Câu chuyện buồn khi màn đêm buông xuống của những McRefugees ở Hong Kong

29/10/2015 11:55 AM |

Khi màn đêm buông xuống, cửa hàng đồ ăn nhanh McDonald's trở thành một nhà nghỉ tạm thời, thu hút đám đông những người nghèo khổ, vô gia cư trong cả thành phố.

Nằm trên con phố lớn tại khu vực Sham Shui Po, Hong Kong là một cửa hàng McDonald’s phục vụ 24/24h. Tuy nhiên, khi màn đêm buông xuống, cửa hàng đồ ăn nhanh này lại trở thành một nhà nghỉ tạm thời, thu hút đám đông những người nghèo khổ, vô gia cư trong cả thành phố.

Mặc dù hiện tượng này không khó để bắt gặp ở hầu hết các cửa hàng McDonald’s trên khắp các nước châu Á – nhưng đặc biệt tại Nhật Bản và Hong Kong – những nơi đang chứng kiến tình trạng dân số đang già hóa, giá nhà đất đắt đỏ và lương đình trệ thì vấn nạn này trở nên đặc biệt nghiêm trọng.

Tại quán McDonald’s hôm nay xuất hiện nhiều người già cả và họ vẫn nở nụ cười trên môi khi kể về câu chuyện cuộc đời buồn bã và kém may mắn của mình. Một “trưởng nhóm” của những người này tên là Ah Chan, 54 tổi từng là cảnh sát.

Ông nói rằng có thuê một căn phòng nhỏ gần quán nhưng hầu hết các buổi tối ông đều tới cửa hàng McDonald’s để qua đêm - nơi ông có thể thoải mái trò chuyện cùng bạn bè của mình. “Đây là một nơi hết sức quen thuộc, những gương mặt quen thuộc. Họ đều là những người lang thang, một số là tạm thời, còn lại là dài ngày. Hầu hết trong số họ không có nhà. Họ không có nơi nào để đi cả”.

Hong Kong được coi là một trong những nơi bất bình đẳng cao nhất trên thế giới, nhất là về khoảng cách giàu nghèo. Theo số liệu của chính quyền cung cấp, cứ 1 trong 5 người tại khu vực có 7 triệu dân này phải sống trong cảnh nghèo khổ. Còn trong số những người già, cứ 1 trong 3 người sống dưới mức nghèo khổ.

Trong một buổi hội thảo mới đây, các nhà chức trách thì nói rằng cách tốt nhất để giải quyết vấn nạn nghèo đói là mở rộng nền kinh tế và tạo ra việc làm. Tuy nhiên, cách thức này dường như không thể giúp đỡ được những người như ông Chan.

Nhâm nhi cốc nước trên tay, ông kể về sự xuống dốc của cuộc đời mình.

Sau khi tốt nghiệp đại học những năm 1970, ông Chan gia nhập ngành công an và nghỉ việc vào năm 1996 để bắt đầu công việc kinh doanh riêng của mình. 7 năm sau đó, ông đổ hết toàn bộ số tiền tiết kiệm và vay mượn từ họ hàng vào công ty này. Tuy nhiên, tới năm 2003, đối tác tại Trung Quốc đại lục bị phá sản. Sau 3 năm theo đuổi các vụ kiện tụng, ông phải trở lại Hong Kong vào năm 2006, mệt mỏi và trắng tay.

Ông Chan, từng là cảnh sát hiện phải kiếm sống qua ngày bằng những công việc chân tay:

“Những gì đã xảy ra tại Trung Quốc đại lục khiến tôi hoàn toàn sụp đổ. Tôi phải nghỉ ngơi để xóa đi toàn bộ ký ức buồn đó. Tôi đã cố gắng đối diện với thực tại. Đôi lúc, việc này thật sự khó khăn. Nhưng cũng có lúc, những kỷ niệm buồn lại ùa về trong tôi”.

Ông Chan cũng chia sẻ rằng hiếm khi gặp lại họ hàng: “Tôi không thể đối mặt với họ. Họ đã tin tưởng ở tôi và rồi tôi hoàn toàn khiến họ thất vọng. Tôi cũng không thể nói mình không có trách nhiệm với những gì đã xảy ra được”.

Hiện tại, ông Chan buộc phải tìm đến những công việc chân tay để kiếm sống qua ngày. Ông cũng thường phải nhận thức ăn thừa và mặc quần áo do được quyên góp.

Nhiếp ảnh gia người Ấn Độ là Suraj Katra bắt đầu ghi lại hình ảnh của những người nghèo tại Hong Kong từ năm 2013 để làm tư liệu cho một bộ phim tài liệu mang tên “Social phenomenon” (Hiện tượng xã hội).

“Là một nhiếp ảnh gia, tôi nhận thấy thật đáng buồn khi họ đều là những người từng có quá khứ tốt đẹp và giờ khi già, họ phải chịu cảnh vô gia cư và nghèo đói. Tôi luôn xem McDonald’s có giá trị tuyệt vời, nhất là tại một nơi như Hong Kong. Bạn có thể mua đồ ăn với giá rẻ, có đèn điện, điều hòa nhiêt độ, chỗ ngồi và dịch vụ tốt. Tôi nghĩ mình cần phải ghi lại hình ảnh của những người đã tạo nên giá trị đó”.

“Tới từ một đất nước rất nghèo khổ là Ấn Độ. Với tôi, khi nhìn những người này, tôi vẫn nghĩ họ còn tốt hơn rất nhiều so với những người vô gia cư tại Ấn Độ. Ít ra họ còn nhận được trợ cấp xã hội và có một nơi để ngủ”.

Nửa đêm, tất cả khách hàng thật sự của quán đã rời đi, chỉ còn lại những McRefugee (chơi chữ: “Mc” ghép từ “McDonald’s” và “Refugee” là người tị nạn). Một trong số đó là David Ho, 66 tuổi. Chỉ mới năm ngoái, ông vẫn còn làm bảo vệ mới mức lương 10.000 USD Hong Kong (tương đương 1.300 USD). Tuy nhiên, sau một cơn đột quỵ, ông Ho đã không thể tiếp tục làm việc. Ông sống qua ngày với những viên thuốc nhận được từ bệnh viện công và tiền trợ cấp hàng tháng của chính quyền là 3.870 USD Hong Kong.

“Chắc anh nghĩ tôi rất lười biếng. Nhưng không phải, tôi thật sự muốn làm việc. Chỉ là tôi không thể tìm được một công việc phù hợp ở độ tuổi này. Đó là lý do tại sao tôi phải nhận tiền trợ cấp từ chính quyền”.

Thực tế số tiền trợ cấp ít ỏi này cũng không thể giúp ông có thể sống được tại trung tâm Hong Kong – một trong những nơi có chi phí sinh hoạt đắt đỏ bậc nhất thế giới. Dù đã đăng ký nhận nhà ở xã hội nhưng vì phải chờ quá lâu, ông đã phải thuê một căn phòng gần biên giới Thâm Quyến, Trung Quốc đại lục với giá 1.000 yean (tương đương 1.200 USD Hong Kong) mỗi tháng.

Vì vẫn nhớ Hong Kong nên mỗi tuần ông Ho bắt tàu điện tới cửa hàng McDoanld’s ở Sham Shui Po 1 lần và ở lại đây vài ngày.

Trong khi cuộc trò chuyện giữa nhiếp ảnh gia Katra và ông Ho diễn ra, vẫn có những người đàn ông trung niên tiếp tục bước vào quán. Lúc này đã quá nửa đêm và gần như tất cả mọi người xung quanh họ đều đã ngủ…

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM