Đi dọc chợ Kim Biên - một khu chợ nổi tiếng với nhiều loại hóa chất được bày bán công khai. Khi được hỏi về cách sử dụng hương café, không ít tiểu thương e dè: “Ở đây chỉ bán, còn sử dụng như thế nào là tùy.” Hoặc bực tức hơn trả lời khi được hỏi có loại bột gì pha thành café không: “Làm gì có loại nào như vậy, chỉ có hương café để giúp dậy mùi, làm cho ly café thơm hơn thôi.”

Chuyện hương café, bột đậu nành rang cháy,…có lẽ chẳng còn xa lạ. Nhưng đây có phải là sự trùng hợp một lần nữa khi Masan nắm hơn 50% cổ phần Vinacafe và thực hiện chiến lược khẳng định café thật của mình. Tung ra clip giúp người tiêu dùng phân biệt café nguyên chất và café “giả” có tạp chất và slogan “café làm từ café”

Giúp người tiêu dùng phân biệt cafe thật giả

Nói đến Masan, người tiêu dùng dễ dàng ấn tượng ngay với nước tương Tam Thái Tử không có chất 3 - MCPD gây ung thư; nước mắm Nam Ngư, Chinsu không có cặn; mì Tiến Vua không sử dụng dầu chiên đi chiên lại; mì Omachi từ khoai tây  không gây nóng;…

Đời sống con người ngày càng được cải thiện, họ không chỉ ăn no, ăn đủ mà còn phải ngon và đảm bảo sức khỏe. Và không ít các phát hiện về thịt bẩn, rau bẩn, trái cây ngâm tẩm hóa chất của Trung Quốc, chất kích thích, tăng trọng khiến người ta ngày càng lo âu.

Nắm bắt được nhu cầu tâm lý này, trước Masan khi tung ra một sản phẩm chiến lược nào, thì tràn ngập thông tin về sản phẩm đó có mang những nguy hại và dường như “chỉ - khi – sử - dụng – sản – phẩm – của – Masan – thì – mới – đảm – bảo – an – toàn”.

Năm 2007, vụ nước tương chứa độc chất, chứa chất có thể gây ung thư khiến người tiêu dùng hoang mang. Và nước tương Tam Thái Tử không có chất 3-MCPD của Masan ra đời đã trở thành lựa chọn số 1 của người tiêu dùng.

Các sản phẩm chính của Masan

Nước mắm Nam Ngư cũng nhanh chóng chiếm thị trường, loại bỏ các làng nghề truyền thống nhờ thông điệp “Nước mắm không có cặn”. Người tiêu dùng an tâm hơn khi lựa chọn sản phẩm mắm có thương hiệu, lại sạch. Nhưng đến năm 2011, khi phát hiện chất tạo màu HT155- cấm sử dụng ở nhiều nước và chưa được Bộ y tế Việt Nam thông qua – lại được ghi công khai trên nhãn nước mắm này. Đến lúc này, họ cũng “bấn loạn” vì cái mà họ sẵn sàng bỏ tiền ra vì sạch liệu có sạch?

Mì Tiến Vua không transfat

Rầm rộ không kém đó là mì không sử dụng dầu chiên đi chiên lại, không có transfat. Chiêu bài của Masan lại tạo nên một cuộc chiến giữa các đại gia mì. Thị trường mì gói Việt Nam - một trong những nước tiêu thụ mì ăn liền lớn nhất châu Á chiếm lĩnh bởi Hảo Hảo, Vfone,..đã dần bị đảo chiều.

Ngoài ra còn mì Tiến Vua không dùng dầu chiên lại nhiều lần. Những lần quảng cáo kiểu này đều mang lại lợi nhuận cho Masan và gây ra nhiều khó khăn cho các nhà sản xuất khác. Cụ thể, theo kết quả phân tích mẫu số 10071105/107315 của Cty Cổ phần Khoa học công nghệ Sắc Ký Hải Đăng (TP. HCM) thì trong một gói mỳ Tiến Vua, tỷ lệ chất Transfat là 0,097%,.  

Đoạn clip quảng cáo mỳ Tiến Vua bò cải chua với sợi mì không phẩm màu độc hại E 102 (còn có tên gọi màu tổng hợp Tartranzine 102). Thế nhưng trên nhãn gói mì Tiến Vua (loại cũ) và Omachi đều chứa E 102, và ghi rõ ràng thành phần: Màu tổng hợp Tartranzine 102 (E 102).

Cận cảnh thông tin thành phần gói mì Omachi

Và mì khoai tây Omachi gây nóng nhưng trong thành phần ghi sau gói mỳ cho thấy khoai tây chỉ chiếm tỷ lệ 10g/1kg, tương đương... 1%.

Không thể không kể đến kịch bản “hạt nêm không bột ngọt” Chinsu của Masan với lời tuyên bố: “Chinsu tự hào là hạt nêm đầu tiên Không Bột Ngọt, từ sườn non và hạt sen tươi, đem đến hương vị thơm ngon, thanh ngọt đặc trưng cho món ăn, giúp cả nhà thật sự yên tâm thưởng thức trọn vẹn bữa ăn gia đình.”

Trước đó người tiêu dùng cũng hết sức hoang mang vì hạt nêm được quảng cáo được chế xuất từ thịt thăn và xương ống thực chất lại toàn bột ngọt. Và người tiêu dùng một lần nữa lại hoang mang khi cơ quan chức năng kết luận: Chinsu quảng cáo sai sự thật vì trong thành phần của nó có Sodium Guanilate (kí hiệu là 627) và Sodium Inosinate (631) – chất điều vị được sử dụng trong thực phẩm cho độ ngọt cao hơn từ 10-15 lần chất điều vị 621 nên được gọi là chất siêu bột ngọt

Và bây giờ là café, có sạch không?

Theo NCĐT