Cảnh báo rủi ro đạo đức

09/07/2015 15:00 PM |

Trong lúc bức tranh tái cấu trúc ngành NH đang diễn biến thuận lợi, bỗng dưng chủ tịch một NH lớn được xem là có hiệu quả hàng đầu Việt Nam cảnh báo những rủi ro tiềm ẩn. Vị chủ tịch này nhấn mạnh một cách nghiêm túc về rủi ro đạo đức, rủi ro nợ xấu của NH mình quản lý nhưng lại đúng với cả hệ thống NH.

Nội dung nổi bật:

- Kết quả khảo sát cho thấy số nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu NH lớn trong danh mục của họ xuất phát từ sự kỳ vọng nhiều vào kết quả kinh doanh trong quý II của các NH có khả năng chuyển biến tích cực

- "Tăng trưởng tín dụng trung, dài hạn cao những tháng đầu năm trong khi tín dụng ngắn hạn lại giảm. Tín dụng chủ yếu đổ vào khách hàng truyền thống, khách hàng đã có quan hệ trong khi khách hàng mới hạn chế. Hệ số cho vay trung và dài hạn từ mức 36% lên 40% chỉ trong vòng 6 tháng" - CEO Vietcombank cảnh báo.


Khả quan

Chỉ số VN-Index trên thị trường chứng khoán tăng điểm nhiều phiên liên tục với sự đóng góp không nhỏ của các mã cổ phiếu NH. Nếu như năm 2014, chỉ số này chịu sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu dầu khí, bước sang năm 2015 ngành NH đã khéo léo dẫn dắt đà tăng điểm của thị trường và đang tạo ra một hiệu ứng lan tỏa nhất định.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán VDSC, kết quả khảo sát cho thấy số nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu NH lớn trong danh mục của họ xuất phát từ sự kỳ vọng nhiều vào kết quả kinh doanh trong quý II của các NH có khả năng chuyển biến tích cực.

Nhà đầu tư cũng kỳ vọng lợi nhuận đột biến từ khả năng hoàn nhập dự phòng đối với một số NH đã trích lập dự phòng nợ xấu mạnh trong năm trước. Bên cạnh đó là sự quan tâm đặc biệt của khối ngoại tại một số mã và khá nhiều quỹ đầu tư nâng tỷ trọng NH trong danh mục.

Số liệu công bố gần đây cũng cho thấy, tăng trưởng tín dụng của hệ thống NH trong nửa đầu năm đạt hơn 6%, gấp 3 lần so với cùng kỳ 2014. Đây là kết quả hoàn toàn trái ngược với diễn biến những năm trước, khi tín dụng giai đoạn này tăng ì ạch.

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, dự kiến đến cuối năm 2015 tăng trưởng tín dụng không chỉ hoàn thành chỉ tiêu tăng từ 13-15%, mà có thể điều chỉnh tăng lên 17% để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đối với công tác xử lý nợ xấu, 6 tháng đầu năm 2015 NHNN đã quyết liệt chỉ đạo các TCTD tích cực triển khai, ưu tiên sử dụng các nguồn lực để đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu.

Trong 6 tháng cuối năm 2015, các NHTM phải tập trung thực hiện phân loại nợ xấu đúng quy định, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, tích cực bán nợ cho công ty VAMC… Phấn đấu đến hết quý III-2015 tỷ lệ nợ xấu giảm xuống còn dưới 3%.

Trong giai đoạn vừa qua, chi phí của các NH cũng được giảm đi đáng kể để tập trung cải thiện hiệu quả hoạt động và chất lượng tài sản. Hiện tại mức định giá của ngành NH Việt Nam cao hơn so khu vực. Trong đó đóng góp lớn nhất là Vietcombank với mã cổ phiếu VCB có mức P/B (giá cổ phiếu/giá ghi sổ sách) ~3,3x. Nếu loại trừ cổ phiếu này, P/B trung bình ngành NH ở mức 1,5x.

Vẫn còn rủi ro

Vietcombank là một trong những NH được đánh giá cao hiện nay và giá cổ phiếu đã tăng mạnh 75% từ đầu năm đến nay. Là NH niêm yết đầu tiên ước lợi nhuận nửa đầu năm với những con số khả quan, trước thuế đạt 3.040 tỷ đồng, tăng 6,82% so với cùng kỳ, chi phí dự phòng cao ở mức gần 3.000 tỷ đồng (tăng 24,58% so với cùng kỳ); tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo ở mức 2,43%, cao hơn một chút so với thời điểm cuối năm 2014 là 2,3%, tuy nhiên tỷ lệ này vẫn thấp hơn mức 2,67% trong quý I-2015.

Dù trích lập dự phòng lớn nhưng kết quả cho thấy Vietcombank vẫn kiểm soát tốt tỷ lệ nợ xấu.

Mặc dù đứng trước rất nhiều thông tin lạc quan, nhưng tại Hội nghị triển khai hoạt động kinh doanh 6 tháng cuối năm 2015, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, đưa ra những cảnh báo rủi ro tiền ẩn: “Tăng trưởng tín dụng trung, dài hạn cao những tháng đầu năm trong khi tín dụng ngắn hạn lại giảm. Tín dụng chủ yếu đổ vào khách hàng truyền thống, khách hàng đã có quan hệ trong khi khách hàng mới hạn chế. Hệ số cho vay trung và dài hạn từ mức 36% lên 40% chỉ trong vòng 6 tháng.

Đây là vấn đề lớn Vietcombank cần phải giải quyết trong thời gian tới vì nó sẽ tạo áp lực về thanh khoản. Chất lượng tín dụng đã thực sự ở mức đáng lo ngại, nợ xấu và lượng trích lập dự phòng rủi ro lớn nhất từ trước tới nay. Kết quả thu hồi nợ xấu, nợ ngoại bảng đạt thấp so với kế hoạch đề ra. Rủi ro đạo đức không còn đơn lẻ, cá biệt mà đã được nhận diện ở một số chi nhánh, không dừng lại ở cấp cán bộ mà còn lan sang cấp lãnh đạo chi nhánh. Kỷ luật kỷ cương tại một số chi nhánh chưa nghiêm”.

Tại hội nghị, ông Thành cũng nêu ra tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống NH tại thời điểm cuối tháng 5-2015 là 3,15%.

Những cảnh báo của Chủ tịch Vietcombank không chỉ là câu chuyện của riêng NH mà đó chính là câu chuyện của cả hệ thống NH Việt Nam. Nhiều dự báo cũng cho rằng nợ xấu tại các NH sẽ tăng lên sau khi Quyết định 780 hết hiệu lực, theo đó NH phải chấm dứt việc tái cơ cấu các khoản vay và áp dụng xếp hạng tín dụng CIC đối với các khoản vay từ đầu năm.

Trong khi đó, VAMC được thành lập từ cuối 2013 nhưng tổ chức này xác định mục tiêu từ năm 2016 trở đi mới tập trung vào việc bán nợ, bán tài sản đảm bảo và mua nợ theo giá thị trường đối với những khoản nợ xấu phát sinh, hạn chế dần việc mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt.

Hiện nhiều người kỳ vọng sự phục hồi của nền kinh tế sẽ là phương án tốt nhất để xử lý nợ xấu và làm cho hệ thống tài chính lành mạnh. Tuy nhiên, trên thực tế để hệ thống NH lành mạnh phải tái cấu trúc từ bên trong. Việc sáp nhập các NH hiện nay cũng chỉ là một giải pháp về bề nổi ban đầu. Giải pháp từ bên trong như ông Nghiêm Xuân Thành nhắc tới chính là làm sao để khắc phục được rủi ro đạo đức từ ngay chính lãnh đạo của NH.

Theo Xuân Anh

Cùng chuyên mục
XEM