Chủ đất được bơm 30.000 tỷ, ngư dân được gì?

14/11/2013 08:19 AM |

Bức tranh đối lập giữa hai ngành đang gặp khó khăn là thủy sản và bất động sản

Nội dung nổi bật:

- Bất động sản được hỗ trợ bằng "gói 30.000 tỷ", sau 4 tháng triển khai mới giải ngân được hơn 1%. Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng liên tiếp thúc giục ngân hàng, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tốc độ giải ngân. UBND Tp. Hồ Chí Minh còn đề nghị giảm lãi suất xuống một nửa, tăng thời hạn vay lên gấp đôi.

- Thủy sản: năm nay đã hỗ trợ ngư dân 1.300 tỷ đồng đóng mới đội tàu đánh bắt xa bờ. 40-80% sản lượng khai thác là cá tạp, cá con do thiếu cơ sở vật chất, chỉ hoạt động ven bờ.



Người ăn không hết

Trong 4 tháng gần đây, cụm từ “gói 30.000 tỷ “ xuất hiện quen thuộc khắp các trang mạng, báo chí trong nước. Đây là chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở do chính phủ triển khai với tổng lượng vốn cam kết lên đến 30.000 tỷ đồng, nhằm giải cứu thị trường bất động sản đang đóng băng hiện nay. Sau 4 tháng triển khai, lượng vốn giải ngân chỉ mới đạt 399 tỷ đồng, tức hơn 1%.


Ngành bất động sản cũng như các cơ quan chức năng “sốt ruột” đẩy nhanh tiến việc giải ngân “núi tiền” 30.000 tỷ đồng bằng nhiều việc đưa ra nhiều biện pháp kiến nghị. 

Từ ngân hàng nhà nước hối thúc bằng việc gửi văn bản tới 5 ngân hàng phải chủ động tiếp cận, hướng dẫn và giải ngân nhanh. Bộ xây dựng cũng có văn bản gửi tới các địa phương nhằm giảm thiểu các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, bổ sung thêm đối tượng được vay. Đến UBND Tp. Hồ Chí Minh đưa ra một loạt đề nghị như giảm lãi suất từ 6%/năm xuống 3%, tăng thời hạn vay lên 20-30 năm thay vì 10 năm như hiện nay.

Kẻ lần không ra

Được các cơ quan chức năng, dư luận quan tâm âu cũng là “cái phúc” cho ngành bất động sản nhưng cũng khiến không ít ngành như khai thác thủy sản chạnh lòng. 

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì đến nay, Nhà nước đã đầu tư kinh phí hỗ trợ ngư dân khoảng 1.300 tỷ đồng để đóng mới tàu xa bờ. Ngoài ra tính đến 24/6/2013, cả nước đã lắp đắt được thiết bị kết nối vệ tinh cho 1.150 tàu cá. Tính ra trung bình với đường bờ biển dài 3.260 km, cứ gần 3 km mới có 1 tàu cá được trang bị kết nối vệ tinh.

Thực tế khai thác thủy sản hiện nay của ngư dân nhiều địa phương tỷ lệ cá tạp, cá chưa trưởng thành chiếm khoảng từ 40-80%. Nguyên nhân một phần do việc chưa được đầu tư cơ sở vật chất nên hoạt động khai thác chủ yếu ở vùng ven bờ, truyền thống. 


Cũng theo báo cáo gửi Ủy ban thường vụ quốc hội của Ban Dân nguyện, kể từ năm 2010 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng nghề cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, tầm nhìn 2030 nhưng thực tế việc đầu tư xây dựng mới chỉ đạt trên khoảng 50% số cảng cá, bến cá, khu neo đậu, tránh trú bão. Trong khi đó, Việt Nam vốn nằm trong vùng bão của Thái Bình Dương và gần đây nhất là hứng chịu siêu bão Haiyan lớn nhất lịch sử thế giới.

Thế mới biết, nếu đem so 1.300 tỷ đồng hỗ trợ cho ngành khai thác thủy sản so với “gói 30.000 tỷ” mà ngành bất động sản đang được quan tâm khiêm tốn như thế nào. 

Xét 10 ngành xuất khẩu tỷ đô la cho đất nước, ngành thủy sản đứng thứ 6 với kim ngạch 9 tháng đầu năm 2013 đạt 4,68 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ 2012. Mặc dù phần lớn thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đến từ nuôi trồng nhưng mảng khai thác cũng có vị trí quan trọng với các sản phẩm có giá trị như cá ngừ, mực,… 


Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, trong 10 tháng sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 2.379 nghìn tấn, thủy sản nuôi trồng đạt 2.634 nghìn tấn. Tuy nhiên giá cả và chất lượng của thủy sản khai thác Việt Nam chưa thể cạnh tranh được so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines do năng lực khai thác, sản xuất thấp hơn.

Nguyên nhân ở đâu?

Theo một báo cáo gửi Ủy ban thường vụ quốc hội, mặc dù có chính sách hỗ trợ nhưng hiện nay ngư dân khó tiếp cận được nguồn vốn do chưa phù hợp với tình hình, điều kiện kinh tế, tài sản thế chấp của người vay, điều kiện cho vay vẫn áp dụng cơ chế cho vay thương mại. 

Ngoài ra ngân sách nhà nước chỉ được cấp cho Hội đặc thù trong khi Hội nghề cá Việt Nam chưa phải là hội đặc thù khiến việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ để đầu tư cho ngành khai thác thủy sản cũng trở nên vướng mắc, khó khăn. 

Mặc dù cũng chịu nhiều khó khăn nhưng ngành khai thác thủy sản khá lặng lẽ và ít được quan tâm, để ý. Liệu giữa cảnh ngồi trên “núi tiền”, không giải ngân được của bất động sản và cảnh mòn mỏi chờ đầu tư phát triển của khai thác thủy sản, ai khổ hơn ai?

Kim Thủy

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM