Clip: Trải nghiệm hai tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở Hà Nội

05/10/2015 15:23 PM |

Những phác họa sau đây sẽ giúp người dân hình dung rõ ràng về lộ trình, phương thức hoạt động của hai tuyến đường sắt đô thị đầu tiên sẽ góp phần thay đổi cuộc sống của thủ đô trong thời gian tới đây.

Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội là một bộ phận của Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Hà Nội. Theo dự án này, Hà Nội sẽ có 6 tuyến đường sắt đô thị.

Tuy nhiên, trong thời gian sớm nhất, 2 tuyến đường sắt đô thị sẽ chính thức đi vào hoạt động để phục vụ người dân là tuyến Nhổn - ga Hà Nội (dự kiến 2016 đi vào hoạt động) và tuyến Cát Linh - Hà Đông (dự kiến 2018 đi vào hoạt động).

Tuyến Cát Linh - Hà Đông (tuyến số 2)

Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đang được xây dựng qua hồ Đống Đa.

Tuyến Hà Nội - Hà Đông là tuyến số 3 trong hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội, và là tuyến thứ hai của dự án được đề xuất, sau tuyến Yên Viên - Ngọc Hồi, trong số 8 tuyến được quy hoạch. Tuyến này được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc, ký năm 2008.

Tuyến đường sẽ nối liền TP Hà Nội với quận Hà Đông với 12 ga bao gồm: ga Cát Linh, Đê La Thành, ga Thái Hà, ga Đường Láng, ga ngã tư Sở, ga Đại học KHTN, ga Vành đai 3, ga Thanh Xuân, ga Bến xe Hà Đông, ga La Khê, ga Văn Khê và ga Hà Đông. Tuyến này hoạt động từ 5h - 22h hàng ngày, kể cả ngày lễ.

Nguồn clip: Ban quản lý dự án

Tuyến Nhổn - ga Hà Nội (tuyến số 3)

Tuyến đường sắt này có chiều dài 12,5 km với 9,6 km đi trên cao và 2,9 km đi ngầm, có 11 ga trên cao, 4 ga dưới ngầm. Tàu sẽ lưu thông trên tuyến đường này với tốc độ 80 km/h, tàu có chiều dài từ 19 đến 20 mét.

Lộ trình tuyến này như sau: ga đường sắt tại Nhổn (ngã tư đường 70 và QL32), tàu điện sẽ đi theo QL32 đến nội thành Hà Nội, qua các đường phố Hồ Tùng Mậu - Xuân Thuỷ - Cầu Giấy - Kim Mã - Núi Trúc - Giảng Võ - Cát Linh-Quốc Tử Giám - ga Hà Nội (đoạn trước cửa ga, cuối đường Trần Hưng Đạo). Trong đó bao gồm 4 ga kết nối trung chuyển với tuyến đường sắt nội đô tại bến số 11 (KS Daewoo), với hệ thống xe buýt nhanh BRT tại bến 13 (Giảng Võ) và với hệ thống xe buýt tại bến số 10 (Cầu Giấy) và bến 15 (Ga Hà Nội).

Nguồn clip: Ban quản lý dự án

Trước đó, ngày 21/9, những hình ảnh đầu tiên về tàu điện tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông đã xuất hiện. Theo đó, tàu có màu xanh lá cây, vỏ tàu được làm bằng inox 3M, khác với các mẫu tàu hiện có của Trung Quốc.

Theo Hồng Minh

Cùng chuyên mục
XEM