Chính sách phát triển ngành công nghiệp ôtô: Giải pháp vẫn thiếu đồng bộ

31/05/2015 22:04 PM |

Theo cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới, chắc chắn thị trường xe nhập khẩu nguyên chiếc sẽ biến động mạnh theo hình thức tăng giá. Lợi thế khi đó sẽ thuộc về các DN lắp ráp trong nước.

Nội dung nổi bật:

- Dự thảo chính sách phát triển ngành công nghiệp ôtô tập trung vào việc thay đổi thuế: thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu.

- Từ 2019 - 2030, Bộ Công Thương chỉ đề xuất duy nhất một dòng xe tăng thuế TTĐB là xe trên 3.0 lít dưới 9 chỗ ngồi, thêm 10% (70% so với 60% đang áp dụng hiện nay)

- Nếu tính thuế TTĐB đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc theo chiều hướng áp dụng theo giá bán thì chắc chắn thị trường xe nhập khẩu nguyên chiếc sẽ biến động mạnh theo hình thức tăng giá. Lợi thế khi đó sẽ thuộc về các DN lắp ráp trong nước.

- Lượng xe nhập khẩu từ Trung Quốc tăng cao đều là các loại xe tải hạng trung, hạng năng do nhu cầu của thị trường khai thác mỏ, đá, vật liệu xây dựng, không có xe du lịch dưới 9 chỗ.


Sau nhiều lần sửa đổi, Dự thảo mới nhất về cơ chế chính sách thực hiện chiến lược và quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô đã được đưa ra lấy ý kiến để chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng này.

Tuy nhiên, nhận định của nhiều chuyên gia và DN thì nội dung chính của dự thảo này vẫn chủ yếu tập trung vào việc thay đổi thuế, nhất là thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với một vài dòng xe. Nếu vậy thì những giải pháp đưa ra vẫn chưa đủ lực để thúc đẩy sự phát triển của ngành này.

Thay đổi cách tính thuế TTĐB

Ngoài thuế nhập khẩu thì thuế TTĐB được xem là một yếu tố quan trọng nhất đối với việc xác định giá bán cao hay thấp của ô tô. Và trong 12 dòng xe ô tô được liệt kê trong dự thảo nhằm áp dụng cho lộ trình 11 năm, từ 2019 - 2030, Bộ Công Thương chỉ đề xuất duy nhất một dòng xe tăng thuế TTĐB là xe trên 3.0 lít dưới 9 chỗ ngồi, thêm 10% (70% so với 60% đang áp dụng hiện nay).

Đối với xe 9 chỗ ngồi trở xuống có dung tích từ 2.0 - 3.0 lít vẫn giữ nguyên mức thuế TTĐB là 50%.Trong đó, xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống, dung tích dưới 2.0 lít sẽ giảm từ 45% hiện hành xuống 30%.

Cũng liên quan đến thuế TTĐB, ngoài dự thảo của Bộ Công thương, mới đây Bộ Tài chính đã tổ chức lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo đó, kể từ ngày 1/1/2016, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô nhập khẩu chở người dưới 24 chỗ ngồi sẽ được tính theo giá bán xe ở đơn vị nhập khẩu chính hãng thay vì tính trên giá C.I.F cộng với thuế suất thuế nhập khẩu.

Như vậy nếu cả hai nội dung, thậm chí là một trong hai nội dự thảo trên được thực hiện thị trường ô tô chắc chắn sẽ có biến động mạnh và lợi thế sẽ nghiêng về các mẫu xe lắp ráp trong nước. Và như quan điểm của Bộ Công Thương là sẽ hỗ trợ cho việc phát triển các dòng xe ưu tiên theo đúng Chiến lược và Quy hoạch của Chính phủ, theo nguyên tắc dòng xe ưu tiên thì giảm thuế, xe không ưu tiên thì phải tăng thuế. Tuy nhiên, liệu điều này có đủ để thức đẩy công nghiệp ô tô của Việt nam phát triển.

Biến động thị trường và tính hiệu quả

Thứ nhất, câu chuyện thay đổi cách tính thuế TTĐB đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc theo chiều hướng áp dụng theo giá bán đã được nhiều DN lắp ráp trong nước đề xuất từ khá lâu, trước hết nhằm tạo ra một cách thức tính công bằng hơn ( Đều tính trên giá bán sản phẩm). Và trong trường hợp này, nếu đề xuất trên được thực hiện, chắc chắn thị trường xe nhập khẩu nguyên chiếc sẽ biến động mạnh theo hình thức tăng giá. Lợi thế khi đó sẽ thuộc về các DN lắp ráp trong nước.

Tuy nhiên, một vấn đề cũng cần nhắc đến là hiện nay đa số các DN đều đi hai chân (vừa nhập khẩu, vừa lắp ráp), thậm chí có nhiều DN nhập khẩu và phân phối xe nguyên chiếc chiếm tỷ trọng lớn hơn xe lắp ráp. Vậy thì lợi thế khi đó chỉ thực sự chỉ rơi vào số ít DN, (khoảng 5 DN) chiếm dung lượng thị trường lớn từ xe lắp ráp hiện nay tại VN và có lợi bắt đầu từ đầu năm 2016.

Thứ hai, trong trường hợp dự thảo thay đổi cách tính thuế TTĐB của Bộ Công Thương dược áp dụng, khác với phần thứ nhất, gần như toàn thị trường, toàn bộ các mẫu xe, dòng sẽ có sự thay đổi, trong đó được lợi nhiều nhất là ô tô du lịch cỡ nhỏ và vừa (có dung tích dưới 2.0 lít) vì ngoài được hưởng lợi nhờ thuế nhập khẩu về mức 0%, các dòng xe này còn được giảm sâu thuế TTĐB. Vì sau năm 2018, các loại xe này không chỉ hưởng lợi nhờ giảm sâu thuế tiêu thụ đặc biệt và còn được giảm thuế nhập khẩu về 0% nếu nhập từ các nước ASEAN.

Điều này, xét ở một góc độ nào đó sẽ có lợi để các DN lắp ráp trong nước ( chủ yếu lắp ráp các dòng xe nhỏ và vừa) duy trì sản xuất, thậm chí gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, thúc đẩy sản xuất trong nước. Nhưng xét ở một góc độ khác, với mức giảm như vậy có đủ lực, đủ điều kiện để các DN thực hiện được mong muốn của mình hay không? Nếu trong trường hợp các DN nhận hỗ trợ như vậy, nhưng không lắp ráp mà nhập khẩu các dòng xe nhỏ và vừa thì cách xử lý thế nào?

Cũng cần lưu ý là trong gần 20 năm qua, chúng ta cũng đã có những ưu đãi không nhỏ đối với các DN lắp ráp, sản xuất trong nước, bản thân các DN này cũng đã cam kết, nhưng tỷ lệ NĐH hiện nay, tỷ lệ sản xuất linh kiện hiện nay vẫn ở mức quá thấp – không một DN nào đạt tỷ lệ NĐH theo cam kết ban đầu đề ra. Vậy, nếu cho rằng thay đổi cách tính thuế TTĐB là phương thức hỗ trợ, ưu đãi để phát triển ngành công nghiệp ô tô thời gian tới thì lấy gì để đảm bảo điều đó? Nói như một chuyên gia gạo cội trong lĩnh vực này thì hỗ trợ, ưu đãi phải đủ mạnh và phải chắc chắn được thực thi một cách hiệu quả từ nhiều phía Nhà nước – DN và khách hàng.

Không có xe du lịch nguyên chiếc nhập khẩu từ Trung Quốc

Theo Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm, VN nhập gần 8.900 xe từ Trung Quốc, kim ngạch gần 350 triệu USD, tăng gần 4 lần so cùng kỳ. Riêng tháng 4/2015, lượng xe ôtô nhập khẩu từ Trung Quốc đạt mức cao nhất với 3.471 chiếc, kim ngạch 135,4 triệu USD, chiếm hơn một phần ba tổng lượng ôtô nhập vào trong nước. Tuy nhiên, lượng xe nhập khẩu từ Trung Quốc đều là các loại xe tải hạng trung, hạng năng, không có xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi. Lý giải cho vấn đề này, các DN cho biết do nhu cầu của thị trường tăng mạnh, nhất là thị trường khai thác mỏ, đá, vật liệu xây dựng.

Theo Nguyên Bảo

Cùng chuyên mục
XEM