Bộ trưởng Cao Đức Phát: Trồng mắc ca, giá thành sản xuất chỉ 30.000 đồng/kg mới bền vững

01/06/2015 13:49 PM |

“Bà con chỉ nên trồng ở những nơi mà giá thành sản xuất phải dưới 30.000 VNĐ/kg quả khô thì mới đảm bảo khả năng phát triển bền vững về lâu dài” – Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát.

“Sau 20 năm theo dõi, chúng tôi có thể khẳng định nước ta có thể trồng cây macca ở nhiều vùng, đặc biệt là ở Tây Nguyên và Tây Bắc. Tuy nhiên, việc phát triển cây macca phải tuân thủ các quy trình rất chặt chẽ về mặt kỹ thuật, đặc biệt là về giống”, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho biết trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" tối 31/5.

Bộ trưởng Phát cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã khảo nghiệm và công nhận khoảng 10 giống, đồng thời khuyến cáo bà con nông dân chỉ trồng cây mắc ca đã khảo nghiệm và khẳng định trồng có hiệu quả cao hoặc có điều kiện tương tự. Người dân cần tuân thủ quy trình hướng dẫn của Bộ, sử dụng cây ghép bằng những giống mà Bộ đã khảo nghiệm và công nhận.

Đối với câu hỏi Việt Nam nên trồng trên diện tích bao nhiêu, Bộ trưởng cho biết, sau khi cân nhắc các mặt về điều kiện tự nhiên, khả năng chuẩn bị giống, thị trường, Bộ đề nghị trước mắt đến năm 2020 nước ta phát triển khoảng 10.000 ha.

“Mặt khác, bà con chỉ nên trồng ở những nơi mà giá thành sản xuất phải dưới 30.000 VNĐ/kg quả khô thì mới đảm bảo khả năng phát triển bền vững về lâu dài”, Bộ trưởng Phát nói.

Hiện giá thành mắc ca trên thị trường dao động ở mức 200.000  đồng – hơn 1 triệu đồng/kg tùy loại.

Trồng nghìn tấn, “đi” Mỹ vài tấn, quả vải có nguy cơ ùn ứ ở cửa khẩu?

Tại chương trình, một nông dân trồng vải ở Bắc Giang chia sẻ băn khoăn chỉ còn hơn chục ngày nữa là đến vụ chính của quả vải. Gia đình ông và hàng trăm hộ đã phải tuân thủ các điều kiện trồng ngặt nghèo để được nằm trong diện 1.000 tấn vải đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn để xuất khẩu sang Mỹ và Australia.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, ông băn khoăn vì sản lượng của các hộ đến cả nghìn tấn nhưng số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đến làm việc chỉ có một vài doanh nghiệp.

“Liệu quả vải của chúng tôi có thực hiện được giấc mơ đến Mỹ, Australia hay không hay sẽ lại chịu cảnh ùn ứ tại cửa khẩu như những năm trước đây?”, nông dân này băn khoăn.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Tin vui là vào ngày 30/5 và 1/6 vừa qua, đã có 2 công ty đưa những lô hàng đầu tiên sang những thị trường này.

Một trong hai công ty được Bộ trưởng nhắc tới là Công ty TNHH MTV Ánh Dương Sao (TPHCM), nhưng số lượng vải thiều thu mua ở Lục Ngạn (Bắc Giang) để xuất sang Mỹ mới dừng lại ở mức vô cùng khiêm tốn, chỉ 2,1 tấn vải thiều.

Bộ trưởng Phát cho biết: Những thị trường này có yêu cầu chất lượng rất cao, đồng thời chi phí bảo quản, vận tải cũng cao, nên ở giai đoạn đầu cũng còn một số khó khăn nhất định và cần thời gian để doanh nghiệp tiếp cận, tìm hiểu để xuất khẩu hàng nông sản sang các thị trường này.

“Hiện nay, Bộ NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao làm việc với các nước để khơi thông về mặt thủ tục pháp lý, tạo điều kiện cho các loại rau quả của nước ta bán được sang các thị trường nước ngoài nhiều hơn”, Bộ trưởng nói.

“Ngoài ra, chúng tôi cũng làm việc trực tiếp với các nước để thống nhất những thủ tục có liên quan đến kiểm dịch thực vật, quản lý chất lượng và liên tục làm việc với các DN xuất khẩu để lắng nghe các ý kiến, những khó khăn vướng mắc để giải quyết”.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM