Cạnh tranh toàn cầu: Cần một nỗ lực có tính hệ thống

15/09/2013 09:00 AM |

Nội dung nổi bật:

- Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp năng lực cạnh tranh của Việt Nam ở vị trí thứ 70/148 quốc gia; tăng 5 bậc so với năm 2012.

- Bên cạnh các yếu tố giúp tăng hạng, còn một số yếu tố cấu thành trong nền kinh tế còn kém cạnh tranh đã đẩy xếp hạng chung của kinh tế Việt Nam xuống thấp như công nghệ, cơ sở hạ tầng, cải cách kinh tế....



Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa công bố báo cáo cạnh tranh toàn cầu năm 2013 - 2014 của 148 nền kinh tế, trong đó xếp hạng Việt Nam ở vị trí 70, tăng 5 bậc so với năm 2012. Để có cái nhìn đa chiều về vấn đề này, DĐDN đã có cuộc trò chuyện với TS Vũ Minh Khương - Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, ĐH quốc gia Singapore, nhân dịp ông tháp tùng Thủ tướng Lý Hiển Long sang thăm Việt Nam.

- Thưa ông, theo báo cáo xếp hạng của WEF năm 2013 - 2014 thì nền kinh thế VN tăng 5 bậc. Ông nhìn nhận thế nào về sự tăng bậc này ?

Xếp hạng của mỗi nền kinh tế được WEF dựa vào ba yếu tố quan trọng gồm: Các yêu cầu cơ bản của nền kinh tế, hiệu quả nâng cao và cải cách. Xếp hạng của VN năm 2013 tăng 5 bậc chủ yếu nhờ môi trường vĩ mô được cải thiện, lạm phát quay trở lại mức một con số trong năm 2012; chất lượng hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng về năng lượng được cải thiện (tăng 13 bậc). Mức độ hiệu quả của thị trường hàng hóa cũng tăng hạng (tăng 17 bậc) do các rào cản thương mại cũng như thuế thu nhập DN giảm.

Bên cạnh các yếu tố giúp tăng hạng cho VN, còn một số yếu tố cấu thành trong nền kinh tế còn kém cạnh tranh đã đẩy xếp hạng chung của kinh tế VN xuống thấp. Đó là công nghệ (vị trí 102); cơ sở hạ tầng (vị trí 82); cải cách kinh tế (vị trí 76); phát triển thị trường tài chính (vị trí 93); môi trường kinh tế vĩ mô (vị trí 87)…

Dù cơ sở hạ tầng của VN có được tăng 17 bậc nhưng vẫn xếp ở mức 82 so với 148 nước. Tôi được biết, báo cáo năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2009 của WEF trong đó, cơ sở hạ tầng bị xếp hạng thấp nhất trong bộ chỉ số cạnh tranh của VN. Như vậy, sau 4 năm chỉ số này dù đã được nâng lên nhưng vẫn được xem là kém cạnh tranh khiến không ít nhà đầu tư chùn bước.

Một số tiêu chí còn yếu theo xếp hạng của WEF, đó là hiệu quả thị trường lao động, mức độ phát triển thị trường tài chính hay trình độ khoa học công nghệ … Điều này khiến xếp hạng chung của VN kém  Malaysia (24), Brunei (26), Thái Lan (37), Indonesia (38), Philippines (59)  chỉ  xếp trên Lào (81), Campuchia (88), Myanmar (139).

Trên cơ sở GDP bình quân đầu người của từng quốc gia, WEF cũng phân loại các quốc gia và vùng lãnh thổ vào ba giai đoạn phát triển bao gồm tăng trưởng dựa vào nguồn lực như lao động hay tài nguyên thiên nhiên, tăng trưởng dựa vào hiệu suất sản xuất, và tăng trưởng dựa vào công nghệ đột phá. Theo tôi, dựa vào các yếu tố này mà WEF xếp hạng và nhận định về nền kinh tế VN còn mong manh và không ổn định.

Năm nay, Thụy Sĩ lần thứ 5 liên tiếp dẫn đầu về khả năng cạnh tranh trên thế giới. Tiếp là Singapore, Phần Lan, Đức và Mỹ. Trong top 10 còn có hai nền kinh tế thuộc Châu Á khác là Hong Kong (Trung Quốc) xếp thứ 7 và Nhật Bản xếp thứ 9.

- Bên cạnh một số tiêu chí tăng thứ hạng thì vẫn còn một số tiêu chí giảm. Ví dụ như hiệu quả thị trường lao động (xếp thứ 56, giảm 5 bậc), sự phát triển của thị trường tài chính (xếp thứ 93, giảm 5 bậc), mức độ sẵn sàng về công nghệ (thứ 102, giảm 4 bậc). Việc này nói lên điều gì, thưa ông ?

Tôi vẫn nhớ cách đây 10 năm, các nước hồ hởi chen chân đầu tư vào thị trường tài chính của VN. Tuy nhiên, từ đó đến nay, "không khí” ấy đã ảm đạm đi rất nhiều. Dường như thị trường tài chính không góp được nhiều trong vấn đề tăng năng lực cạnh tranh của VN. Thậm chí, còn gây tác dụng ngược, khi mà nhiều DN nước ngoài khi nhắc đến VN, họ còn e dè bởi thị trường tài chính bất ổn, nợ xấu, rồi tín dụng bất ổn.

Chúng ta cần học nước Mỹ, Nhật Bản, Singapore trong suy thoái kinh tế, không để bị gục ngã, mà phải đi lên từ suy thoái bằng cách tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc nguồn nhân lực. Vẫn những con người đó, nhưng họ đào tạo lại để thay đổi cách làm việc, thay đổi tư duy, cách nghĩ và cách làm.

Sự phát triển nhanh chóng của Singapore là một ví dụ điển hình, nó liên quan mật thiết với việc quản lý hữu hiệu về tài chính. Những chính sách về tài chính và tiền tệ đã tạo ra mức tiết kiệm cao, cùng với số lượng lớn về đầu tư nước ngoài đã giúp Singapore tăng trưởng mà không bị tích lũy số nợ nước ngoài. Đây chính là nhân tố khiến thị trường tài chính nước này ổn định, là động lực vươn lên trong bối cảnh nền kinh tế khủng hoảng của những năm về trước.

- Vậy, theo ông để tăng năng lực cạnh tranh toàn cầu lên thứ bậc cao hơn thì đâu là mô hình mới cho VN?

 Nâng cao sức cạnh tranh không bắt đầu từ một vài chương trình hay sang kiến cụ thể mà phải là một nỗ lực có tính hệ thống bao gồm ba cấu tầng: Tư duy ( gồm những nguyên lý có tính nền tảng ); Thiết kế chương trình; và Tổ chức thực hiện.

Cội nguồn của sức cạnh tranh bắt nguồn từ tư duy dựa trên ba nguyên lý nền tảng đó là: Thành tâm tuân thủ các nguyên tắc thị trường; coi trọng việc nâng cấp chất lượng của hệ thống quản lý nhà nước; dốc sức đầu tư và khai thác sử dụng nguồn vốn con người. Thành công trong nỗ lực nâng cao sức cạnh tranh không dựa trên sự phá vỡ những cái cũ mà là nỗ lực cải biến có tính hệ thống, xây dựng cái mới dựa trên ba nguyên lý nền tảng nói trên.

Kinh nghiệm từ Singapore cho thấy, đối với các DNNN, bước đi đầu tiên không nên là tư nhân hóa mà là tạo cơ chế buộc họ phải vận hành theo kỷ luật thị trường, hiện đại hóa về quản lý công nghệ, minh bạch về kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tôi nghĩ chúng ta cần có chỉ số đánh giá rất kỹ chất lượng hoạt động hàng năm của các DN thuộc khu vực này và công bố cho toàn xã hội theo dõi giám sát. Bắt buộc các DNNN đều phải niêm yết trên TTCK, Nhà nước nên bán cổ phần cho các nhà đầu tư có thêm nguồn vốn đầu tư vào giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng.

Riêng về vấn đề con người cầu phải đi trước, hướng đạo cho cung. Đó là nền tảng cho một thể chế phát triển trong tương lai. Nâng cao năng lực công nghệ  (mà WEF xếp hạng VN yếu) cũng là một khía cạnh trong khai thác và đầu tư vào nguồn lực con người…

- Báo cáo năng lực cạnh tranh cũng chỉ ra rằng, Chính phủ và DN cần nhận thức đúng vai trò của mình trong phát triển kinh tế, ông nghĩ sao về điều này?

Kinh nghiệm từ Singapore là mọi việc Chính phủ đều ngồi trên “con hổ” thị trường thì mới hiệu quả, từ việc xây nhà thu nhập thấp, trồng cây xanh... đều thị trường hóa, đáp ứng những gì thị trường cần, DN không làm được thì Chính phủ sẽ bơm thêm động lực. Mục tiêu của năng lực cạnh tranh quốc gia là tạo một sự hiểu biết sâu rộng hơn trong xã hội. Nếu giới lãnh đạo, học giả, giới  DN, doanh nhân cũng như cộng đồng xã hội thấy được tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực cạnh tranh thay vì chỉ ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế thì đây chính là một thắng lợi quan trọng.

Bên cạnh đó, Chính phủ và DN cần nhìn thấu đáo những thách thức gì mà mình đang đương đầu, nếu không vượt qua thì  nền kinh tế VN sẽ phát triển trong vòng luẩn quẩn và không khai thác hết tiềm năng. Theo tôi, đây thực chất là một bước quan trọng trong nhận thức, Chính phủ cũng như DN phải thống nhất được tầm nhìn, ngồi lại với nhau và cùng hành động thì mới nâng cao được năng lực cạnh tranh.

- Xin cảm ơn ông!

TS Vũ Minh Khương hiện là giảng viên tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, ĐH Quốc gia Singapore. Ông tốt nghiệp khoa Toán ĐH Tổng hợp Hà Nội (1980); Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA, 1995) và Tiến sĩ Chính sách công (2005) tại ĐH Harvard.

Ông đã trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau ở VN: Phục vụ trong quân đội (1980-1983); Chuyên viên lập trình máy tính điện tử (Cty Điện lực Miền Nam, 1983-1986); Phó Giám đốc và Giám đốc (Xí nghiệp Hóa chất Sông Cấm Hải Phòng, 1986-1992); Phó Văn phòng UBND TP Hải Phòng và Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Khu Kinh tế Đình Vũ (Hải Phòng, 1996-1998); và Cán bộ nghiên cứu (Ban Nghiên cứu Thủ tướng Chính phủ, 1998-1999). 

Theo Phương Hà

duchai

Cùng chuyên mục
XEM