Chi tiêu Tết Quý Tỵ giảm theo lương thưởng

15/02/2013 15:27 PM |

Bộ Tài chính cho biết, sức mua chỉ tập trung trong thời gian 4-5 ngày trước Tết, do đó không xảy ra hiện tượng thiếu hàng, sốt giá.

Bộ Tài chính vừa có văn bản báo cáo Văn phòng Chính phủ về tình hình giá cả thị trường và các biện pháp bình ổn giá Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013. Theo đó, cơ quan này cho biết, giá cả thị trường trong cả nước cơ bản ổn định, chỉ tăng nhẹ vào những ngày 28, 29 và mùng 3,4 Âm Lịch theo quy luật Tết hàng năm, nhưng không xảy ra hiện tượng thiếu hàng gây sốt giá.

Theo Bộ Tài chính, sức mua trên thị trường trước Tết có tăng hơn so với ngày thường, nhưng chỉ tương đương, thậm chí thấp hơn Tết Nhâm Thìn 2012. Nguyên nhân là kinh tế năm 2012 gặp khó khăn, tiền lương, tiền thưởng cuối năm giảm, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu... Sức mua chỉ tập trung trong thời gian 4-5 ngày trước Tết; sau Tết hàng hóa cung ứng ra thị trường vẫn lớn.

Hàng sản xuất trong nước tiếp tục chiếm lĩnh được thị trường. Hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi phân phối hàng hóa ngày càng lớn mạnh, thu hút đông đảo khách hàng, giá cả hàng hóa ổn định. Bên cạnh đó, nhu cầu đi lại, các hàng hóa thiết yếu cho đời sống như điện, nước, xăng dầu, tiền mặt trong máy ATM... đều đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân. Về diễn biến giá cả thị trường, nhìn chung chỉ tăng nhẹ, không có những cơn sốt đột biến về giá xảy ra.

Bộ Tài chính cho biết, kết quả kiểm tra việc đăng ký, kê khai, niêm yết giá tại các địa phương khi phát hiện sai phạm đã có hình thức xử lý nghiêm. Cụ thể, tại Hà Nội, Công ty TNHH một thành viên Lan Chi Business bị phạt 25 triệu đồng do không đăng ký giá sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi. 4 trong số 14 đơn vị được kiểm tra vi phạm các lỗi không đăng ký, niêm yết giá, bán cao hơn mức giá đã đăng ký với tổng số tiền 108 triệu đồng. Bên cạnh đó, địa phương này cũng xử phạt 250 triệu đồng đối với 10 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách điều chỉnh giá cước tùy tiện.

Dịp Tết Quý Tỵ 2013, TP HCM đã kiểm tra 172 siêu thị, cửa hàng, đại lý bán mặt hàng thiết yếu; 103 lượt chợ, 205 điểm giữ xe, 136 đại lý... với tổng số tiền xử phạt là 2,28 tỷ đồng.

Liên ngành giá-quản lý thị trường tại TP Đà Nẵng cũng đã xử lý 818 vụ vi phạm, phạt tiền 963 triệu đồng, tái xuất 8700 gói thuốc lá, thu ngân sách 43,6 triệu đồng..

Ngoài ra, du lịch là một thế mạnh của Đà Nẵng, vì vậy đoàn kiểm tra liên ngành đã tập trung kiểm tra các hoạt động kinh doanh khách sạn, nhà hàng, dịch vụ taxi. Kết quả kiểm tra 276 khách sạn, phát hiện 40 khách sạn sai phạm xử phạt 130 triệu đồng. Ngoài ra, cơ quan chức năng Đà Nẵng kiểm tra 12 nhà hàng, phát hiện một nhà hàng sai phạm không có giấy phép bán lẻ rượu, phạt 8 triệu đồng...

Theo Ngọc Tuyên
vnexpress

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM