Biến đổi khí hậu sẽ làm giảm 50% diện tích trồng cà phê trên toàn thế giới (P1)

12/01/2015 10:00 AM |

Ngành cà phê Việt Nam được xem là gặp bất lợi lớn từ biến đổi khí hậu.

Việt Nam hiện đang là một trong số các quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu cà phê. Theo thống kê của Tổ chức Cà phê Quốc tế (International Coffee Organization) trong nhiều năm vừa qua sản lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam liên tục đứng ở vị trí thứ hai, chỉ sau Brazil.

Sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam qua các mùa vụ 2010-2011, 2011-2012, 2012-2013, và 2013-2014 lần lượt chiếm khoảng 14,6%, 17,9%, 15,2%, và 22,1% tổng sản lượng xuất khẩu của toàn thế giới. Trong số đó, loại cà phê chủ lực của Việt Nam là Robusta. Tuy nhiên, Việt Nam cũng như các nước sản xuất và xuất khẩu cà phê hiện đang và sẽ gặp nhiều thử thách nghiêm trọng để duy trì sản lượng và vị thế của mình bởi biến đổi khí hậu.

Hội đồng Nghị sự Toàn cầu (Global Agenda Councils), thuộc Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum) vừa công bố báo cáo “Toàn cảnh về Nghị sự toàn cầu năm 2015” đã đưa ra “10 xu hướng nổi bật nhất” của nền kinh tế thế giới trong năm 2015. Trong đó, diễn biến phức tạp và đe dọa của biến đổi khí hậu là một trong những xu hướng rõ nét nhất cho nền kinh tế thế giới trong năm 2015 và cả những năm tiếp theo. Ngành sản xuất cà phê ở Việt Nam đang đứng trước những thách thức rất lớn.

Biến đổi khí hậu đe dọa trực tiếp đến diện tích trồng cà phê trên thế giới

Một nghiên cứu mới của Giáo sư Bunn (Đại học Humboldt, CHLB Đức) và các cộng sự vừa được xuất bản trên tạp chí Climatic Change vào tháng 12 năm 2014, bằng các mô hình nghiên cứu đã xem xét việc biến đổi khí hậu sẽ định hình nhiệt độ và lượng mưa ở các vùng trồng cà phê trên thế giới ra sao.

Nghiên cứu này đã kết luận rằng đến năm 2050 diện tích phù hợp để canh tác cà phê (chủ yếu là hai loại cà phê Arabica và Robusta) được dự báo sẽ giảm đi khoảng 50% trên phạm vi toàn thế giới bởi biến đổi khí hậu thông qua việc thay đổi nhiệt độ, và lượng nước mưa hàng năm.

Chiếm 99% về sản lượng và giá trị kinh tế thương mại hiện nay trên thế giới Arabica và Robusta cũng là những giống cà phê chịu nhiều ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu.

Các khu vực sản xuất cà phê trên thế giới: Màu đỏ là nơi sản xuất cà phê Arabica, và màu xanh là vùng sản xuất cà phê Robusta. Việt Nam được xem là nơi sản xuất cà phê Robusta lớn trên thế giới. (Nguồn: hình ảnh từ nghiên cứu).

Tác động của biến đổi khí hậu nhìn chung là sẽ làm giảm diện tích canh tác cà phê trên thế giới đến khoảng 50% đến 2050. Tuy nhiên, tác động đó cụ thể lại có hai hướng khác nhau.

Đối với các vùng đất nhiệt đới nóng ẩm rất có các điều kiện về khí hậu, và thổ nhưỡng phù hợp cho sản xuất cà phê như lâu nay sẽ bị tác động tiêu cực. Sự nóng lên toàn cầu làm cho các khu vực này trở nên không còn là nơi “lý tưởng” cho canh tác cà phê nữa. Việc thiếu nước tưới, và sự thay đổi thời tiết bất thường sẽ khiến năng suất cà phê kém đi.

Trong khi đó, các vùng đất “lạnh” trước đây thì sẽ được hưởng lợi khi nhiệt độ tăng lên. Nắng ấm nhiều hơn có thể làm cho các vùng đất này trở nên thích hợp hơn cho việc trồng cà phê trong tương lai.

Bản đồ dưới đây cho thấy các khu vực như Brazil, châu Phi và Việt Nam là những vùng chịu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Diện tích đất thích hợp cho phát triển ngành sản xuất cà phê sẽ giảm đi đáng kể trong thời gian tới. Trong khi đó, một số khu vực khác ở Đông Phi và châu Á có thể trở nên phù hợp hơn với việc trồng cà phê.

 

Các khu vực chịu tác động và mức động tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất cà phê trên thế giới. (Nguồn: Hình ảnh từ nghiên cứu). (Xanh dương thẫm: Ảnh hưởng tích cực; Trắng: Không thay đổi; Cam: Ảnh hưởng tiêu cực).

Các khu vực chịu tác động và mức động tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất cà phê trên thế giới. (Nguồn: Hình ảnh từ nghiên cứu). (Xanh dương thẫm: Ảnh hưởng tích cực; Trắng: Không thay đổi; Cam: Ảnh hưởng tiêu cực).

Như vậy, ngành sản xuất cà phê Việt Nam được xem là gặp bất lợi lớn từ biến đổi khí hậu khi diện tích sản xuất cà phê giảm và đồng thời sẽ phải đối diện với áp lực cạnh tranh cao hơn từ các quốc gia khác có điều kiện thuận lợi hơn do “dịch chuyển” vùng đất phù hợp cho trồng cà phê.

Còn tiếp phần 2: Biện pháp đối phó nào cho ngành cà phê Việt Nam?

>> Biến đổi khí hậu làm tăng tỷ lệ sinh con gái?

Phương Huỳnh

Phương Huỳnh

Cùng chuyên mục
XEM