Bộ trưởng Vũ Đức Đam: 'Làm giàu mà dễ như lời dụ dỗ thì có đến lượt mình không?'

30/09/2013 14:47 PM |

'Không thể có món kinh doanh nào đem lại lợi nhuận dễ dàng như các lời quảng cáo'.

Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2013 diễn ra ngày 29/9/2013, các thông tin về nhiều vấn đề dư luận xã hội quan tâm mà báo chí đưa ra đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam trả lời trực tiếp.

Về nội dung Dự thảo nghị định trình Chính phủ quy định cấm hình thức kinh doanh bán hàng đa cấp theo mô hình kim tự tháp và những quy định về ký quỹ, phóng viên Báo Dân trí nêu thắc mắc "trước khi Nghị định ra đời thì Chính phủ đã có những chỉ đạo như thế nào để bảo vệ quyền lợi của người dân và chấn chỉnh hoạt động kinh doanh đa cấp?". Ngoài ra, câu hỏi về vai trò của cơ quan an ninh trong vấn đề này cũng được ra đặt ra dành cho đại diện của Bộ Công an.

Trả lời thắc mắc nêu trên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Đức Đam cho biết, các thắc mắc liên quan đến vai trò của cơ quan an ninh về vấn đề này sẽ được chuyển đến Bộ Công an để trả lời. 

Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định: "Còn Nghị định thì chúng ta đang làm, sẽ ban hành. Tôi xin nói thêm rằng trong cơ chế hiện nay thì DN được làm những gì pháp luật không cấm. Do đó, để cấm một hình thức kinh doanh nào hay điều kiện cho hình thức kinh doanh nào thì phải có văn bản pháp luật, và hiện nay chúng ta đang làm Nghị định đó."

Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết thêm: "Còn trong lúc chưa có thì Chính phủ xử lý thế nào? Những ai lợi dụng, làm trái pháp luật mà gây tổn hại đến lợi ích chính đáng của người khác thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thái độ của Chính phủ là làm rất nghiêm vấn đề này, không bao che, yêu cầu các cơ quan làm nghiêm."

Đối với vai trò của báo chí, Bộ trưởng Đam cũng nhắn gửi: "Các nhà báo là phải tuyên truyền để làm sao người dân hiểu đúng. Không thể có một món kinh doanh nào mà đem lại lợi nhuận dễ dàng như các lời quảng cáo. Nếu mà làm giàu dễ như vậy thì làm gì đến lượt mình. Chúng ta phải tuyên truyền để nhân dân hiểu."

Dự thảo Nghị định quản lý hoạt động bán hàng đa cấp

Đầu tháng 9 vừa qua, Bộ Công Thương đã soạn thảo dự thảo Nghị định quản lý hoạt động bán hàng đa cấp; trong đó có nhiều quy định mới nhằm nâng cao hiệu quả quản lý giám sát của cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp, đồng thời bảo vệ người tham gia bán hàng đa cấp trước các hành vi lừa đảo, trục lợi.

Theo đó, dự thảo có một số điểm mới cơ bản so với quy định hiện hành như: Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp sẽ được giao cho Bộ Công Thương thay vì các Sở như quy định trước đây. Đồng thời, dự thảo bổ sung quy định về thời hạn có hiệu lực của giấy chứng nhận đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp, theo đó, giấy chứng nhận cấp lần đầu có thời hạn 5 năm, sau đó doanh nghiệp được gia hạn nhiều lần, mỗi lần 5 năm. 

Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung quy định yêu cầu doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải có vốn pháp định là 10 tỷ đồng. 

Doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải ký quỹ 5 tỷ đồng tại một ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính, so với mức tối đa 1 tỷ đồng theo quy định trước đây. 

Dự thảo quy định, doanh nghiệp bán hàng đa cấp chỉ được phép tạm ngừng hoạt động không quá 12 tháng. Quá thời hạn này, doanh nghiệp sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp. 

Một số hành vi bị cấm trong hoạt động bán hàng đa cấp cũng được nêu trong dự thảo.

Cụ thể, doanh nghiệp bán hàng đa cấp không được yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; không được yêu cầu người muốn tham gia phải mua một số lượng hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; kinh doanh theo mô hình kim tự tháp...

Mô hình kim tự tháp là mô hình được xây dựng theo phương thức kinh doanh đa cấp, trong đó thu nhập của người tham gia chủ yếu xuất phát từ một trong những hoạt động sau:

a) Tuyển dụng người tham gia mới.

b) Gia hạn hợp đồng của người đã tham gia.

c) Phân chia các khoản phí hoặc tiền đặt cọc hoặc khoản đầu tư của người tham gia trong mạng lưới. 

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM