Bộ Công Thương: Nông thủy sản là thế mạnh nhưng sẽ sớm mất dần lợi thế

23/12/2015 19:02 PM |

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, nông lâm thủy sản đang có thế mạnh, song về trung và dài hạn thì những mặt hàng này sẽ mất dần lợi thế trong sản xuất và kinh doanh. Vì vậy, thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho các mặt hàng là yêu cầu tất yếu.

Tại Tọa đàm Xuất nhập khẩu năm 2015 do Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương thực hiện, ông Trần Tuấn Anh cho biết, năm nay các sản phẩm ưu thế của Việt Nam, bao gồm nông thủy sản giảm kim ngạch nhưng vẫn hoàn thành mục tiêu xuất khẩu cả năm.

Năm 2015 là một năm khó khăn đối với xuất khẩu Việt Nam. Việc kinh tế thế giới phục hồi chậm cùng cuộc chạy đua phá giá đồng tiền nổ ra khiến Việt Nam vấp phải sức cạnh tranh rất lớn. Tại Indonesia, đồng nội tế quốc gia này đã ở mức thấp nhất kể từ khủng hoảng kinh tế năm 1998.

Mặc dù vậy, theo ông Tuấn Anh, xuất khẩu 11 tháng 2015 của Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 9%. Tình trạng nhập siêu cũng được kiểm soát. Dự kiến trong tháng 12, hoạt động xuất khẩu tiếp tục được cải thiện.

"Các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam giảm kim ngạch xuất khẩu nhưng mục tiêu xuất khẩu năm 2015 hoàn toàn đạt được chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra và kiểm soát nhập siêu ở mức 5%", ông Tuấn Anh cho biết.

Nhóm ngành có thế mạnh mà ông Tuấn Anh nói đến, là những sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam. Đây là những mặt hàng chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu của nước ta.

Tuy nhiên, những tranh chấp thương mại của các nước như các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp trong nông sản, thủy sản… gây khó khăn lớn cho việc phát triển thị trường ,đặc biệt tại các thị trường trọng điểm như EU, Mỹ.

Ở chiều ngược lại, nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo có sự tăng trưởng vượt bậc, là những mặt hàng tập trung phát triển để đóng góp mục tiêu kế hoạch cả năm.

Cùng với việc ký kết hàng loạt các hiệp định Tự do thương mại (FTA) trong năm nay, ông Tuấn Anh cho rằng, nông lâm thủy sản đang có thế mạnh, song về trung và dài hạn thì những mặt hàng này sẽ mất dần lợi thế trong sản xuất và kinh doanh.

"Chúng ta có định hướng mô hình tăng trưởng và nâng cao hiệu quả sản xuất và thương mại đặc biệt là theo hướng bền vững, lâu dài. Vì vậy, thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho các mặt hàng là yêu cầu tất yếu", ông chía sẻ.

Việc tỉ trọng xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo gia tăng là phù hợp với những gì mà chính sách đã đề ra. Với những ngành hàng đang có thế mạnh, để tiếp tục duy trì năng lực cạnh tranh, việc tái cơ cấu ngành sản xuất là điều cần thiết. Nếu không tái cơ cấu, Việt Nam không thể đi sâu vào những thị trường khó tính vừa ký FTA như EU, Mỹ, Nhật Bản.

"Mục tiêu ưu tiên trong năm 2016 là tập trung khai thác cơ hội thị trường, đặc biệt từ các FTA đã tham gia, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, giúp hàng hóa Việt Nam có năng lực cạnh tranh cao hơn và thâm nhập vào các thị trường tốt hơn", ông Tuấn Anh cho biết.

Hoàng Vân

Cùng chuyên mục
XEM