Cơ chế nào giúp Phú Quốc “cất cánh” như mong đợi?

28/09/2014 08:48 AM |

Phát triển Phú Quốc như một đặc khu hành chính – kinh tế có thể là giải pháp phù hợp nhưng mới, vì vậy để có được “hình hài” và đề án Phát triển được thông qua chắc chắn còn chờ đợi khá dài.

Sau gần 10 năm thực hiện quyết định 178/2004/QĐ-TTg, Phú Quốc trở thành huyện có đóng góp vào ngân sách tỉnh Kiên Giang lớn nhất. Tuy nhiên, với tiềm năng, nguồn lực của mình đã đến lúc cần một chiếc áo mới về “cơ chế, chính sách” để hỗ trợ Phú Quốc phát triển. 

Tháng 12/2013, Thủ tướng quyết định số 80/2013/QĐ-TTg ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đảo Phú Quốc. Đến tháng 9/2014, Phú Quốc được công nhận là đô thị loại II. 

Với các quyết định trên, Phú Quốc mở rộng cửa hơn nữa đối với nhà đầu tư và khách du lịch quốc tế; đồng thời bước vào giai đoạn đầu tư mạnh mẽ cho cơ sở hạ tầng từ NSNN và đô thị. 

Một số điểm nổi bật trong Quyết định 80/2013/QĐ-TTg

Về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư: các nhà đầu tư có dự án đầu tư vào Phú Quốc được hưởng ưu đãi và hỗ trợ theo mức cao nhất hiện có. 

Về xuất nhập cảnh, cư trú, đi lại: Người nước ngoài, Việt kiều được miễn thị thực trong thời hạn lưu trú tại Phú Quốc 30 ngày – gấp đôi thời gian trong các quy định về thu hút khách du lịch hiện nay của Việt Nam. 

Về đầu tư công trình trọng điểm: Ngoài việc đầu tư nguồn, hệ thống điện, sân bay, cảng biển, thực hiện giải phóng mặt bằng, đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội..., Phú Quốc tập trung vốn ngân sách đầu tư hệ thống giao thông đường bộ - đường trục chính Bắc Nam và đường vòng quanh đảo; các đường nhánh quan trọng nối từ trục chính đến đường vòng quanh đảo hoặc đấu nối với các khu du lịch, khu đô thị - dân cư trọng điểm.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang được phép chỉ định thầu các công trình kết cấu hạ tầng trên đảo Phú Quốc phù hợp với quy định. 

Tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất được thu theo chênh lệch giữa giá đất theo mục đích sử dụng mới với giá đất theo mục đích sử dụng trước khi chuyển mục đích sử dụng đất tại cùng thời điểm được chuyển mục đích sử dụng. Giá đất do UBND tỉnh quyết định. 

Giá đất để giao cho nhà đầu tư được áp dụng chung cho cả khu vực(theo bãi, không áp dụng riêng cho từng dự án cụ thể). 

Quyết định 80 ra đời tạo điều kiện để Phú Quốc thu hút khách du lịch, ưu tiên vốn cho phát triển hạ tầng giao thông, tăng thêm quyền cho Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, không có sự thương thảo giá đất cho từng dự án như ở một số tỉnh thành vẫn thường làm. Về cơ bản quyết định 80 chưa có nhiều đột phá so với các khung chính sách quy định hiện nay, nhưng tránh được tình trạng "tùy định” diễn ra ở một số địa phương trong thời gian qua. 

Cơ chế, chính sách nào để Phú Quốc thực sự là “đảo ngọc”?

Dĩ nhiên, nếu chỉ dừng lại các chính sách ưu đãi và tăng quyền cho chủ tịch tỉnh Kiên Giang như quyết định 80, Phú Quốc khó mà cạnh tranh với các địa bàn khác cũng như khó hấp dẫn các nhà đầu tư đẩy mạnh giải ngân vốn vào các dự án lớn tầm cỡ trên hòn đảo này. Bởi vậy, phát triển theo mô hình đặc khu kinh tế có thể giúp Phú Quốc phát huy được các tiềm lực của mình. 

Như ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh để Phú Quốc phát triển cần phải làm rõ tính đặc biệt về hành chính, kinh tế, quốc phòng, an ninh của Phú Quốc; trên cơ sở đó có cơ chế, chính sách đột phá, đủ mạnh khác biệt về mô hình hành chính, tổ chức bộ máy, tài chính, tiền tệ, ngân hàng, ưu đãi thuế thu hút nguồn lực chất lượng cao, lao động, tiền lương, đất đai, nhà ở, xuất nhập cảnh, lưu trú….”

Tháng 11/2013, Thủ tướng Chính phủ có kết luận một số nhiệm vụ trong thời gian tới của tỉnh Kiên Giang trong đó chỉ đạo tỉnh Kiên Giang chủ động phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cùng các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng Đề án “Xây dựng khu hành chính – kinh tế đặc biệt Phú Quốc tỉnh Kiên Giang”; nghiên cứu cơ chế, chính sách thu hút mạnh đầu tư và làm rõ thẩm quyền, chức năng của bộ máy quản lý phát triển Khu kinh tế đặc biệt này, báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ để trình Bộ Chính trị.

Tuy nhiên phát triển Phú Quốc như một đặc khu hành chính – kinh tế, trực thuộc Trung ương là vấn đề mới, thực tiễn Việt Nam chưa có. Vì vậy, để có được “hình hài” đề án cho đến khi đề án được thông qua chắc chắn còn một khoảng thời gian chờ đợi khá dài. Trước mắt, nhiều ý kiến cho rằng nên chăng cho phép mở rộng thẩm quyền của Phú Quốc được xem xét về quy mô vốn tương đương thẩm quyền đăng ký doanh nghiệp ở cấp tỉnh.

Thêm vào đó, theo ý kiến một số nhà quản lý cũng như hoạch định chính sách, cần có thể chế đặc thù về đất đai cho Phú Quốc, không nên áp dụng cơ chế giao đất cho nhà đầu tư như hiện nay, mà thay bằng cơ chế “đấu giá quyền sử dụng đất theo mục đích sử dụng”. 

>>10 năm thực hiện QĐ 178, Phú Quốc thành huyện “giàu nhất” Kiên Giang

Thanh Giang

Cùng chuyên mục
XEM