'Chơi với Trung Quốc, cần biết người biết ta để nắm đằng chuôi'

03/07/2014 13:25 PM |

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng chúng ta có quan hệ và sẽ tiếp tục quan hệ với Trung Quốc vì đó là công xưởng của thế giới và là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Ngày 03/07/2014, Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam VCCI tổ chức hội thảo “Tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau”.

Phát biểu tại Hội thảo, Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng chúng ta có quan hệ và sẽ tiếp tục quan hệ với Trung Quốc vì đó là công xưởng của thế giới và là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

“Không nên than phiền việc chúng ta là láng giềng của Trung Quốc. Nếu ta ở giữa Thái Bình Dương, với quy mô kinh tế thế này thì ai quan tâm? Thế giới quan tâm vì chúng ta nằm ở phía nam Trung Quốc, có địa lý thuận lợi, chúng ta phải tận dụng lợi thế đó chứ không nên than phiền vì ở cạnh Trung Quốc nên bị chơi xấu.”

Tuy nhiên, để chơi với một người láng giềng như Trung Quốc, chúng ta cần “biết người biết ta” để có thể nắm đằng chuôi.

Theo kinh nghiệm thế giới, nếu một quốc gia nhập khẩu quá 8% vào một quốc gia khác sẽ khiến cho quốc gia này có thể làm giá với quốc gia nhập khẩu mà ví dụ tiêu biểu là Ukraina.

“Chúng ta phải đa dạng hóa thị trường, không để các đối tác gây sức ép. Hãy lấy bài học từ nước Đức. Quốc gia này nhất định không nhập khí đốt của nước nào quá 8%. Làm giá với “tôi”, “tôi” sẽ chuyển sang nhập của nước khác ngay.” – tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho biết.

Việt Nam có lợi thế gì? Theo chuyên gia, 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Tây, Vân Nam của Trung Quốc đang dùng gạo của Việt Nam nên Trung Quốc cũng phải cân nhắc, không thể không nhập gạo của Việt Nam. Cả mặt hàng cao su, nếu không nhập của Việt Nam, nhà máy của Trung Quốc sẽ lâm vào cảnh thiếu hụt nguyên liệu.

Ngoài ra, Trung Quốc có thể dừng xuất khẩu 21,6 tỷ USD linh kiện cho nhà máy Samsung tại Việt Nam hay không? Như thế sẽ mất hình ảnh trong mắt các tập đoàn lớn trên thế giới.

Cũng như chuyên gia Võ Trí Thành đã nói, có vẻ Trung Quốc bắt đầu có các trò xấu để gây sức ép cho Việt Nam, nhưng có ồ ạt và lớn không? Không dễ, mặc dù chúng ta phải tính đến phương án xấu nhất, nhưng quan hệ kinh tế Việt Nam – Trung Quốc không phải chỉ giữa 2 nước mà còn là với các tập đoàn xuyên quốc gia lớn đang đầu tư tại Việt Nam như Samsung.

Thứ hai, tính con số tổng thể, Trung Quốc khi xuất khẩu sang Việt Nam chiếm tỷ trọng tương đối trong GDP.

Thứ 3, Trung Quốc “chơi” với Việt Nam dựa trên các cam kết pháp lý quốc tế, không thể tự nhiên và dễ dàng phá bỏ. Và Trung Quốc, khi “gây hấn” với Việt Nam thì hình ảnh của Trung Quốc trên thế giới sẽ trở nên đáng ngại, khiến cho họ khó khăn trong mối quan hệ với thế giới.

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nhận xét, nhà nước đứng ra ký kết các hiệp định thì phải tôn trọng luật chơi chứ không chơi chịu, tức ký rồi không thực hiện nữa. Giữ chữ tín và chia sẻ niềm tin là điều tối quan trọng trong mọi cuộc làm ăn.

Có chủ trương chính sách hội nhập là đúng nhưng phương thức thực hiện mới là quan trọng.

Theo tiến sỹ Lê Đăng Doanh, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu nhưng chúng ta phải trở thành mắt xích quan trọng của chuỗi này bằng trình độ công nghệ, quản lý và thực hiện cú nhảy vượt trội bằng những sản phẩm khác biệt, không thay thế được.

Hơn nữa, nếu mở cửa thị trường mà cơ quan quản lý không nghĩ ra các rào cản kỹ thuật, không kiểm soát việc hàng độc hại tràn vào thì quá trình mở cửa này là mở cửa cho hàng độc hại đi hại nhân dân. Bỏi thế, một lần nữa yếu tố trí tuệ lại được nhắc đến. Chuyên gia nhấn mạnh phải nâng cao năng lực hiểu biết về đất nước, về thế giới và quyền tự chủ, giám sát các quyết định đó.

Chúng ta nhìn kỹ và tự đánh giá đúng mình, nhìn thấy cơ hội. Việt Nam xuất khẩu lương thực nhưng lại nhập khẩu các mặt hàng thức ăn gia súc, giá trị lớn hơn cả xuất khẩu gạo. Tự chủ lương thực là thắng lợi lớn nhưng phải tính sao cho đóng góp lớn hơn trong chuỗi giá trị.

“Theo voi ăn bã mía sẽ chỉ cạnh tranh bằng giá thấp. Phải tạo ra sản phẩm khác biệt.”

Chuyên gia bày tỏ sự vui mừng khi đã có 1 số DN Việt Nam tạo ra được sản phẩm khác biệt như Bóng đèn phích nước Rạng Đông. Trước đây DN này nhập 90% của Trung Quốc, nay họ đã chuyển sang dùng linh kiện Việt Nam. Thế mới nói công nghiệp phụ trợ là chất xúc tác để chúng ta trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất toàn cầu.

Theo chuyên gia Lê Đăng Doanh, có 2 loại hội nhập là chủ động và thụ động. Hội nhập thụ động là không có át chủ bài, không có khoa học công nghệ, không có vốn, mảng thị trường, chỉ có tài nguyên và lao động giá rẻ, chỉ liên tục giảm thuế và ưu đãi… Cuộc hội nhập này không đem lại một sự phát triển bền vững.

Chuyên gia cũng đặt câu hỏi về những ưu đãi mà Việt Nam đã dành cho doanh nghiệp Trung Quốc. Việt Nam đã trao quá nhiều công trình cho nhà thầu Trung Quốc theo phương thức EOC. 23/24 nhà máy xi măng, 15/20 dự án nhiệt điện đốt than, giao thông, khai khoáng (bauxite), cho thuê rừng và đất rừng ở vùng biên giới…

“Bây giờ tiến độ chậm, chất lượng thì như thế nào? Tại sao có thể giao quá nhiều dự án như vậy cho Trung Quốc? Bao nhiêu % vì lợi ích quốc gia, bao nhiêu % vì cái gì đấy?” – chuyên gia lên tiếng.

Theo tiến sỹ Doanh, đã có lợi ích nhóm chi phối những vụ việc này.

“Trung Quốc là bậc thầy của mua chuộc, đút lót. Từ thời Đông Chu Liệt quốc, Lã Bất Vi đã thực hiện các hành vi này rồi…”

Vì vậy, nói về độc lập tự chủ thì trước hết chúng ta phải có thể chế minh bạch, lành mạnh, có hệ thống giám sát, có nền tảng khoa học công nghệ và chế độ trách nhiệm cá nhân.

>> Không có chuyện người Trung Quốc mua đất ở Đà Nẵng

Theo Hải Minh

anhnt

Cùng chuyên mục
XEM