Cái giá Thổ Nhĩ Kỳ phải trả khi bắn rơi máy bay Nga

30/11/2015 15:54 PM |

Theo nhiều chuyên gia, Thổ Nhĩ Kỳ yếu thế hơn Nga trong cuộc tranh cãi vấn đề máy bay rơi và nước này có khả năng sẽ phải chịu thiệt.

Tình hình căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã leo thang sau khi quân đội chính quyền Ancara bắn rơi máy bay của Nga. Hậu quả là thị trường chứng khoán cũng như tiền tệ của cả 2 nước đang bị biến động mạnh.

Tuy nhiên, có vẻ Thổ Nhĩ Kỳ đang là quốc gia chịu thiệt hại nhiều hơn khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan có phản ứng không khôn ngoan trước những cáo buộc của người đồng cấp Vladimir Putin và những cáo buộc chính trị trong nước đang khiến đồng Lira của nước này giảm giá mạnh.

Trái ngược lại, đồng Rúp Nga lại đang tăng giá từ phiên 24 đến 27/11 nhờ những thông tin tích cực của giá dầu và khả năng Phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt nếu Nga gia nhập liên minh chống Tổ chức IS.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng nhận định rằng tình hình các doanh nghiệp Nga phải chuyển lợi nhuận từ ngoại tệ sang Rúp để nộp thuế cũng là một nguyên nhân khiến đồng tiền này tăng giá.

Bên cạnh đó, động thái bắn hạ máy bay Nga của chính quyền Ankara có thể khiến một số quốc gia thành viên NATO, như Pháp, không hài lòng bởi họ đang muốn xây dựng liên minh với Điện Kremlin nhằm chống lại Tổ chức IS.

Cựu lãnh đạo ủy ban chiến lược Bộ ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, ông Murat Bilhan cho rằng chính quyền Ankara đã nhận được sự hậu thuẫn của NATO trong vụ việc trên. Theo ông Bilhan, Thủ tướng Ahmet Davutoglu đã nhận được sự vỗ tay của toàn thể nghị viện trong bài phát biểu cứng rắn ngày 25/11, qua đó cho thấy lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, chuyên gia Bilhan nhận định Thổ Nhĩ kỳ sẽ phải trả một cái giá đắt dù lời biện minh của họ có là gì đi chăng nữa. Rõ ràng, Nga có nhiều biện pháp để trừng phạt chính quyền Ankara.

Chính quyền Moscow hiện đang tính toán các biện pháp trừng phạt và cấm vận thương mại chắc chắn sẽ bao gồm trong đó.

Năm 2014, Thổ Nhĩ Kỳ đón 4,5 triệu khách du lịch Nga, chiếm 12% trong tổng số khách đến quốc gia này. Tuy nhiên, chính quyền Moscow đã đề nghị công dân Nga hạn chế đến Thổ Nhĩ Kỳ cũng như yêu cầu các hãng du lịch hủy tour đến đây.

Mặc dù vậy, chuyên gia kinh tế trưởng Inan Demir của ngân hàng Finans Bank cho rằng những thiệt hại kinh tế mà Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải chịu là tương đối lớn nhưng vẫn chưa vượt tầm kiểm soát. Nguyên nhân chính là xuất khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ vào Nga đã giảm 53,6% kể từ năm 2014 xuống 5,6 tỷ Euro hiện nay. Số lượng khách du lịch đặt chỗ tới Thổ Nhĩ Lỳ cũng giảm do nền kinh tế Nga đang gặp khó khăn.

Tuy nhiên, ông Demir cũng phải thừa nhận ngành năng lượng là một điểm yếu của Thổ Nhĩ Kỳ khi nước này nhập tới 55% khí đốt từ Nga.

Nhiều chuyên gia nhận định có khả năng chính quyền Moscow sẽ giảm sản lượng cung cấp hoặc thậm chí cắt đứt nguồn cung khí đốt cho Ankara bởi số tiền 10 tỷ USD mà Thổ Nhĩ Kỳ trả cho Gazprom mỗi năm được coi là không quá quan trọng đối với nền kinh tế đã vượt qua được các lệnh trừng phạt của Phương Tây. Hơn nữa, việc hy sinh lợi ích kinh tế cho các lợi ích chiến lược đã từng được Nga thực hiện trước đây.

Hiện nay, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp chủ yếu của Thổ Nhĩ Kỳ là thành phố Istanbul hầu như đang phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn khí đốt từ Nga. Theo ông Demir, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chịu thiệt lớn nếu Nga cắt nguồn cung khí đốt, nhưng như vậy thì chính quyền Moscow cũng sẽ chịu thiệt về kinh tế.

Không chỉ chịu áp lực về kinh tế, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang có nguy cơ bị Nga sử dụng các biện pháp áp chế về quân sự và an ninh.

Ngày 25/11, Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu đã quyết định triển khai hệ thống tên lửa S-400 tại sân bay Khmeimim-Syria có tầm bao phủ đến tận Thổ Nhĩ Kỳ.

Hệ thống S-400 có thể tấn công mục tiêu với khoảng cách tận 400 km và tầm cao lên đến 27km. Điều này đồng nghĩa ít nhất 75% lãnh thổ Syria nằm trong vùng phủ sóng của S-400, cùng với đó là một phần lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ, Li Băng và Đảo Síp.

Thậm chí, hệ thống radar của S-400 còn kinh khủng hơn khi có thể xác định vị trí xa tới 600km và phân biệt được cả những mục tiêu đang di động như xe ô tô hay xe quân sự. Như vậy, Radar của S-400 tại Syria có thể phủ sóng tới tận thủ đô Ankara của Thỗ Nhĩ Kỳ.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM