Châu Âu, khi người vay tiền đang được hưởng lãi

09/12/2015 21:00 PM |

Ở châu Âu đang diễn ra những chuyện “ngược đời”: người vay tiền được hưởng lãi, còn người gửi tiền phải trả lãi...

Theo lẽ thường, cất tiền trong ngân hàng mang đến cho người gửi tiền lãi. Nhưng ở châu Âu đang diễn ra những chuyện “ngược đời”: các công ty Đan Mạch đóng thuế sớm để khỏi phải giữ tiền mặt, tiền gửi tiết kiệm trong một ngân hàng của Thụy Sỹ “hao” 0,8% mỗi năm.

Theo tờ Wall Street Journal, những chuyện khó tin không chỉ dừng ở đó. Một số người Đan Mạch vay thế chấp nhà không những không phải trả lãi cho ngân hàng, mà được nhận lãi mỗi tháng từ ngân hàng.

Mới chỉ bắt đầu

Đó chính là những câu chuyện trong thế giới lãi suất âm - nơi các ngân hàng áp phí đối với người gửi tiền, thay vì trả tiền lãi cho họ.

Tuần trước, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hạ lãi suất tiền gửi - lãi suất mà ECB trả cho các ngân hàng thương mại - xuống âm 0,3% từ 0,2% trước đó.

Ba nước láng giềng của khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu là Đan Mạch, Thụy Điển và Thụy Sỹ đều đã đẩy lãi suất sâu hơn dưới ngưỡng 0% sau động thái trên của ECB, dẫn tới những hệ quả “ngược đời” và có ảnh hưởng lớn tới người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp.

“Tôi không cho là đã từng xảy ra chuyện như thế này”, ông Jess Asmussen, chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng Handelsbanken tại Đan Mạch, phát biểu. “Khi tôi được đào tạo về kinh tế, lãi suất âm không hề có trong sách giáo khoa. Nhưng trong thế giới mà chúng ta đang sống, lãi suất đang không ngừng chuyển âm”.

Trong kinh tế học, 0 là mức sàn. Nhưng sự trì trệ của nền kinh tế châu Âu đã kéo dài quá lâu, buộc các ngân hàng trung ương ở khu vực này phải cắt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng. Lãi suất đã được hạ từ 1% xuống 0,5% rồi xuống 0%. Vậy tại sao không thử hạ xuống âm 0,5%?

Cuộc phiêu lưu lãi suất âm của châu Âu vừa mới chỉ bắt đầu, và rất khó để đoán bao giờ mới kết thúc. Lãi suất âm của ECB đã giúp kéo tỷ giá đồng USD giảm, hỗ trợ cho các nhà xuất khẩu của châu Âu. Tuy nhiên, nền kinh tế của khu vực Eurozone vẫn đang rất yếu và lạm phát vẫn đang kẹt ở ngưỡng gần 0%.

Tuy vậy, vẫn đang tồn tại một câu hỏi rất căn bản: liệu lãi suất âm có cứu được tăng trưởng kinh tế? Nếu các ngân hàng trung ương đẩy lãi suất tiến sâu hơn trong lãnh địa âm, kinh tế có tăng trưởng trở lại? Hay bản chất “ngược đời” của lãi suất âm sẽ tạo tiền đề cho những hệ quả không mong muốn như bong bóng bất động sản và lạm phát không thể kiểm soát.

Về lý thuyết, lãi suất âm tác động tới người tiêu dùng và doanh nghiệp thông qua khuyến khích vay mượn. Lãi suất âm khiến tiền mặt giống như một củ khoai tây nóng: ai cũng muốn dùng ngay, không muốn giữ.

Không có giới hạn

Nhưng trên thực tế, kết quả đạt được đến nay khá khiêm tốn.

Vốn vay từ các ngân hàng ở Eurozone mới chỉ tăng nhẹ, nền kinh tế phục hồi chậm chạp, lạm phát chỉ ở mức 0,1% trong tháng 11 - cách xa mục tiêu 2% của ECB. Thụy Điển cũng mắc kẹt với lạm phát gần 0% kể từ năm 2013, cho dù nước này đã gia nhập câu lạc bộ lãi suất âm từ tháng 2 năm nay.

Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB) trước kia cố gắng giữ không cho đồng Franc của nước này tăng giá quá nhanh so với đồng Euro bằng cách in nội tệ để mua vào đồng Euro. Nhưng đầu năm nay, do đã mua vào một lượng Euro khổng lồ, SNB dừng áp dụng cách này.

Để giảm bớt sức ép của đồng Franc mạnh đối với các công ty xuất khẩu trong nước, SNB chuyển sang dùng lãi suất âm nhằm khiến đồng tiền này không còn hấp dẫn như trước đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, kể từ khi SNB đưa ra mức lãi suất dưới 0%, đồng Franc vẫn tăng giá 11% so với đồng Euro.

Trong khi đó, Đan Mạch đã thành công hơn trong việc sử dụng lãi suất âm để ổn định tỷ giá đồng tiền. Lãi suất âm giúp đồng Krone của nước này chống lại hoạt động đầu cơ giá lên. Tăng trưởng kinh tế của Đan Mạch có khả năng đạt 1,6% trong năm nay, cao hơn so với nhiều nền kinh tế khác ở châu Âu.

Tuy vậy, lãi suất âm ở Đan Mạch và Thụy Điển đã đẩy giá nhà tại hai quốc gia này tăng mạnh, dẫn tới nguy cơ bong bóng ở các thành phố lớn. Trong nửa đầu năm nay, giá bình quân căn hộ ở Đan Mạch tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá căn hộ ở Thụy Điển tăng 16%.

Tại Đan Mạch, hàng nghìn người vay thế chấp nhà đang ung dung hưởng lợi. Hàng tháng, thay vì phải trả tiền gốc cộng tiền lãi, họ chỉ phải trả tiền gốc sau khi đã trừ đi tiền lãi.

Theo một số ước tính, lãi suất âm khiến các ngân hàng Đan Mạch thiệt hại hơn 1 tỷ Kroner, tương đương 145 triệu USD, trong năm nay.

Để tránh thiệt hại, các ngân hàng không còn cách nào khác phải thu lãi từ khách hàng gửi tiền.

Tại Thụy Sỹ, một ngân hàng đã áp dụng cách này. Vào tháng 10, ngân hàng Alternative Bank Schweiz đã viết thư báo tin không vui cho khách hàng rằng khách hàng sẽ phải trả lãi cho tiền trong tài khoản của họ. Mức lãi suất tiền gửi của SNB hiện là 0,75%.

Hiện tại, các ngân hàng lớn của Thụy Sỹ đều cố gắng chưa thu lãi đối với người gửi tiết kiệm, nhưng một số đã thu lãi đối với khách hàng doanh nghiệp gửi tiền. Nếu lãi suất giảm sâu hơn, điều này có thể thay đổi.

Với những gì đang diễn ra ở châu Âu, có thể thấy lãi suất không phải là một vấn đề hoàn toàn học thuật. Lãi suất hiện vẫn đang ở mức 0% ở hầu hết các nước phát triển, dù khủng hoảng tài chính toàn cầu đã lùi xa. Rất có khả năng suy thoái sẽ lại xảy đến nếu các ngân hàng trung ương không tiếp tục hạ lãi suất.

“Sẽ là sai lầm nếu nói các ngân hàng trung ương đã hết ‘vũ khí’ [khi đã hạ lãi suất về 0%]. Lãi suất âm sẽ là công cụ để tránh một cuộc suy thoái tiếp theo. Không hề có giới hạn trong vấn đề này”, nhà kinh tế học Miles Kimball thuộc Đại học Michigan nhận định.

Theo An Huy

Cùng chuyên mục
XEM