Chính phủ muốn vay dự trữ ngoại hối và những câu hỏi

25/05/2015 13:31 PM |

Ở đây, Chính phủ cũng là nhà làm kinh tế, tính toán trước nghịch cảnh dùng vốn và vay vốn hiện nay...

Nội dung nổi bật:

- Qua giao dịch trái phiếu Chính phủ trị giá 1 tỷ USD, một mặt cho thấy năng lực tài chính của một số định chế trong nước đủ mạnh, nhưng đáng kể hơn là cả Vietcombank và ngân sách đều được lợi.

- Vay được trong nước lãi suất thấp hơn, giảm thiểu nhiều chi phí thì càng bớt đi áp lực cho ngân sách. Tại sao không? Vấn đề ở đây là “đụng đến” dự trữ ngoại hối. Nguồn lực và công cụ này đương nhiên phải đảm bảo các nguyên tắc về an toàn, thanh khoản và cả sinh lời.

- Điểm đáng chú ý hơn vẫn là nguồn vốn đó, nếu được vay, có sử dụng hiệu quả và sinh lời hay không. Đây cũng là yêu cầu chung, vấn đề chung trong sử dụng ngân sách, chứ không hẳn vay từ nguồn nào thì sẽ/phải sử dụng hiệu quả hơn.


Vào ngày 20/10/2008, một tháng sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra tại Mỹ, ông Nguyễn Phước Thanh, khi đó là Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), có cuộc trao đổi với VnEconomy về diễn biến của dòng vốn ngoại tê.

Phản ứng trước khủng hoảng, ông Thanh cho biết, các ngân hàng trong nước đã rút bớt tiền gửi ngoại tệ về, chọn gửi những ngân hàng thực sự tin cậy, thậm chí gửi hẳn Ngân hàng Nhà nước.

Quy mô của sự phòng thủ đó không nêu trên báo chí. Nhưng tìm hiểu bên lề, chỉ riêng Vietcombank, con số rút về ước khoảng 1 tỷ USD.

Ngân hàng, ngân sách đều lợi

Dẫn lại sự kiện trên để thấy, tại nhiều thời điểm và gần như thường trực, lượng ngoại tệ các ngân hàng thương mại Việt Nam gửi ở nước ngoài là khá lớn. Dòng tiền phải để ở các tài khoản nostro mở tại ngân hàng nước ngoài, phục vụ cho thanh toán và giao dịch trên các thị trường.

Ở một sự kiện khác, ngày 23/4 vừa qua, cũng là Vietcombank, giao dịch đầu tư 1 tỷ USD trái phiếu ngoại tệ của Chính phủ hoàn tất. Tại cuộc họp báo của Bộ Tài chính về nợ công sau đó, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó cục trưởng Cục Tài chính ngân hàng, cho biết việc huy động này được căn cứ vào tình hình thị trường.

Lãnh đạo Vietcombank từ chối thông tin về sự kiện trên, nhưng khẳng định họ có đủ tiềm lực vốn để đáp ứng giao dịch đó. Điều này cũng thể hiện trên báo cáo tài chính năm qua, khi đây là ngân hàng có đầu vào tiền gửi ngoại tệ lớn với cơ cấu bền vững hơn cả trong hệ thống.

Qua giao dịch này, một mặt cho thấy năng lực tài chính của một số định chế trong nước đủ mạnh, nhưng đáng kể hơn là cả Vietcombank và ngân sách đều được lợi. Lãi suất mà ngân hàng đầu tư vào trái phiếu này cao hơn rất nhiều so với mức nhận được từ lượng ngoại tệ “nhàn rỗi” gửi ở nước ngoài; chi phí ngân sách cũng bớt áp lực nếu ra thị trường quốc tế vay.

Cùng thời điểm có giao dịch trên của Vietcombank, Chính phủ nêu kế hoạch nghiên cứu cơ chế cho ngân sách vay từ nguồn dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Kế hoạch trên nhận được các quan điểm trái chiều. Ngày 22/5, khối nghiên cứu của Ngân hàng HSBC có một bản báo cáo, trong đó đặt ra những bất lợi và hạn chế khi “đụng đến” một công cụ giữ ổn định tỷ giá, vốn chưa đạt yêu cầu tối thiểu - theo họ.

Ở các vị trí khác nhau có thể có những góc nhìn khác nhau. Là ngân hàng nước ngoài, họ nhận tiền gửi ngoại tệ của các ngân hàng trong nước với lãi suất rất thấp, nhưng nếu đầu tư vào trái phiếu Chính phủ lãi suất nhận được lại cao gấp nhiều lần. Theo đó, có thể họ muốn đứng ra cho vay hơn là đứng nhìn khách hàng tự xoay xở (?).

Nhưng, ở vị trí của mình, nghịch cảnh đó hẳn Chính phủ cũng đang tính tới? Trong khi các ngân hàng nội địa mang ngoại tệ gửi ở nước ngoài lãi suất thấp, Chính phủ phải đi phát hành trái phiếu lãi suất cao, cộng thêm nhiều chi phí tư vấn, bảo lãnh, quảng bá giới thiệu… Và cùng đó, dự trữ ngoại hối Nhà nước cũng là một nguồn lực được tính tới.

Vay được trong nước lãi suất thấp hơn, giảm thiểu nhiều chi phí thì càng bớt đi áp lực cho ngân sách. Tại sao không?

Vấn đề ở đây là “đụng đến” dự trữ ngoại hối. Nguồn lực và công cụ này đương nhiên phải đảm bảo các nguyên tắc về an toàn, thanh khoản và cả sinh lời.

Đổi lại, ngoài việc giảm bớt chi phí cho ngân sách, nếu cơ chế trên được xây dựng, Chính phủ có thêm một kênh để linh hoạt trong sử dụng vốn, đặc biệt là trong các tình huống cấp thiết. Nếu để ý, nghị quyết đề ra kế hoạch trên cũng nêu rõ một mục đích là để “bảo đảm an toàn tài chính tiền tệ quốc gia”.

Vì sao lúc này mới đề cập?

Trở lại với báo cáo của HSBC, bối cảnh được đề cập đến là loạt phiên trái phiếu Chính phủ đấu thầu thất bại, cơ cấu kỳ hạn bị hạn chế do Nghị quyết 78 của Quốc hội không cho phép huy động các kỳ hạn ngắn khiến trái phiếu kém hấp dẫn… Theo đó, kế hoạch vay dự trữ ngoại hối như một cố gắng “đáp lại” bối cảnh trên.

Tuy nhiên, như trên, cái nhìn sẽ dài hạn hơn là Chính phủ muốn tạo ra một cơ chế vay từ đây, một mặt giảm thiểu chi phí ngân sách, một mặt tạo điều kiện để chủ động hơn trong ứng phó với các tình huống cần vốn ngoại tệ, chứ không hẳn chỉ để vay lúc này do phát hành trái phiếu Chính phủ khó khăn.

Câu hỏi nữa là, vì sao đến thời điểm này Chính phủ mới đề cập đến hướng vay dự trữ ngoại hối?

Có lẽ lý do là cả chục năm qua, dự trữ ngoại hối của Việt Nam quá mỏng, thậm chí có thời điểm mong manh trước ảnh hưởng khủng hoảng. Từ năm 2013 đến nay, quy mô mới được nâng lên khá lớn so với trước.

Mặt khác, bối cảnh của nền kinh tế và bối cảnh của thị trường cũng góp phần trả lời cho câu hỏi trên. Ý muốn vay chỉ đặt ra khi đã có những ổn định cần thiết.

Như trên, vay không có nghĩa là cho đi, không có nghĩa dự trữ ngoại hối giảm đi, mà chỉ ảnh hưởng nhất định đến thanh khoản của quỹ; theo đó, mức độ và kỳ hạn vay hẳn sẽ được cân nhắc cẩn trọng.

Điểm đáng chú ý hơn vẫn là nguồn vốn đó, nếu được vay, có sử dụng hiệu quả và sinh lời hay không. Đây cũng là yêu cầu chung, vấn đề chung trong sử dụng ngân sách, chứ không hẳn vay từ nguồn nào thì sẽ/phải sử dụng hiệu quả hơn.

Ngược lại, vay từ nguồn dự trữ ngoại hối có chi phí thấp hơn so với phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, dĩ nhiên là có điều kiện tốt hơn để tính tới hiệu quả.

>>Cho Ngân sách vay từ dự trữ ngoại hối: Dễ tạo thành tiền lệ

Theo Minh Đức

Cùng chuyên mục
XEM