Chi cho hoạt động xúc tiến thương mại của Việt Nam chỉ bằng 1/30 thế giới

01/02/2016 16:06 PM |

Kinh phí dành cho Chương trình XTTM quốc gia của Việt Nam hiện nay chỉ bằng 1/4 của Bangladesh, 1/10 của Thái Lan và 1/30 trung bình cả thế giới.

Chia sẻ với báo giới về công tác xúc tiến thương mại, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã chỉ ra: Thiếu kinh phí là một trong 4 lý do khiến công tác xúc tiến thương mại của Việt Nam chưa đạt hiệu quả cao.

Theo Thứ trưởng Hải, có 4 vấn đề mà hệ thống xúc tiến thương mại của Việt Nam cần khắc phục.

Thứ nhất, nguồn nhân lực làm công tác xúc tiến thương mại cần được nâng cao cả số lượng và chất lượng;

Thứ hai, việc đầu tư cho các hoạt động xúc tiến thương mại vẫn còn hạn chế so với thế giới cũng như các nước trong khu vực.

Chẳng hạn như kinh phí dành cho Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia của Việt Nam hiện nay tính trên kim ngạch xuất khẩu chỉ bằng 0,003% (so với mức trung bình của thế giới là 0,11%, theo nghiên cứu của World Bank có tựa đề “Export Promotion Agencies: What works and what doesn’t”).

Tính theo tỷ lệ phần trăm, mức này chỉ tương đương 1/30 tỷ lệ trung bình của toàn thế giới, bằng 1/4 so với Bangladesh, bằng 1/10 so với Thái Lan.

“Thực tế, Bộ Công Thương đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc phê duyệt Chương trình xúc tiến thương mại, nhiều đề án tốt, có tính khả thi cao và thiết thực phục vụ trực tiếp trong việc đẩy mạnh xuất khẩu và an sinh xã hội nhưng do không có kinh phí, nên không được đưa vào phê duyệt thực hiện”, Thứ trưởng Hải trải lòng.

Thứ ba, cơ sở hạ tầng phục vụ công tác xúc tiến thương mại của chúng ta vẫn còn thiếu thốn và sơ sài. Điều này ảnh hưởng tới quy mô của các hội chợ triển lãm chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Mặt khác, năng lực triển khai các hoạt động XTTM của doanh nghiệp nhìn chung còn hạn chế, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, các DN cũng cần chủ động, sáng tạo hơn trong việc tìm hiểu thông tin và tham gia vào mạng lưới xúc tiến thương mại.

Mặc dù vậy, cục XTTM cũng bị nhận định rằng hoạt động chưa mang lại hiệu quả cao, các ngành đã có thế mạnh như dệt may, thủy sản còn thiếu thị trường, còn các ngành như nông sản lại chưa tìm được thị trường bền vững.

Ông Hải cho rằng, để tăng cường hiệu quả của các hoạt động xúc tiến thương mại có hỗ trợ của Nhà nước, việc các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm bạn hàng, thị trường là điều đánh hoan nghênh.

“Nhà nước không làm thay doanh nghiệp mà hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại”, Thứ trưởng Hải nói.

Theo thống kê, các hoạt động thuộc Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia giai đoạn 2010 - 2015 đã thu hút hơn 30.000 lượt doanh nghiệp tham gia, các doanh nghiệp đã trực tiếp giao dịch và ký kết hợp đồng với tổng trị giá hợp đồng xuất khẩu hàng hóa và doanh số bán hàng đạt gần 6,3 tỷ USD và trên 2.000 tỷ đồng.

Riêng năm 2015, Bộ Công Thương đã phê duyệt 236 đề án Xúc tiến thương mại quốc gia đã hỗ trợ trên 70 đơn vị chủ trì với tổng kinh phí gần 114 tỷ đồng (bao gồm 14 tỷ đồng kinh phí xúc tiến thương mại quốc gia các năm trước chuyển sang).

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM