Chuyên gia du lịch Đức: Việt Nam chỉ đang bán cái các bạn có, không quan tâm đến cái khách hàng cần

07/02/2016 11:34 AM |

Chuyên gia du lịch Đức nhận định Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Nhưng chúng ta đang bán cái chúng ta có, không quan tâm đến cái khách hàng cần...

* Thưa GS. TS. Martin, ông đánh giá thế nào về quy hoạch du lịch Việt Nam hiện tại?

GS. TS. Martin Fontanari – Chuyên gia Dự án EU-ESRT (Chương trình Phát triển Năng lực Du lịch có Trách nhiệm với Môi trường và Xã hội): Với ngành du lịch của nước các bạn, tôi nghĩ về tiềm năng rất tốt. Cái các bạn còn thiếu là phải phân tích theo hướng thị trường. Phải xem khách của chúng ta cần cái gì chúng ta đáp ứng cái đó. Chúng ta phải có những công cụ cụ thể để thu thập những thông tin này.

Theo tôi, một điều rất quan trọng là phải có sự kết hợp rất chặt chẽ giữa các bên liên quan khác nhau.

Kinh nghiệm thứ hai, không chỉ nhận thông tin từ nguồn thông tin thứ cấp mà chúng ta có thể tự thu thập thu thập các thông tin, tổng hợp lại. Từ đó, có thể nảy sinh thêm nhiều ý tưởng mới, cải tiến mới.

* Xin ông cho biết cụ thể hơn, đâu là yếu tố còn thiếu của ngành du lịch Việt Nam?

Tôi muốn nói Việt Nam có tiềm năng vô cùng lớn để phát triển du lịch, như các điểm đến chẳng hạn. Nhưng nếu các bạn nghiên cứu sâu hơn một chút về cơ sở hạ tầng, về cơ sở lưu trú, các bạn sẽ thấy các nhà quản lý chỉ tập trung vào cái họ có, cái họ bán ra, chứ họ không quan tâm đến nhu cầu bên ngoài như thế nào.


Cách làm du lịch của Việt Nam trước giờ không thay đổi. Ảnh: The Guardian.

Cách làm du lịch của Việt Nam trước giờ không thay đổi. Ảnh: The Guardian.

Cái mà chúng ta còn thiếu là một chiến lược chung, một ý tưởng chung như sợi chỉ đỏ xuyên suốt để các bên liên quan bám sát vào sợi chỉ ấy.

Bởi thiếu chiến lược, thiếu ý tưởng chung, cho nên họ chỉ làm cái mà họ nghĩ là tốt. Chúng ta phải vượt qua những suy nghĩ đó để chia sẻ, nhận thức được sự phát triển, phải điều chỉnh và đưa nó theo chiến lược chung.

* Đâu là thị trường tiềm năng đối với ngành du lịch Việt Nam? Theo kinh nghiệm của ông, để phát triển các thị trường này, hay mở rộng sang thị trường mới, ngành du lịch Việt Nam cần làm những gì?

Việt Nam đã có các thị trường mục tiêu như Châu Mỹ, Châu Âu, Châu Á, Châu Úc... Chúng ta có thể làm gì?

Chúng ta có thể làm một khảo sát thị trường, hỏi xem: Mọi người mong đợi gì khi đến Việt Nam, Bức tranh về Việt Nam trong họ thế nào, Họ muốn trải nghiệm những gì?... Tốt hơn là các bạn nên xác định thị trường mục tiêu nào là thị trường các bạn muốn hướng đến và đưa ra những sản phẩm tập trung vào một trong những thị trường mục tiêu ấy.

Một điểm rất quan trọng nữa, khi có một ý tưởng hướng tới một thị trường mục tiêu khác, các bạn có thể đến gặp các nhà điều hành tour quốc tế ở quốc gia mà các bạn muốn hướng đến, cung cấp hoặc tư vấn cho họ xem sản phẩm tour nào ở Việt Nam phù hợp với thị trường khách mà các bạn muốn hướng đến.

* Ông có nói Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Nếu so với các quốc gia khác trong ASEAN, tiềm năng này như thế nào?

Nếu so sánh với các quốc gia khác ở ASEAN, phải nói rằng Việt Nam thực sự độc đáo. Các bạn có núi, có sông, có nhiều yếu tố tự nhiên rất thú vị để phát triển ngành du lịch.

Việt nam là đất nước có địa hình kéo dài hàng ngàn cây số theo một đường thẳng, các bạn có thể dễ dàng kết hợp các đặc điểm du lịch giữa rừng và biển. Đây là một điểm rất độc đáo mà không phải quốc gia nào cũng có. Các bạn có núi, có bãi biển, và ở giữa là các thắng cảnh với sông ngòi, ao hồ... rất đáng để phát triển.

Hai là, Việt Nam còn rất nhiều vùng hoang sơ. Tôi nghĩ các bạn nên giữ những đặc tính hoang sơ đó và bổ sung thêm các tiêu chuẩn để tiếp đón các khách quốc tế.

Ví dụ ở Sơn Trà - Đà Nẵng chẳng hạn, có thể có dự án các bạn tập trung vào điểm chính thôi, nhưng từ điểm chính ấy sẽ kết nối ra nhiều điểm du lịch khác, như từ điểm chính này bạn sẽ có dịch vụ leo núi, tắm biển... Cái đó gọi là breaching – kết nối giữa các sản phẩm nhỏ khác nhau.

* Xin cảm ơn ông!

Bảo Bảo (ghi)

Cùng chuyên mục
XEM