Chậm thông quan, hải quan “đổ tội” cho đường sá

11/08/2015 19:00 PM |

Lãnh đạo hải quan cho rằng báo cáo của WB về thời gian thông quan của Việt Nam gấp 5 lần Singapore là tính toán chưa xác. Ông lập luận rằng WB đã đo cả thời gian từ khi nhập cảng đến kho hàng của doanh nghiệp, mà thời gian này bao gồm cả thời gian làm thủ tục hành chính lẫn thời gian vận chuyển...

Lưu kho lâu là tại... hạ tầng

“Thời gian lưu kho lâu dẫn đến doanh nghiệp lãi ít hơn, thậm chí còn lỗ nếu không làm tốt”, ông Nguyễn Văn Thân – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa Việt Nam, cho biết tại tọa đàm trực tuyến “Nâng cao năng lực cạnh tranh – nhìn từ lĩnh vực hải quan” diễn ra sáng 11/8.

“Những lô hàng tươi như hoa quả nằm ở đấy thì chết. Có khi hỏng, vứt hết. Đấy là cái rất khổ của doanh nghiệp”.

Tham dự sự kiện, lãnh đạo hải quan cho rằng những vấn đề liên quan đến lưu kho, lưu bãi không phải là bài toán ngày 1, ngày 2, và cũng không đơn giản chỉ liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu, thủ tục hành chính Nhà nước, mà còn liên quan đến các cơ quan kinh doanh hạ tầng cơ sở.

“Nội Bài cải cách nhanh như vậy, một phần cũng nhờ vào cơ sở hạ tầng được cải thiện, giúp cơ quan hải quan bố trí được lực lượng, sắp đặt được máy móc, có thể thực hiện được phương thức điện tử, thực hiện được phương pháp quản lý hiện đại”, ông Vũ Ngọc Anh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, giải thích.

“Còn đối với những cơ sở manh mún, đơn cử như cảng Hải Phòng - một cảng cũ, chia ra tận 16 đơn vị kinh doanh cảng, tương đương phải có 16 ông, mà cơ sở hạ tầng không đầy đủ, không thể trang bị được hiện đại, cơ quan hành chính Nhà nước phải xé lẻ ra để làm, và cũng không thể thực hiện được phương pháp quản lý hiện đại. Những thứ đấy cản trở rất lớn”.

“Nghị quyết 19 cũng có một phần nói về cơ sở hạ tầng. Tôi cho rằng đây là một giải pháp đồng bộ mà các bộ ngành quản lý những cơ sở hạ tầng đó cũng phải vào cuộc. Phải làm đồng bộ như thế mới rút ngắn được thời gian lưu kho, lưu bãi, cũng như thời gian vận chuyển hàng hóa trên đường”.

Thông quan tại Việt Nam lâu gấp 5 lần Singapore: Do đường sá?

Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), thời gian trung bình để hoàn tất thủ tục nhập khẩu ở Việt Nam tổng cộng là 21 ngày, cao gấp 5 lần so với Singapore (4 ngày), gần 3 lần so với Malaysia (8 ngày) và gần 2 lần so với Thái Lan (13 ngày).

Với bảng xếp hạng này, ông Ngọc Anh cho rằng WB chỉ chọn một mặt hàng để đưa vào tính toán, như điện máy với hàng nhập khẩu và dệt may với hàng xuất khẩu.

Ngoài ra, ông cho rằng phương pháp tính của WB chưa chính xác.

“WB đo cả thời gian từ khi nhập cảng đến kho hàng của doanh nghiệp, mà việc này liên quan đến thời gian bốc dỡ ở cảng, thời gian vận chuyển trong nội địa của nhiều nước. Trong khi đó, Singapore hầu như không có bốc dỡ, chỉ đến cảng thôi, nên con số so sánh nhiều khi không chính xác”, ông Ngọc Anh cho biết.

“Nếu tính như vậy, thời gian thông quan còn gồm thời gian làm thủ tục hành chính, thời gian vận chuyển nội cảng và vận chuyển từ cảng đến kho của doanh nghiệp, như vậy còn liên quan đến cơ sở hạ tầng. Ví dụ như doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục ở TPHCM, nhưng ban ngày thành phố không cho container chạy nên phải đợi cả chục tiếng đồng hồ”.

Cách đo như thế thì chúng ta khó theo được các nước như Singapore, thậm chí là Malaysia. Để giải quyết đồng bộ, cần không chỉ riêng thủ tục hải quan, thủ tục hành chính liên quan đến các bộ, ngành, mà còn cần cải tiến hệ thống hạ tầng cơ sở để phục vụ xuất nhập khẩu”.

Về đánh giá của WB, TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - thừa nhận rằng tất cả các nước đều cho rằng đánh giá của WB về nước họ chưa chính xác. Tuy nhiên, ông cho rằng:

Thứ nhất, phương pháp của WB để so sánh được 189 nền kinh tế với nhau. Có thể từng quốc gia một thì chưa chính xác lắm, nhưng phương pháp này so sánh được tất cả 189 nền kinh tế.

Thứ 2, đánh giá này dành cho những người đầu tư. Người đầu tư nhìn vào đây và thấy mình đứng thứ hạng bao nhiêu, Singapore số 1, Hongkong số 2, Malaysia thứ 8... nhằm xem xét lợi thế nào để đầu tư vào.

“Toàn thế giới áp dụng bộ này để cải cách môi trường kinh doanh và 2 năm nay mình cũng đã áp dụng. Tôi nghĩ rằng có thể nó không chính xác, nhưng với phương pháp này, hoàn toàn có thể khắc phục được những yếu kém và cải thiện được vấn đề chúng ta mắc phải”, ông Cung nói.

Đồng tình với TS. Cung, ông Nguyễn Văn Thân – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa Việt Nam đồng thời đưa ra cảnh báo: “Sắp tới chúng ta hội nhập rồi. Chỉ số vừa rồi đưa ra đúng hay sai không quan trọng, quan trọng là những doanh nghiệp như chúng tôi thấy nước nào nhập khẩu dễ dàng, thời gian thuận lợi thì nhập. Chúng ta không bình luận đúng sai bao nhiêu, mà hôm nay chúng ta đứng ở hàng này, ngày sau cần đứng ở hàng cao hơn”.

“Nếu chúng ta không giải quyết vấn đề đồng bộ thì hiệu quả sẽ bị chậm. Chậm thì doanh nghiệp thua thiệt, phải cộng % lãi vào sản phẩm, dịch vụ. Dân và người tiêu dùng sẽ thiệt”.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM