Chuyện của những người tha phương ở mảnh đất xa lạ (P.1)

21/09/2015 09:28 AM |

Trong vòng nhiều tháng, những người tị nạn từ Syria, Afghanistan và Eritrea đã đi lại các tuyến đường được sử dụng bởi những người tị nạn châu Âu những năm 1940.

Tha phương cầu thực

Cách tiếp cận của các quốc gia trên thế giới đối với người tị nạn đã bắt đầu ở châu Âu từ bảy thập kỷ trước. Giờ đây châu lục này nên học lại bài học đó.

Năm 1951 một nhóm các nhà ngoại giao ở Geneva đã cam kết rằng các quốc gia của họ sẽ tiếp nhận số lượng lớn người tị nạn từ một vùng đất bị che phủ bởi hận thù dân tộc, ý thức hệ cuồng tín, và những cuộc chiến tranh bất tận: Châu Âu. Chiến tranh thế giới thứ hai đã khiến hàng triệu người lang thang trên khắp lục địa bị tàn phá này. Ba Lan, Tiệp Khắc và Liên Xô đã trục xuất 14 triệu người Đức sau khi Đức Quốc Xã bị đánh bại. Đường biên giới được vẽ lại làm cho hàng triệu người Ukraina, Serbia và những sắc dân khác bị đuổi ra khỏi nhà của họ. Sáu năm trôi qua, 400.000 người bị mắc kẹt trong những khu trại "người di tản" mà không có triển vọng gì về việc tái định cư.

Hội nghị Geneva được ủy thác bởi Liên Hiệp Quốc đã đưa ra một quy ước trong đó yêu cầu các nước ký tên sẽ xem xét yêu cầu được tị nạn bởi bất cứ ai trong lãnh thổ của họ, và đảm bảo quyền được tị nạn cho bất cứ ai có một "nỗi lo có căn cứ về việc bị bức hại" ở trong nước. Ban đầu, quyền được tị nạn chỉ giới hạn cho người châu Âu, tuy nhiên giới hạn này đã được gỡ bỏ khi một giao ước mới cho phép quy ước này mang phạm vi toàn cầu vào năm 1967. Công ước về người tị nạn hiện đã được phê chuẩn bởi 147 quốc gia; hơn 64 năm qua nó đã làm chuẩn mực cho những phản ứng quốc tế đối với khủng hoảng nhân đạo trên toàn thế giới (xem biểu đồ 1).

Việc ký kết công ước đã đánh dấu một trong những thời khắc "không bao giờ trở lại" của thời kỳ hậu chiến, khi các quốc gia cam kết cùng nhau vượt qua những thảm kịch mà chiến tranh tạo ra. Hàng trăm ngàn người tị nạn đã tràn vào khắp châu Âu mùa hè này đang nhớ lại lời cam kết đó và đòi hỏi một câu trả lời.

Trong vòng nhiều tháng, những người tị nạn từ Syria, Afghanistan và Eritrea đã đi lại các tuyến đường được sử dụng bởi những người tị nạn châu Âu những năm 1940. Họ băng qua những hàng rào dây thép sắc như dao cạo ở biên giới phía bắc Serbia, nơi các dân tộc Hungary từng trốn chạy bè đảng Titoist. Họ được đưa lậu trong những xe tải qua nước Áo, cũng giống như những người Do Thái từng đi từ Ba Lan đến Palestine trước đây. Nhưng lần này các chuyến xe đang di chuyển theo hướng ngược lại: về nước Đức.

Đầu tháng chín, một không khí hân hoan chào đón người tị nạn bắt đầu ở các nước Tây Âu, đặc biệt là ở Đức. Nhưng khu vực Trung và Đông Âu không tham gia vào sự nhiệt tình đó. Viktor Orban, Thủ tướng Hungary, đã biến thành một “ác quỷ” đối với người châu Âu tự do, khi ông dựng lên những bức tường và dây thép gai chống lại người tị nạn và đối xử với những người vượt qua như những con vật, hoàn toàn vô cảm với các liên tưởng về trại tập trung của Đức Quốc xã hay những người Đông Đức bỏ chạy qua hàng rào thép gai của Hungary 26 năm trước. Một cuộc thăm dò tháng này tại Cộng hòa Czech cho thấy 71% dân số phản đối thu nhận bất cứ người tị nạn nào.

Slovakia công khai cho biết, nếu họ phải nhận bất cứ người tị nạn nào, đó không phải là người Hồi giáo, một quan điểm được chia sẻ bởi các chính trị gia cánh hữu trên khắp châu lục khi họ lợi dụng sự thù địch đối với người Hồi giáo và những lo ngại rằng châu Âu không có khả năng tiếp nhận họ. Những người ủng hộ cho rằng người di cư đang tìm kiếm phúc lợi xã hội từ châu Âu, hơn là đang chạy trốn cuộc đàn áp. Chính trị gia Geert Wilders người Hà Lan gọi họ là gelukszoekers ("những người tìm kiếm hạnh phúc "), trong khi ông Orban nói đa số người tị nạn là di dân kinh tế. Người ta cho rằng những người chạy trốn khỏi Syria để vào Hy Lạp đã băng qua Thổ Nhĩ Kỳ, nơi mà họ không phải đối mặt với những đe dọa về tính mạng. Như vậy có nghĩa họ không phải là người tị nạn?

Sai. Thứ nhất, về mặt lịch sử mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ đã ký kết Công ước, nước này vẫn không cấp cho người Syria quyền cư trú như người tị nạn. Đây là quốc gia duy nhất, khi phê chuẩn giao ước năm 1967, giữ nguyên các giới hạn ban đầu về địa lý. Như vậy công ước chỉ buộc Thổ Nhĩ Kỳ xem xét các đơn xin tị nạn từ người châu Âu. Một cách khái quát, các quốc gia tham gia Công ước có nghĩa vụ cho phép những người nộp đơn xin tị nạn ở lại trong khi đơn của họ được xem xét, cho dù họ có băng qua những nước an toàn khác hay không. Những người Do Thái đến từ Liên Xô, khi xin tị nạn tại Mỹ trong những năm 1970 đã không bị từ chối chỉ vì họ trước đó đã băng qua Áo.

Tuy nhiên cũng có những ngoại lệ. Quy tắc Dublin của Liên minh châu Âu cho biết những người xin tị nạn ở một nước EU khác so với nước họ lần đầu tiên nhập cảnh nên được trả lại cho quốc gia đầu tiên này. Và luật pháp quốc tế cho phép người nộp đơn được gửi đến các quốc gia "an toàn" khác có cơ hội bình đẳng cho người tị nạn. Nhưng điều này không có nghĩa là họ có thể được trả lại cho khu vực Trung Đông, nơi hầu hết người tị nạn Syria vẫn còn ở đó (xem biểu đồ 2). Cả Lebanon và Jordan đều không ký công ước, và mặc dù cả hai nước đã tiếp nhận người tị nạn nhiều hơn so với cả châu Âu, tình hình ở đây bây giờ không còn tốt đẹp nữa.

Năm ngoái Lebanon đã đưa ra những quy định khó khăn yêu cầu 1,5 triệu người Syria cam kết sẽ không làm việc hay tìm nhà tài trợ người Lebanon- dẫn đến việc họ có thể bị bóc lột như những lao động không công. Jordan, với 629.000 người tị nạn sống giữa các cộng đồng địa phương, đã tăng cường những luật lệ khắc khe nhằm ép họ vào các khu trại hoặc buộc họ phải rời khỏi đất nước.

Thiếu sự bảo vệ của công ước, phần lớn người Syria ở Jordan, Lebabon và Thổ Nhĩ Kỳ không thể làm việc một cách hợp pháp, và phải sống trong nghèo đói. Chương trình Lương thực Thế giới đã giảm một nửa sự trợ giúp cho những người tị nạn Syria nghèo túng nhất, cung cấp chỉ 13,50 đô la một người mỗi tháng. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, người tị nạn Syria tộc Kurd rất dễ bị tổn thương bởi cuộc chiến của chính phủ chống lại người Kurd trong nước. Những chuyến tàu tị nạn đến châu Âu đã tăng vọt trong năm nay không chỉ bởi vì cuộc nội chiến đã trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết (mặc dù nó là vậy), mà bởi vì tình hình ở các nước láng giềng của quê hương họ đã trở nên tuyệt vọng.

Mặc dù vậy, một số người dân châu Âu vẫn miễn cưỡng cho rằng những người mới đến không phải là người tị nạn "thực sự". Nếu vậy thì chắc đã có một sai lầm trầm trọng của các ủy ban tị nạn EU, nơi tin rằng hầu hết các đơn xin tị nạn mà họ xem xét là thật. Các nước châu Âu đã cấp quyền tị nạn cho gần 94% người di cư Syria nộp đơn, cũng như phần đông người Eritreans, Afghanistan và Iraq (xem biểu đồ 3).

Lam Điền

Cùng chuyên mục
XEM