Chủ tịch Thủy sản Hùng Vương: "Xuất khẩu thủy sản năm 2015 giảm 5% là đã thành công"

21/08/2015 11:20 AM |

Từ đầu năm đến nay, các nước trong khu vực đều giảm giá bán vào các thị trường nhập khẩu, cụ thể là tôm giảm trên 15% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên ông ông Dương Ngọc Minh cho rằng việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ không ảnh hưởng đến xuất khẩu Thủy sản Việt Nam.

Xung quanh việc "phá giá" đồng nội tệ của Trung Quốc và các nước trong khu vực, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Dương Ngọc Minh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Thủy sản Hùng Vương (HVG) về những ảnh hưởng tích cực cũng như tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của hoạt động xuất khẩu thủy sản nói chung, hoạt động kinh doanh của Hùng Vương nói riêng.

Thưa ông, chính sách đồng nội tế yếu từ đầu năm của các nước trong khu vực (nhằm tăng khả năng cạnh tranh hàng xuất khẩu) đã ảnh hưởng như thế nào đến các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam nói chung?

Ngay từ đầu nằm 2015, việc đồng nội tệ các nước như Nhật, Châu Âu và khối Đông Âu, kể cả Nam Mỹ ít nhiều gây tác động đến việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Thủy sản Việt Nam còn phải cạnh tranh với các nước trong khu vực Asean và Ấn Độ, Trung Quốc do khu vực này cũng điều chỉnh tỷ giá. Tình hình này đã ảnh hưởng trực tiếp đến kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm của Việt Nam.

Việc Trung Quốc phá giá mạnh đồng NDT vào tuần trước sẽ gây ra tác động tiêu cực như thế nào đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam từ nay đến cuối năm?

Việc phá giá đồng NDT của TQ không ảnh hưởng đến vấn đề xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Vì Trung Quốc là nước nhập khẩu thủy sản. Nước này chỉ có duy nhất mặt hàng cá rô phi là có thể tác động đến mặt hàng cá tra của Việt Nam. Tuy nhiên cá tra Việt Nam được đánh giá có chất lượng tốt và giá cạnh tranh hơn hẳn cá rô phi nên được thị trường chấp nhận.

Công bằng mà nói, việc NHNN tăng tỷ VND/USD giá 3% từ đầu năm và nới biên độ lên +/-3%, các doanh nghiệp thủy sản có được hưởng lợi gì từ chính sách này không thưa ông?

Với chính sách linh động điều chỉnh tỷ giá hiện nay của ngân hàng nhà nước, tôi cho rằng sẽ tác động tích cực cho việc xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới. Bởi việc chênh lệch tỷ giá từ đầu năm 2015 đến nay lên 1.000 đồng/đô la sẽ giúp doanh nghiệp mua vào nguyên liệu cho nông dân. Tăng tiền lương cho người lao động, giúp sự cạnh tranh với các nước có cùng nguyên liệu xuất khẩu trên các thị trường.

Song song với chính sách linh hoạt tỷ giá, việc Việt Nam ký hiệp ước kinh tế với EU, Liên Minh Á Âu và nếu TPP kết thúc trong 2015 sẽ tạo sức cạnh tranh đáng kể cho thủy sản Việt Nam tại các thị trường như EU, Nhật, Mỹ, và các thị trường Trung Đông, Nam Mỹ trong thời gian tới. Chắc chắn xuất khẩu thủy sản sẽ tăng tốc trong quý 4.

Tính đến nửa đầu tháng 7/2015, tổng giá trị XK thủy sản đạt 3,29 tỷ USD, giảm 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Có vẻ mục tiêu xuất khẩu 8 tỷ USD năm 2015 khó có thể hoàn thành. Ngoài nguyên nhân tỷ giá, theo ông còn có nguyên nhân nào khác?

Năm 2015, kinh tế thế giới có nhiều thay đổi, nhất là những nước có tỷ lệ nhập khẩu thủy sản cao như Nhật, Eu, Đông Âu, Nam Mỹ Và Trung Đông. Nền kinh tế của các nước này đều có tỷ lệ tăng trưởng chậm, trong khi đồng Đô la mạnh so với tất cả các đồng tiền khác lại khiến cho nhu cầu tiêu dùng thủy sản ít đi. Do đó, hầu hết các mặt hàng thủy sản trên thế giới đều bị giảm giá và sản lượng xuất khẩu cũng thấp đi.

Từ đầu năm đến nay, các nước trong khu vực đều giảm giá bán vào các thị trường nhập khẩu, cụ thể là tôm giảm trên 15% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, dự kiến năm 2015, nếu xuất khẩu thủy sản của Việt giảm so với năm 2014 khoảng 5% là chúng ta đã thành công.

Trong số các mặt hàng thủy sản, tôm hay cá sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ những biến động của tỷ giá gần đây?

Mặt hàng tôm bị ảnh hưởng nhiều nhất do giá bán của ấn Độ, Nam Mỹ và một số nước Đông Nam Á giảm giá từ 15-20% so với kỳ 2014 và thị trường nhập khẩu nhu cầu cũng giảm so với 2014. Gần đây, việc nới rộng tỷ giá sẽ thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng này, nhất là trong dịp cuối năm. Đối với mặt hàng cá tra thì không bị ảnh hưởng lớn mà tỷ giá tăng sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn thu, qua đó tạo được cạnh tranh với các mặt hàng thực phẩm khác. Xuất khẩu cá sẽ tăng tốc trong quý 4 và 2016.

Xin chân thành cảm ơn ông.

Theo Hồng Minh

Cùng chuyên mục
XEM