Cách nào để gà Việt không cần rẻ vẫn cạnh tranh được với gà Mỹ?

04/08/2015 09:19 AM |

Việt Nam nên tập trung vào các sản phẩm mang tính đặc sản như gà thả đồi, gà rừng, lợn mán, lợn cắp nách.

Ảnh Tuổi trẻ.

Theo tính toán của các chuyên gia, sau khi Việt Nam gia nhập TPP, gà sẽ là mặt hàng chịu nhiều tác động tiêu cực nhất trong nhóm động vật sống và nhóm thịt vì giá cao.

Báo cáo nghiên cứu tác động của TPP và AEC lên nền kinh tế Việt Nam của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) chỉ ra rằng, tự do hóa thương mại được giả định sẽ giúp loại bỏ hoàn toàn hàng rào thuế quan và một phần phi thuế quan, từ đó dẫn tới thay đổi trong dòng thương mại giữa các quốc gia.

Theo đó, Việt Nam sẽ có xu hướng giảm nhập khẩu sữa bột từ Mỹ và chuyển sang nhập khẩu từ New Zealand, tăng nhập khẩu trâu bò sống từ Úc và các sản phẩm thịt từ Mỹ. Xét theo phân ngành, thịt gà sẽ là nhóm động vật sống và thịt chịu tác động lớn nhất lên người tiêu dùng/nhà nhập khẩu cũng như người sản xuất/nhà xuất khẩu.

Thời gian qua, dư luận cũng “sốt xình xịch” trước thông tin đùi gà Mỹ chỉ có giá 20.000đ/kg trong khi đó, theo ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), 1kg gia cầm lông trắng được nông dân cung cấp cho Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam cũng có giá lên tới 29.000đ/kg hơi. Do đó việc cạnh tranh về giá trong việc sản xuất chăn nuôi công nghiệp với các nước phát triển như Mỹ có vẻ như là “nhiệm vụ bất khả thi”.

Thịt gà hiện là mặt hàng hiện đang áp dụng mức thuế cao và lượng nhập khẩu mặt hàng này vào Việt Nam lớn hơn so với các mặt hàng khác. Theo thống kê, hiện tại một con gà và trứng gà ở Việt Nam phải “cõng” từ 14 đến 17 loại thuế và phí khác nhau, từ thuế nhập khẩu thức ăn, phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc thú y đến thuế VAT và các loại phí kiểm dịch.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng VEPR.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng VEPR.

Vì vậy, theo tiến sĩ Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng VEPR, để có thể cạnh tranh được với gà Mỹ cũng như các loại thịt có giá cả rẻ hơn từ nước ngoài, Việt Nam nên tập trung vào các sản phẩm mang tính đặc sản như gà thả đồi, gà rừng, lợn mán, lợn cắp nách…

Bên cạnh đó, việc tái cấu trúc ngành chăn nuôi cũng cần hướng ưu tiên vào phân ngành hiện nay và trong tương lai gần ít chịu cạnh tranh gay gắt từ hàng ngoại nhập do thói quen tiêu dùng (người Việt thích dùng thịt tươi hơn thịt đông lạnh), do rào cản thương mại tự nhiên như sữa tươi, trứng… (nhanh hỏng, không để được lâu).

Ngoài ra, ngành chăn nuôi cũng cần tập trung vào nâng cao mô hình chăn nuôi mới công nghệ cao, các hợp tác xã kiểu mới có đủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm hơn là mở rộng chăn nuôi đặc sản tràn lan.

Đồng thời giải quyết tình trạng nhiều loại thuế phí chồng chéo, bất hợp lý làm tăng chi phí sản xuất của nông dân và doanh nghiệp.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành cũng nhấn mạnh yếu tố quan trọng của việc nhanh chóng có quy chuẩn truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm ngành chăn nuôi. Theo đó, cho phép truy xuất được thành phần, ngày sản xuất, vùng nuôi, trại giống… qua các giai đoạn của quá trình sản xuất, chế biến và phân phối. Quy chuẩn về truy xuất nguồn gốc sẽ giúp bảo vệ người tiêu dùng phân biệt hàng thật hàng giả, hàng kém chất lượng và giúp doanh nghiệp kiểm soát quá trình sản xuất.

Thùy Linh

Cùng chuyên mục
XEM