Căng thẳng thanh khoản cuối năm

24/12/2015 08:52 AM |

Lãi suất liên NH tăng tuần thứ năm liên tiếp, tỷ giá liên NH cao hơn tỷ giá trần 0,15%, các tín hiệu trên thị trường tiền tệ cho thấy sự căng thẳng cục bộ của hệ thống trong một vài tuần qua. NHNN cũng đã bơm một lượng tiền lớn khoảng 74.000 tỷ đồng để hỗ trợ thanh khoản trong hệ thống NH.

Lãi suất liên NH liên tục tăng

Từ giữa tháng 12 đến nay, mức lãi suất huy động kỳ hạn ngắn của các NHTM tiếp tục xu hướng nhích lên với mức tăng 0,2-0,5%/năm để kích thích người dân gửi tiền. Cùng với việc tăng lãi suất huy động, các NHTM cũng đang cạnh tranh hút vốn bằng hàng loạt chương trình ưu đãi hấp dẫn dành cho khách hàng tiền gửi với tổng giá trị giải thưởng mỗi chương trình lên đến hàng tỷ đồng.

Không chỉ lãi suất huy động vốn từ dân cư tăng lên mà trong tháng 12, lãi suất thị trường liên NH cũng xuất hiện dấu hiệu căng thẳng khi liên tục tăng trong nhiều tuần. Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm tăng 0,04% lên mức 4,94%/năm, trong khi các kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần cũng tăng lần lượt 0,04% và 0,05%, đồng loạt lên mức 4,96%/năm.

Theo CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), mặt bằng lãi suất liên NH đang phản ánh tín hiệu căng thẳng cục bộ của hệ thống trong vài tuần gần đây, khớp với dự báo trước đó là vào thời điểm cuối năm, các NH thường có tâm lý thận trọng và gia tăng dự trữ nhằm đảm bảo nhu cầu thanh khoản tăng cao.

Nguồn vốn cho vay trên thị trường liên NH vì thế sẽ có xu hướng co hẹp và dự báo lãi suất liên NH trong một vài tuần tới sẽ tiếp tục giữ ở mức cao (xấp xỉ 5%) cho tất cả các kỳ hạn.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong khi đó, Quốc hội đã thông qua mục tiêu tăng trưởng GDP vào khoảng 6,7% vào năm sau. Hiện tại, NHNN vẫn chưa công bố các chỉ tiêu tăng trưởng cho năm 2016, nhưng theo các chuyên gia, để tăng 1% GDP tín dụng phải tăng trưởng khoảng 2-3%, nên năm 2016 tín dụng phải tăng trưởng từ 18-20% mới đáp ứng được yêu cầu tăng trưởng GDP đặt ra. Để đạt được mục tiêu tín dụng đó, chắc chắn NHTM cần thêm một lượng vốn huy động lớn tương ứng để đáp ứng mục tiêu này.

Trong bối cảnh đó, Thông tư 23 về điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc (DTBB) quy định nhóm TCTD thuộc diện kiểm soát đặc biệt sẽ được xem xét giảm DTBB về 0%; các TCTD đang thực hiện phương án tái cơ cấu, TCTD tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém sẽ được xem xét giảm tỷ lệ cụ thể.

Thông tư này mang hàm ý kiềm hãm rủi ro tăng lãi suất khi lượng vốn “đóng băng” trong DTBB được bung ra tăng vốn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, đối tượng áp dụng của Thông tư 23 không rộng rãi, các NH được ưu tiên giảm tỷ lệ DTBB có khả năng tăng nhẹ lãi suất huy động để hút vốn, trong khi không cần tăng lãi suất cho vay vẫn giữ được biên lợi nhuận cao, vì giảm được chi phí đối với khoản DTBB. Trong khi các NH khác không nằm trong diện ưu tiên cũng chạy theo xu hướng này thì lợi nhuận chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Vì vậy, thời điểm này nhiều NH cũng đang lên kế hoạch chuẩn bị nguồn vốn với chi phí thấp để đảm bảo cạnh tranh trong thời gian tới, khiến cuộc đua huy động ngày càng sôi động và giao dịch trên thị trường liên NH không ngừng căng thẳng.

Bơm tiền hỗ trợ thị trường

Tính đến ngày 23-12, giá bán USD tại các NH đánh dấu 1 tuần liên tục niêm yết ở mức kịch trần 22.547 đồng/USD. Trước đó 1 ngày vào 22-12, tỷ giá liên NH đã tăng 0,15% lên 22.580 đồng/USD, cao hơn tỷ giá trần 0,15%. Đây là mức cao nhất của tỷ giá kể từ đầu năm, cao hơn 5,87% so với mức đáy là 21.329 đồng/USD vào ngày 12-2.

Trên thị trường tự do, giá mua bán USD đã liên tục vượt trần kể từ ngày 9-11 và hiện cao hơn 0,77% so với tỷ giá trần hiện nay, cao hơn 6,23% so với mức đáy từ đầu năm là 21.388 đồng/USD vào đầu tháng 2. Hiện nay mức độ căng thẳng trên thị trường ngoại hối có thể dễ dàng nhận thấy qua chênh lệch giữa giá mua và giá bán đã không còn nhiều, 22.517-22.547 đồng/USD.

Trong bối cảnh tỷ giá đang căng thẳng và NHNN vẫn cam kết giữ ổn định tỷ giá cho đến hết năm 2015, theo phân tích của các chuyên gia, NHNN có lẽ sẽ tiếp tục chính sách bơm thanh khoản ngoại tệ và sử dụng biện pháp hành chính để tiếp tục giữ cho tỷ giá không biến động quá mạnh.

Tuần qua, NHNN tiếp tục bơm mới tại kỳ hạn 14 ngày trên thị trường liên NH (OMO) với lượng vốn tương đối lớn là 12.439 tỷ đồng (theo số liệu của BVSC). Trong khi đó, có 7.232 tỷ đồng đáo hạn trong tuần, do vậy lượng vốn bơm ròng trong tuần đạt 5.207 tỷ đồng.

Đây là tuần thứ tư liên tiếp NHNN có hoạt động bơm ròng qua kênh OMO với lượng vốn bơm mới khá lớn. BVSC cho rằng, tín hiệu này kết hợp với xu hướng tiếp tục tăng của lãi suất liên NH, cho thấy thanh khoản hệ thống tuần qua vẫn đang có sự căng thẳng cục bộ.

Trước đó, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng cho biết chỉ trong vòng nửa đầu tháng 12-2015, NHNN cũng đã bơm một lượng tiền lớn khoảng 74.000 tỷ đồng do thanh khoản trong hệ thống NH có dấu hiệu căng thẳng khi nhu cầu thanh toán gia tăng vào cuối năm.

Cụ thể, NHNN đã bơm ròng 34.000 tỷ đồng thông qua nghiệp vụ reserve repo. Trong khi đó, có xấp xỉ 40.000 tỷ đồng tín phiếu NHNN đáo hạn trong vòng 4 tuần qua trong khi NHNN không có phát hành mới, đồng nghĩa một lượng tiền tương đương được bơm vào thị trường.

Như vậy, những diễn biến mới trên thị trường lãi suất và tỷ giá đang ngày càng gia tăng áp lực lên chính sách điều hành của NHNN Việt Nam.

Theo một chuyên gia kinh tế, động thái bơm tiền của NHNN cho các NH vay để tạo thanh khoản không ảnh hưởng nhiều do chỉ nhằm hỗ trợ căng thẳng thời điểm cuối năm. Việc bơm tiền chỉ ảnh hưởng đến lạm phát khi được thực hiện liên tục và giá trị lớn. Hiện tượng này chủ yếu do ảnh hưởng của yếu tố mùa vụ cuối năm và thanh khoản hệ thống sẽ sớm ổn định trở lại.

Theo Đỗ Linh

Cùng chuyên mục
XEM