Biện pháp đối phó nào cho ngành cà phê Việt Nam trước biến đổi khí hậu? (P2)

13/01/2015 10:00 AM |

Phần 1: Biến đổi khí hậu sẽ làm giảm 50% diện tích trồng cà phê trên toàn thế giới

Là một quốc gia được nhận định là dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, Việt Nam sẽ phải đặt ra các chính sách để đối phó và giải quyết tình hình theo hướng tốt hơn để đảm bảo việc phát triển bền vững cho ngành sản xuất cà phê.

Nhìn chung, các chính sách để đối mặt với biến đổi khí hậu thường được nhìn nhận ở hai cách tiếp cận chủ yếu là giảm thiểu tác động thích ứng.

Các chính sách giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu bao gồm các hoạt động nhằm làm giảm lượng phát thải khí CO2 và các khí thải khác gây nên hiện tượng nhà kính. Tuy nhiên, các giải pháp giảm thiểu thường mang tính rộng lớn cho tất cả các quốc gia, cho tất cả người dân, và cho tất cả khu vực sản xuất trong nền kinh tế. Để thực hiện các giải pháp này đòi hỏi sự hợp tác từ nhiều chủ thể, nhiều quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, trên thực tế các giải pháp thích ứng được xem là phù hợp hơn đối với phạm vi vi mô trong nền kinh tế như trong các ngành sản xuất. Do vậy, đối phó với biến đổi khí hậu, ngành sản xuất cà phê Việt Nam cần phải tập trung vào các giải pháp thích ứng để đạt kết quả tốt nhất có thể.

Các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu là việc thay đổi hành vi của các chủ thể để họ có thể “sống tốt” hơn trong điều kiện không thay đổi của biến đổi khí hậu.

Người nông dân và các doanh nghiệp sản xuất cà phê ở Việt Nam cần có những giải pháp thích ứng phù hợp để có thể duy trì và phát triển được vị thế của mình trong điều kiện của biến đổi khí hậu là điều cần được quan tâm hiện nay. Cải thiện kỹ thuật nông nghiệp rõ ràng là một yếu tố quan trọng để đối phó với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay.

1. Nước tưới và che bóng chống nóng

Đối với diện tích cà phê Robusta được trồng tập trung ở Tây Nguyên là vùng đã ở độ cao cả về vĩ độ và độ cao trên mực nước biển cho nên để đối phó với biến đổi khí hậu cần tập trung vào kỹ thuật trồng trọt và chăm sóc.

Đặc biệt là vấn đề nước tưới cho cây cà phê cần được tập trung khi mà nóng lên toàn cầu sẽ làm giảm lượng nước tưới tiêu, đặc biệt là vào mùa khô. Cải thiện hệ thống tưới tiêu theo hướng hiệu quả và không lãng phí tài nguyên nước và thực hiện các biện pháp hỗ trợ là rất quan trọng. Xây dựng các hồ chứa nước để trữ nước vào mùa mưa cho việc tưới tiêu vào mùa khô là một giải pháp thích ứng quan trọng.

Bên cạnh đó, người nông dân cần phải quan tâm đến các biện pháp trồng cây che bóng cho cây cà phê, kết hợp bón phân, trồng các loại cây phủ đất và phủ gốc nhằm giảm thiểu tối đa tác động của việc khí hậu nóng lên. Ngoài ra, người nông dân cũng cần chú ý thường xuyên tỉa cành để cây cà phê phát triển hợp lý tránh tiêu hao quá nhiều dưỡng chất và nước mà tập trung phát triển hoa và quả.

2. Giống mới chịu hạn

Duy trì nguồn nước tưới trong mùa khô hạn là ưu tiên hàng đầu đầy thử thách cho việc ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành cà phê ở Việt Nam. Trong bối cảnh sự khan hiếm của nguồn nước ngày càng gia tăng thì rất cần áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ để nghiên cứu cho ra đời những giống cà phê chịu được hạn hán.

3. Liên kết nhà khoa học - nhà nông

Khi diện tích cà phê suy giảm, muốn duy trì vị thế của mình ngành cà phê Việt Nam cần phải tập trung các giải pháp nâng cao năng suất. Người nông dân sản xuất cà phê cần được trang bị tốt hơn các kiến thức khoa học để canh tác có hiệu quả và nâng cao năng suất của cà phê. Các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học cần được chuyển giao đến nhà sản xuất cà phê để việc ứng dụng nhanh chóng hơn. Do vậy, sự liên kết của nhà khoa học nông nghiệp với người nông dân sản xuất cà phê đóng vai trò rất quan trọng để ứng phó với biến đổi khí hậu.

4. Chính sách của Chính phủ

Bên cạnh đó, chính sách của chính phủ nhằm tạo sự hỗ trợ cho ngành sản xuất cà phê là rất quan trọng. Các chương trình chi vay tín dụng để người nông dân trồng cà phê có thêm nguồn lực cho việc thực thi các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu là một ví dụ quan trọng.

Chính phủ cũng cần khuyến khích sự tham gia hợp tác của các nhà sản xuất trong nước để chia sẻ các kinh nghiệm, và giải pháp thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu của ngành cà phê. Chính sách của chính phủ cần tập trung để xây dựng thành công một chuỗi giá trị cho ngành sản xuất cà phê Việt Nam và trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị cà phê toàn cầu là giải pháp lâu dài để nâng cao vị thế ngành cà phê Việt Nam.

Đây là một chiến lược cần đạt được để tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm cà phê Việt Nam trên thế giới. Do đó, vai trò liên kết của người sản xuất và các doanh nghiệp phân phối cần được quan tâm dưới các chính sách khuyến khích của chính phủ.

5. Chọn cây trồng thay thế

Ngoài ra cũng cần đề cập rằng trong hoàn cảnh xấu nhất, ở một số vùng thấp và khô hạn có thể phải bỏ cây cà phê, thì các giải pháp thay những cây trồng thích hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn như cây cao su hay điều cần được thực thi. Các chính sách về chuyển đổi canh tác tại các khu vực như vậy cũng cần được quan tâm từ phía chính phủ để đảm bảo an sinh xã hội.

Ngành sản xuất cà phê của Việt Nam trong nhiều năm qua đã có nhiều đóng góp vào tăng trưởng kinh tế ở khu vực nông nghiệp với sản lượng xuất khẩu hàng đầu thế giới. Tuy nhiên biến đổi đang và sẽ thách thức nghiêm trọng vị thế này của ngành. Việc đưa ra các giải pháp thích ứng phù hợp được được xem là cần thiết để có lợi nhất cho hoạt động sản xuất, từ đó đảm bảo việc phát triển bền vững cho ngành cà phê Việt Nam.

Phương Huỳnh

Phương Huỳnh

Cùng chuyên mục
XEM