm 2015 và dự báo sáng 30/6, chuyên gia kinh tế, PGS. TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá (Bộ Tài chính) bày tỏ nỗi lo cho doanh nghiệp sản xuất trong nước trước “những số liệu thống kê rất đẹp” được công bố trong thời gian gần đây.

Đằng sau những số liệu đẹp

Theo các số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,28%, tiêu dùng cuối tăng 8,7% so với cùng kỳ. Căn cứ vào các số liệu này, việc đạt mục tiêu GDP cả năm 2015 ở mức 6,2% như Chính phủ đề ra là khả thi.

Tuy nhiên, theo PGS. TS Ngô Trí Long, mặc dù tăng trưởng 6 tháng ở mức cao, nhưng nội lực của doanh nghiệp Việt rất yếu, thể hiện ở 2 khía cạnh.

Một là, nhập siêu 6 tháng đầu năm ở mức 3,75 tỷ USD. Với việc vênh số liệu xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc và Việt Nam là 20 tỷ USD, như vậy, số liệu thống kê năm ngoái không phải xuất siêu mà là nhập siêu?

“Ta tin số liệu nào? Tôi không biết cách tính toán của Trung Quốc thế nào nhưng số liệu của Việt Nam tôi không tin” – ông Long bày tỏ.

Hai là, trong khi khối FDI tăng xuất khẩu khoảng 16%, xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước rất thấp, đặc biệt xuất khẩu thủy sản thấp nhất trong vòng rất nhiều năm qua.

“Khả năng cạnh tranh của chúng ta yếu vô cùng”, ông Long than thở. “Trong khi sản xuất trong nước cực kỳ khó khăn, cơ chế quản lý giá của chúng ta thế nào?”.

Với cơ chế quản lý giá của Việt Nam, ông Long lấy ví dụ về 2 mặt hàng thiết yếu và bất cập nhất: XăngĐiện.

Điện: Mua càng nhiều càng đắt

“Tôi rất muốn đối thoại với ngành điện. EVN so sánh đầu ra của các nước khu vực, trong khi đầu vào của ngành điện Việt Nam tương đối thấp. Lương nhân công không cao bằng, tổn thất điện thấp, hay như các công ty điện của Singapore, Malaysia chạy hoàn toàn bằng dầu mà giá 7,2 cent/kW, trong khi gần 40% điện của Việt Nam sản xuất từ thủy điện với giá thành rẻ.” – PGS. TS Ngô Trí Long

“Tôi đã nói: Đối với ngành điện, cần một cuộc đại phẫu thuật về giá. Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời Quốc hội là hiện nay, giá điện chưa theo giá thị trường là hoàn toàn không đúng”.

Theo ông Long, Giá thị trường đối với sản phẩm độc quyền = Chi phí hợp lý + Lợi nhuận hợp lý.

“Hiện ngành điện làm đúng rồi, sao lại bảo chưa theo giá thị trường?”, ông Long chất vấn.

Về việc tăng giá bán điện từ 16/3, người dân kêu ca rất nhiều về hóa đơn điện. “Nhiều gia đình hóa đơn điện tăng gấp 2 - 3 lần. Tôi có hóa đơn trong tay của một gia đình ở thị xã Hà Đông, giá điện tăng 8 lần. Có hóa đơn của gia đình người ta đi vắng 2 tháng liền mà giá điện tăng gấp đôi” – ông Long bày tỏ.

“Người ta nói thời tiết nắng nôi, nên dùng điều hòa nhiều, nhưng cái gốc của vấn đề là cách tính theo lũy tiến”.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, với lượng điện tiêu thụ từ 50 - 400kW, số tiền điện tăng thêm trên mỗi hóa đơn chỉ ở mức 4.800 - 56.300 đồng.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, với lượng điện tiêu thụ từ 50 - 400kW, số tiền điện tăng thêm trên mỗi hóa đơn chỉ ở mức 4.800 - 56.300 đồng. Nhưng thực tế hóa đơn tiền điện mới đây khiến nhiều người ngã ngửa.

“Cách tính theo cơ chế thị trường, theo nguyên lý, thì càng mua nhiều càng rẻ. Tại sao ngành điện như vậy? Chúng ta phải thông cảm với ngành điện, cung có hạn mà cầu rất lớn. Trong bối cảnh cung không đáp ứng cầu thì buộc phải hạn chế bằng cách lũy tiến. Nhưng cách tính biểu thuế lũy tiến về giá điện hiện nay phải xem xét lại”

Xăng dầu: Thuế, phí chiếm gần một nửa

Với mặt hàng xăng dầu, theo ông Long, xăng dầu hiện nay, với 70% nhập khẩu từ thị trường thế giới, nên nói xăng dầu theo giá thị trường là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, giá xăng dầu nước này và nước kia khác nhau chủ yếu ở thuế và phí.

“Thuế và phí của chúng ta quá cao. Theo tính toán của tôi, thuế và phí/lít xăng chiếm khoảng 42,56%, gần 10.000 đồng/lít. Trong khi đó, giá xăng tại Mỹ chỉ hơn 18.000 đồng/lít. Trong bối cảnh cạnh tranh, thu nhập của chúng ta kém, năng suất lao động kém, cái gì cũng kém nhưng đầu vào cao quá”, ông Long than thở.

Với việc nâng thuế bảo vệ môi trường từ 1.000 – 3.000 đồng/lít, Bộ Tài chính khẳng định việc tăng thuế không ảnh hưởng đến giá xăng dầu. Tuy nhiên, Bộ Công thương cho biết việc tăng thuế sẽ làm tăng giá xăng dầu thêm 160 đồng/lít.

Còn theo tính toán cụ thể của ông Long, áp thuế bảo vệ môi trường, mức tăng thêm của giá xăng dầu gần gấp đôi tính toán của Bộ Công thương, ở mức 309 đồng/lít.

“Trong điều hành, phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, Nhà nước và người tiêu dùng. Đừng tính lợi cho ông nhiều quá!” – ông Long nói.

Nguyên Bảo

Cùng chuyên mục
XEM