Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải: Đường vừa mở xong đã quá tải

07/03/2016 20:19 PM |

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh vấn đề hạ tầng giao thông ở Thủ đô hiện nay không còn dừng ở bất cập mà đang ở mức báo động khi mà nhiều dự án giao thông vừa hoàn thành đã rơi vào tình trạng quá tải.

Chính vì vậy, theo ông Hoàng Trung Hải, Hà Nội cần phải nỗ lực, có giải pháp đặc biệt, đặc thù hơn nữa thì mới giải quyết được. Bên cạnh việc mở rộng hạ tầng giao thông, công tác quản lý Nhà nước cũng phải được điều chỉnh hiệu quả hơn.

Ngày 7/3, phát biểu tại cuộc họp với Bộ Giao thông Vận tải triển khai công tác quản lý về giao thông vận tải, phát triển kết cấu hạ tầng, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2016-2020, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp chặt chẽ với thành phố Hà Nội trong việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, hoàn thành nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng như hệ thống đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, Hà Nội-Lào Cai, Hà Nội-Thái Nguyên; các tuyến đường vành đai như vành đai 3 trên cao; nhà ga T2 Sân bay quốc tế Nội Bài, cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, thành phố cũng đã tập trung kết nối được đường vành đai II, đặc biệt là đầu tư các cầu vượt, các hầm chui, nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực giao thông, giảm thiểu ùn tắc giao thông, cải thiện bộ mặt hạ tầng đô thị, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh của Thủ đô, tạo điều kiện phát triển chung cho vùng Thủ đô và khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc.

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhìn nhận hạ tầng giao thông của Thủ đô Hà Nội nói riêng và vùng Thủ đô vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thực sự đáp ứng nhu cầu phát triển.

Các tuyến đường vành đai 1, 2, 3, các trục hướng tâm và các tuyến phố chính đô thị đều chưa kết nối hoàn chỉnh; các tuyến vành đai 4, 5 chưa được đầu tư xây dựng.

Hệ thống vận tải hành khách công cộng đặc biệt là các tuyến đường sắt đô thị triển khai còn chậm. Trong khi đó, phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh dẫn đến ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông vẫn có nguy cơ tăng cao trở lại.

Công tác quản lý, điều độ, điều chỉnh hạ tầng giao thông cũng chưa tốt, việc nâng cao tránh nhiệm và văn hóa giao thông của người dân cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, tốc độ phát triển phương tiện giao thông cá nhân cũng như dân số tiếp tục tăng nhanh, gây sức ép lớn lên hạ tầng giao thông đô thị.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đề nghị Bộ Giao thông Vận tải phối hợp cùng thành phố Hà Nội chủ động triển khai quy hoạch giao thông vận tải thành phố Hà Nội và quy hoạch chung vùng Thủ đô, chuẩn bị thực hiện ngay khi quy hoạch được phê duyệt.

Cụ thể, sớm thuê đơn vị tư vấn trong và ngoài nước có năng lực và kinh nghiệm tiếp tục nghiên cứu để triển khai các quy hoạch chi tiết chuyên ngành như quy hoạch vận tải hành khách công cộng, vận tải thủy, đường sắt đô thị đảm bảo phát triển kết cấu hạ tầng đô thị trên địa bàn Thủ đô đồng bộ, hiện đại theo đúng Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố Hà Nội - một trong ba khâu đột phá của thành phố.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục phối hợp với Hà Nội trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông khung của Hà Nội gồm các tuyến đường vành đai; hệ thống cầu, hầm vượt sông; hệ thống đường cao tốc; hệ thống đường hướng tâm; hệ thống đường trục chính đô thị theo quy hoạch để hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng trước năm 2030 bằng các nguồn lực từ ngân sách trung ương và thành phố, nguồn vốn ODA, đối tác công tư PPP (BT, BOT…) và khuyến khích các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư, mở rộng đầu tư các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội; trong đó, có sự phân chia rõ trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải với thành phố Hà Nội nhằm chủ động, tích cực trong triển khai thực hiện.

Để làm được khối lượng công việc này, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội cần có các cơ chế, chính sách huy động vốn đầu tư bằng các hình thức đa dạng đối với các công trình kết cấu hạ tầng giao thông khung, đặc biệt là các công trình đường sắt đô thị; phấn đấu triển khai sớm các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 bằng các cơ chế đặc thù; trong đó có việc khai thác, sử dụng quỹ đất tại các nhà ga đường sắt để tạo nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.

Về phía Hà Nội cần phải xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Bộ trong công tác giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện có hiệu quả, đảm bảo tiến độ, chất lượng các công trình do Bộ Giao thông Vận tải đầu tư trên địa bàn thành phố; định kỳ làm việc với lãnh đạo Bộ để kiểm điểm, đánh giá công tác phối hợp triển khai thực hiện.

Đề cập đến những vấn đề vướng mắc của Hà Nội như hiện nay như tốc độ phát triển phương tiện giao thông cá nhân, sự gia tăng dân số, tỷ lệ đất dành cho giao thông, đặc biệt là giao thông tĩnh còn thấp gây sức ép lên hạ tầng giao thông đô thị..., Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải yêu cầu Hà Nội cần phải có sự nỗ lực, giải pháp đặc biệt, đặc thù hơn nữa mới có thể giải quyết được tình trạng này sớm nhất.

Ngoài ra, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng lưu ý Hà Nội cần tập trung làm tốt, xử lý nghiêm vấn đề vệ sinh môi trường, ô nhiễm của các phương tiện giao thông, vệ sinh đường phố, trật tự an toàn các bến xe bến tàu... tạo bộ mặt mới thực sự văn minh, thanh lịch cho Thủ đô.

Đây cũng sẽ là những vấn đề được Bộ Giao thông Vận tải và thành phố Hà Nội phối hợp triển khai trong đề án quản lý giao thông Hà Nội trong thời gian tới.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường đã nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được trong lĩnh vực đầu tư cũng như quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án giao thông trên đường bộ thì không ít dự án trên địa bàn Thủ đô còn gặp nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng cũng như vốn để triển khai dự án, điển hình như dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông, Hòa Lạc-Hòa Bình; Pháp Vân-Cầu Giẽ giai đoạn 2… đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ của dự án cũng như đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tránh ùn tắc tại khu vực nội đô.

Đối với những dự án đang gặp khó khăn trong việc bố trí vốn và giải ngân cho nhà thầu phụ như dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Chính phủ xem xét cho các dự án ứng tiền của mình để thực hiện dự án và Nhà nước sẽ trả sau, hoặc Nhà nước bố trí các nguồn vốn khác để triển khai dự án theo đúng tiến độ đề ra…

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng đã đề nghị Hà Nội cần khẩn trương thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…

Ông Vũ Văn Viện – Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, hiện Sở Giao thông Vận tải đã làm việc với Viện Chiến lược phát triển giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) để đưa ra những phương án hạn chế phương tiện cá nhân.

Theo dự kiến, trong tháng Ba, các đơn vị có liên quan sẽ có văn bản xin ý kiến của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, nếu được thông qua, trong tháng Tư Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ có văn bản gửi Thành ủy Hà Nội xin ý kiến chỉ đạo.

Theo Tuyết Mai

Cùng chuyên mục
XEM