Bỏ qua Thái Lan, Hàn Quốc chọn Việt Nam là môi trường đầu tư hàng đầu ASEAN

15/12/2015 11:47 AM |

Doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá Philippines là đất nước “hưởng thụ”, Lào thì quy mô thị trường quá nhỏ, Myanmar hạ tầng giao thông chưa phát triển, còn Thái Lan là thị trường du lịch trọng điểm hơn là địa điểm đầu tư. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia "mở" nhất khu vực ASEAN.

Theo báo cáo Xu hướng đầu tư ra nước ngoài của Hàn Quốc của Cục Đầu tư Nước ngoài, khu vực ASEAN là khu vực quan trọng thứ 3 về đầu tư ra nước ngoài của Hàn Quốc sau Trung Quốc và Hoa Kỳ với số vốn đăng ký đầu tư lũy kế đạt khoảng 71,422 tỷ USD (chiếm 17,1% tổng vốn FDI).

Về đối tác đầu tư, Hàn Quốc tập trung vào các quốc gia như Trung Quốc với tổng vốn đăng ký đạt 86,9 tỷ USD (bao gồm Hong Kong), Hoa Kỳ (83 tỷ USD), Việt Nam (20,635 tỷ USD), Úc (17,38 tỷ USD), Hà Lan (15,26 tỷ USD), Cayman Island (14,83 tỷ USD), Canada (13,91 tỷ USD), Indonesia (12,92 tỷ USD), Anh Quốc (12,5 tỷ USD), Malaysia (11 tỷ USD).

Theo Cục Đầu tư Nước ngoài, chính phủ Hàn Quốc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam, coi Việt Nam là một địa bàn đầu tư chiến lược. Tất cả các công ty lớn của Hàn Quốc có trong danh sách FORTUNE 500 đều đã có các dự án đầu tư hoặc hoạt động kinh doanh tại Việt Nam như: Samsung, LG, GS, POSCO, Hyundai, KEPCO, SK ...

Trong số các nước ASEAN có thu nhập dưới 10.000 USD, doanh nghiệp Hàn Quốc thường so sánh Việt Nam với Indonesia, Myanmar và Campuchia về cơ hội và môi trường đầu tư.

Tuy nhiên, mặc dù đánh giá cao tiềm năng về dài hạn của Myanmar, Hàn Quốc cho rằng đây chỉ là thị trường mới nổi có hệ thống hạ tầng giao thông, năng lượng, thông tin, xã hội còn rất kém phát triển. Theo đó, chi phí đầu tư và quản lý doanh nghiệp sẽ cao, không cạnh tranh so với các nước lân cận khi phải nhập nguyên liệu đầu vào do chưa có hệ thống cluster, mặc dù chi phí lao động tương đối thấp và được đánh giá là chăm chỉ.

Indonesia được đánh giá là thị trường tiêu thụ lớn với hệ thống luật tốt, tuy nhiên, việc thực thi kém, tham nhũng diễn ra phổ biến, tính cục bộ về chính trị phức tạp, nên việc đầu tư - kinh doanh gặp nhiều khó khăn.

Sau khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã rút khỏi Thái Lan. Theo đó, hiện Thái Lan được đánh giá là thị trường du lịch trọng điểm hơn là địa điểm đầu tư (1,3 triệu lượt người du lịch Thái Lan năm 2014, gấp 1,5 lần Việt Nam).

Campuchia có thị trường nội địa khá nhỏ, hệ thống pháp luật phức tạp, hệ thống lobby và tham nhũng phổ biến, người lao động không cần cù bằng các nước xung quanh, hạ tầng kém phát triển nên khó trở thành một Trục (Axis) thu hút dòng vốn đầu tư lớn.

Philippines có thị trường lớn, Hàn Kiều ở đây cũng đông nhất khu vực ASEAN (khoảng 30 vạn, gấp 2 lần Việt Nam), tuy nhiên, doanh nghiệp Hàn Quốc nói chung đánh giá Philippines là đất nước “hưởng thụ”, khó vượt qua ngưỡng phát triển trung bình.

Đối với Lào, môi trường đầu tư được đánh giá có cải thiện tốt thời gian qua, tuy nhiên, do quy mô thị trường quá nhỏ, sức mua yếu, hạ tầng kém phát triển, là quốc gia không có biển nên tiềm năng đầu tư hạn chế.

Trong khi đó, Hàn Quốc đánh giá Việt Nam là quốc gia đang phát triển “mở” nhất khu vực ASEAN với tiềm năng trở thành thành viên của TPP, Hiệp định Việt Nam - EU trong thời gian tới. Nếu việc đàm phán Hiệp định TPP thành công, Việt Nam là quốc gia ASEAN (không phải đảo quốc) duy nhất cùng tham gia TPP và có Hiệp định FTA với EU.

Đặc biệt khi hai nước đã ký kết Hiệp định Thương mại song phương vào tháng 5/2015, việc thực hiện hiệp định này chắc chắn sẽ đưa đến những hợp tác về thương mại và đầu tư có chất lượng hơn, có chiều sâu hơn, ví dụ như những cam kết của Việt Nam về các dịch vụ và các hoạt động đầu tư đối với các công ty Hàn Quốc trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA).

8 ưu thế của Việt Nam

Theo các doanh nghiệp Hàn Quốc, Việt Nam có một số ưu thế về:

- Nguồn lao động cạnh tranh, chi phí nhân công rẻ, được đánh giá là cần cù - một cách tương đối so với các nước trong khu vực, văn hóa tương đồng.

- Tốc độ tăng trường kinh tế ổn định, khá cao. Năm 2015, dự kiến thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt trên 2.200 USD/người (tính theo sức mua PPP đạt khoảng 5,600 USD), quy mô nền kinh tế đạt 204 tỉ USD.

- Thị trường tiêu thụ tiềm năng, có nhiều điểm tương đồng với các sản phẩm Hàn Quốc và tương đối mở, dễ tiếp cận, thân thiện, có thiện cảm với các sản phẩm Hàn Quốc.

- Ổn định chính trị và quan hệ chính trị, văn hóa giữa 2 nước liên tục phát triển;

- Vị trí địa lý thuận lợi;

- Chính sách ưu đãi tương đối cạnh tranh (Thuế thu nhập doanh nghiệp khá thấp so với các nước trong khu vực).

- Việt Nam - Hàn Quốc đã thiết lập Quan hệ đối tác chiến lược. Việt Nam là nước thụ hưởng viện trợ không hoàn lại và vay tín dụng lớn nhất của Hàn Quốc. Trong đó, Việt Nam tiếp nhận 20% tổng giá trị cho vay tín dụng ưu đãi trong Chương trình Cho vay Song phương (EDCF), gấp đôi nước đứng thứ 2. Quan hệ hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ ngày càng gia tăng trong những năm tới cùng với sự gia tăng quy mô kim ngạch thương mại song phương.

- Ngoài ra, trong 10 năm qua, Hàn Quốc đánh giá Việt Nam đã cơ bản xây dựng được hạ tầng Cluster để phát triển một số ngành công nghiệp theo chuỗi sản phẩm như công nghiệp điện, điện tử, dệt may ...

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM