“Cánh tay phải” của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe từ chức vì nghi vấn nhận hối lộ

29/01/2016 08:02 AM |

Ông Akira Amari là người đứng đầu đoàn đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và là một trong những quan chức chính phủ thân cận nhất với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã mất đi một trong những “kiến trúc sư” chính của các chương trình kích thích kinh tế Abenomics sau khi Bộ trưởng Kinh tế Nhật buộc phải từ chức bởi những cáo buộc ông này nhận hối lộ, theo tin từ Financial Times.

Hôm qua, ông Akira Amari, Bộ trưởng Kinh tế đồng thời được coi như “Bộ trưởng của chương trình kích thích kinh tế Abenomics” đã từ chối các cáo buộc nhận tiền trái phép từ một công ty xây dựng.

Ông khẳng định tất cả các khoản tiền ông đã nhận chỉ là tiền vận động tranh cử hợp pháp, tuy nhiên ông sẽ từ chức để chịu trách nhiệm cho những gì mà cơ quan chịu trách nhiệm các vấn đề tranh cử của ông đã làm.

Đây là bê bối tồi tệ nhất của chính quyền Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tính từ khi ông nhậm chức vào năm 2012. Ông Amari là người đứng đầu đoàn đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và là một trong những quan chức chính phủ thân cận nhất với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.

Trong buổi họp báo công bố quyết định từ chức ngày hôm qua, ông Amari đã nói đầy tiếc nuối: “Kinh tế Nhật chuẩn bị thoát giảm phát rồi. Chúng ta cần tiếp tục những nỗ lực đã và đang được thực hiện. Tôi thấy mình còn nhiều việc phải làm nhưng đáng tiếc đã không còn cơ hội nữa. Tôi quyết định sẽ từ chức khỏi nội các Nhật vì những sai sót từ thuộc cấp của mình.”

Theo Youmiuri Shimbun, sự ra đi của ông có thể tác động không nhỏ đến mục tiêu cân bằng giữa kích thích kinh tế và thắt chặt chính sách tài khóa.

Gần đây, những nỗ lực chấm dứt 2 thập kỷ giảm phát của chính phủ Nhật không mang lại nhiều thành công như kỳ vọng bởi cả tăng trưởng kinh tế và giá cả đều không tăng cao như tính toán.

Một phần lý do là bởi chính sách tăng thuế đã được đưa ra bởi chịu sức ép từ phía các đảng đối lập thuộc chính quyền Thủ tướng Nhật Shinzo Abe chứ không phải nền kinh tế thực sự chống đỡ được mức thuế cao hơn đó.

Trả lời phỏng vấn của YS, ông Masatoshi Honda, giáo sư chính trị tại đại học Kinjo, Nhật, khẳng định rằng dù sẽ gây ra không ít tổn thất với chính quyền Thủ tướng Abe, nhưng việc ông Amari từ chức ngày là hợp lý, bởi chỉ cần thêm một ngày ông tại vị, những chỉ trích chống Thủ tướng Abe sẽ còn lan rộng hơn như một thứ bệnh dịch trong nội các.

Dù vậy ông Honda cũng thể hiện không ít sự tiếc nuổi, bởi theo phân tích của ông, hiện nay, ông Amari là trụ cột của chương trình kích thích kinh tế Abenomics. Phía bên kia, Bộ trưởng Tài chính Nhật Taro Aso nằm các chính sách tài khóa và họ đang tạo nên một thế cân bằng hoàn hảo. Sự hợp lý đó nay không còn nữa.

Ông Amari ra đi, phía Bộ Tài chính sẽ thắng thế và có thêm nhiều quyền lực hơn, thuế tiêu dùng sẽ có thể tiếp tục bị đẩy tăng để bù đắp cho thâm hụt ngân sách Nhật chứ không chú trọng đến kích thích tăng trưởng kinh tế.

Chính phủ của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu muốn bác đề nghị tăng thuế tiêu dùng. Lần gần nhất khi ông tăng thuế tiêu dùng vào năm 2014, kinh tế Nhật lập tức suy thoái. Mục tiêu lạm phát 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật trở nên bất khả thi.

Đối với TPP, sự thiếu vắng ông Amari sẽ gây ra nhiều cản trở đối với các vòng đàm phán TPP giữa Nhật và châu Âu đã và đang được tiến hành tích cực.

Những cáo buộc liên quan đến Bộ trưởng Kinh tế Nhật Amari bắt đầu vào tuần trước khi tạp chí Shukan Bunshun bằng tiếng Nhật đưa tin ông Amari và thư ký của ông đã nhận ít nhất 12 triệu yên từ một công xây dựng tỉnh Chiba, và điều này trái với luật pháp Nhật.

Ông Nobuteru Ishihara, cựu Bộ trưởng Môi trưởng Nhật, người có nhiều chính sách chống Thủ tướng Abe suốt từ năm 2012, sẽ lên nắm giữ chức vụ Bộ trưởng Kinh tế Nhật thay cho ông Amari. Ông Ishihara là con trai của cựu Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara.

Ông Amari là Bộ trưởng thứ 4 trong nội các của chính phủ Shinzo Abe từ chức, tuy nhiên so với 3 người còn lại, ông là người có ảnh hưởng lớn nhất đến chính quyền đương nhiệm. Hai nữ Bộ trưởng từ chức trong thời gian qua cũng đã buộc phải từ chức bởi những cáo buộc liên quan đến nhận tiền hỗ trợ vận động tranh cử trước đây.

Ngọc Thúy

Cùng chuyên mục
XEM