Cấm quốc lộ 1: Doanh nghiệp sẽ sớm phải "bấm bụng" đi cao tốc

14/12/2015 14:09 PM |

Qua khảo sát thực tế ngày 14/12, chúng tôi nhận thấy đoạn Quốc lộ 1 cấm các loại xe tải trên 5 tấn, (từ nút giao thông Bình Thuận, TPHCM đến ranh tỉnh Long An) vào giờ cao điểm (sáng từ 6 giờ đến 8 giờ 30, chiều từ 16 giờ đến 18 giờ 30) khá thông thoáng và không xảy ra ùn tắc.

Đa số xe tải đi trong giờ cấm khi đến nút giao Bình Thuận (đường Nguyễn Văn Linh – Quốc lộ 1) đều chuyển hướng lên cao tốc TPHCM – Trung Lương.

Một số tài xế xe tải cho biết sau khi nhận được thông tin về việc cấm đường, các chủ hàng và doanh nghiệp vận tải đã yêu cầu họ điều chỉnh thời gian chuyển hàng để tránh giờ cấm hoặc theo lộ trình thay thế nếu phải đi hàng gấp.

Chị Nguyễn Thị Hạnh là thương lái chuyên chở trái cây từ miền Tây lên chợ Bình Điền cho biết thời gian cấm chỉ trong vòng 2,5 giờ chia ra hai buổi mỗi ngày nên cũng không gây chậm trễ nhiều cho việc chuyển hàng. Cùng với đó, đa số thương lái chở hàng ra chợ đầu mối dùng xe tải nhẹ dưới 5 tấn nên cũng không bị điều chỉnh bởi lệnh cấm này.

Tuy nhiên, theo nhận định của Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TPHCM, do hiện nay dọc theo quốc lộ 1 ở địa bàn huyện Bình Chánh TPHCM và tỉnh Long An có nhiều nhà máy sản xuất, kho bãi, công ty và khu công nghiệp nên lưu lượng vận chuyển hàng hóa bằng xe container ra cảng và ngược lại là rất lớn

Nếu lệnh cấm này kéo dài thì doanh nghiệp sẽ không thể "né" giờ cao điểm mãi mà bắt buộc phải lựa chọn lộ trình thay thế là cao tốc TPHCM – Trung Lương. Khi đó sẽ phải chịu phí cao tốc TPHCM – Trung Lương và sắp tới sẽ có thêm trạm thu phí cho dự án xây dựng đường nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Bên cạnh đó đó, Cục Quản lý đường bộ IV (thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải) cho biết đối với các doanh nghiệp nằm trên tuyến cấm mà có xe vận chuyển hàng tươi sống, nông ngư sản chế biến đông lạnh… có đề nghị lưu thông trong giờ cấm, thì Cục này có thể cấp phép lưu hành đặc biệt. Tuy nhiên, để được cấp giấy phép này cần những tiêu chuẩn gì thì Cục IV vẫn chưa công bố.

Bản quyền thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương giai đoạn 1 (5 năm kể từ ngày 1/1/2014) đã được Bộ Giao thông Vận tải bán lại cho Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh với giá 2.004,1 tỷ đồng.

Thông tư số 14/2012 về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ, đường cao tốc TPHCM - Trung Lương của Bộ Tài Chính quy định đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có trọng tải dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải công cộng có mức phí từ 10.000 - 40.000 đồng.

Xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe có trọng tải từ 2 tấn đến dưới 4 tấn có mức phí từ 15.000 - 60.000 đồng. Xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có trọng tải từ 4 tấn đến dưới 10 tấn là 22.000 - 88.000 đồng.

Xe có trọng tải từ 10 tấn đến dưới 18 tấn và xe chở hàng bằng container 20 feet từ 40.000 -160.000 đồng. Xe tải có trọng tải từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 feet có giá vé 80.000-320.000 đồng.

 

Duy Khánh

Cùng chuyên mục
XEM