Bí mật vương quốc tiền giả Peru

14/10/2013 09:52 AM |

Trong khi kinh tế suy giảm, nạn thất nghiệp gia tăng thì Peru lại trở thành "đất thánh" cho nạn tiền giả

Nội dung nổi bật:

- Peru được lựa chọn vì: Chính quyền Colombia tăng cường chống tiền giả, Peru gần Mỹ, lại là nơi có lịch sử tội phạm phát triển, nhất là tội phạm ma túy, đối với loại tội phạm liên quan đến tiền giả, luật pháp Peru lại tương đối "nhân từ".

- Vận chuyển tiền giả vào Mỹ bằng nhiều cách: giấu tiền giả trong giày, trong hàng hóa, những con thú nhồi bông, giấu trong phần đáy bí mật của những chiếc nôi trẻ con, bỏ vào balô hai đáy đưa từ Peru sang Mỹ

- Tiền giả tinh vị có thể dễ dàng đưa vào lưu thông tại Mỹ trong các cửa hàng bán lẻ, nơi những người thu ngân ít cảnh giác.



Với công nghệ ngày càng tiên tiến, những đồng tiền do tội phạm sản xuất đã được tuồn vào thị trường Mỹ hay vươn tới các quốc gia khác một cách dễ dàng với số lượng cực lớn.

Đội chống tiền giả của Cảnh sát Peru ước tính số tiền giả được in lậu tại nước này còn cao hơn nhiều. Họ nói lượng tiền giả bị bắt giữ trong 2 năm qua chỉ là một phần nhỏ với những loại tiền giả khác nhau, trong đó bao gồm tiền nuevo sol của Peru, được sản xuất hàng loạt từ những máy in lậu.

Cuộc kiểm tra gần đây nhất đối với 6 loại tiền tệ khác nhau được in lậu có giá trị trên 27 triệu USD cho thấy những tờ mệnh giá 100 USD Mỹ chiếm gần 1/3 trong tổng số tiền giả bị bắt giữ, trong đó lượng tiền euro trị giá 4 triệu USD. Ngoài ra, phần tiền giả còn lại là tiền boliviano của Bolivia, peso của Chile, nuevo sol của Peru và bolivar của Venezuela.

Những tờ tiền được làm giả tinh vi có thể dễ dàng đưa vào lưu thông tại Mỹ trong các cửa hàng bán lẻ, nơi những người thu ngân ít cảnh giác. Chỉ những tờ 100 USD mới được đưa vào Mỹ, trong khi 10 USD và 20 USD được chuyển tới nhiều nước láng giềng của Peru khi mà nhu cầu dùng đôla Mỹ hiện đang tăng cao như Argentina, Ecuador và Venezuela - nơi các biện pháp kiểm soát tiền tệ thiếu chặt chẽ.

Trên thực tế, mệt mỏi với việc liên tục diễn ra khủng hoảng tài chính trong nước, Ecuador thậm chí đã từ bỏ đồng nội tệ vào năm 2000 và giờ chỉ sử dụng đồng USD. Trong khi đó thị trường chợ đen bùng nổ tại Argentina và Venezuela, cả hai nước đều kiểm soát giao dịch ngoại hối trong khi có các nền kinh tế đang gặp vấn đề, đã tạo điều kiện cho USD giả hoành hành.

Theo báo cáo của Cảnh sát Peru, gần một nửa những cuộc bắt giữ tiền giả diễn ra ở San Juan de Lurigancho, quận lớn nhất của thủ đô Lima với hơn 1 triệu dân, nơi dễ dàng hoạt động mà không ai chú ý. Trong nhiều tháng qua, cảnh sát đã chặn bắt được người và hàng hóa giấu tiền giả trên đường sang các quốc gia khác như Costa Rica, Mexico và Mỹ để tiêu thụ. Bọn tội phạm có lắm mưu mẹo để qua mặt cảnh sát, tuồn tiền giả ra khỏi biên giới Peru một cách an toàn. Thứ hàng cấm này được những kẻ buôn lậu vận chuyển trót lọt bằng nhiều cách như bỏ vào balô hai đáy đưa từ Peru sang Mỹ, giấu trong hàng hóa...

Cảnh sát Peru còn bắt được những hành khách trên các chuyến bay đến Mỹ giấu tiền giả trong giày, và thường phát hiện những kiện hàng chứa đầy tiền giả mới in được gửi qua dịch vụ bưu điện địa phương hay dịch vụ chuyển phát quốc tế. Một cuộc đột kích tuần trước phát hiện lượng tiền giả giấu trong những con thú nhồi bông chuyển đến Ecuador, và số tiền giả khác giấu trong phần đáy bí mật của những chiếc nôi trẻ con (số tiền này sẽ được đưa đến vùng Trung Mỹ).

Vì sao Peru lại trở thành nước làm tiền giả lớn nhất thế giới? Không có bí ẩn lớn nào cả, nếu người ta biết rằng đất nước Colombia hàng xóm từng nắm danh hiệu này. "Chính quyền Colombia tăng cường chống tiền giả. Vậy là cánh tội phạm phải đóng gói đồ đạc và chuyển tới Peru", một quan chức nói. Trong khi kinh tế suy giảm, nạn thất nghiệp gia tăng thì Peru lại trở thành "đất thánh" cho nạn tiền giả. Lý do đơn giản là vì Peru rất gần với Mỹ, lại là nơi có lịch sử tội phạm phát triển, nhất là tội phạm ma túy. Bọn chúng không dại gì in tiền ngay trong lãnh thổ Mỹ mà đã tìm nơi an toàn hơn, trong đó Peru là lựa chọn lý tưởng nhất.

Hiện nay, Peru đã tăng cường nỗ lực chống tiền giả và hợp tác rất chặt với mật vụ Mỹ. Nhưng Jorge Gonzalez, một nhà kinh tế Peru chuyên về chính sách tiền tệ, đánh giá chính quyền nước này vẫn chưa làm hết sức để loại bỏ tội phạm. "Họ thường chỉ bắt được những con cá bé, không phải là thành phần chóp bu. Họ tóm được những kẻ đưa tiền qua sân bay, nhưng không phải là kẻ ra lệnh chuyển tiền đi". 

Đối với loại tội phạm liên quan đến tiền giả, luật pháp Peru lại tương đối "nhân từ". Những kẻ phạm tội lần đầu chỉ lĩnh án 3 năm tù nhưng thường được ra tù sớm. Còn những kẻ tái phạm nhiều lần sẽ chịu mức án tù là 6 năm nhưng chúng chỉ phải ngồi tù khoảng 2 năm nhờ một luật có lợi cho loại tội phạm không bạo lực. Chính vì chưa có hình phạt nghiêm khắc đối với tội phạm làm tiền giả nên phát sinh tình trạng "nhờn thuốc".

Một trong những thành công đáng kể nhất liên quan tới sản xuất tiền giả bị triệt phá tại Peru là vụ bắt giữ Joel Quispe Rodriguez - người điều hành các thành viên trong gia đình buôn lậu số tiền giả khổng lồ ra nước ngoài từ năm 2009 đến 2011, khiến nhiều người tin rằng mạng lưới sản xuất và tiêu thụ tiền USD giả sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, mạng lưới mafia này tồn tại quá nhiều "vòi bạch tuộc", thế nên, hai lần trong năm 2012, ngày 17/7 và 1/8, gia đình này lại bị buộc tội liên quan đến tiền giả.

Gần đây nhất, vào tháng 8/2013, cảnh sát đã tóm gọn hai thành viên gia đình này cùng với gần 7 triệu USD tiền giả, số lượng nhỏ tiền euro và tiền nuevo sol của Peru. Sự kiện là minh chứng rõ ràng cho thấy không có những kẻ "cầm trịch" như Joel, hoạt động làm tiền giả vẫn diễn ra đều ở Peru. Đáng quan tâm hơn, đất nước này vẫn tồn tại nhiều tổ chức tội phạm làm tiền giả.

Trong bối cảnh trên, chính quyền Peru đã cố gắng nhận thức rõ vấn đề và tuyên bố ưu tiên chống tội phạm có tổ chức. Người dân cũng kêu gọi chính quyền nên tiến hành nhiều chiến dịch bắt giữ những ông trùm tội phạm trong nước hay ở nước ngoài, bởi vì hiện tại chỉ những tên vận chuyển tiền giả qua đường hàng không mới bị bắt giữ hơn là những kẻ cầm đầu. Trong đó, sự hợp tác đa quốc gia và chia sẻ thông tin tình báo sẽ mang lại hiệu quả chống tội phạm cao hơn.

Peru bắt đầu hợp tác chặt chẽ hơn với chính quyền Mỹ từ năm 2009, và Ngân hàng Trung ương của Peru cũng trao đổi thông tin với Interpol và Tây Ban Nha, nơi sử dụng đồng euro. Quốc gia này nhấn mạnh rằng, tiền giả cũng là một dạng khủng bố kinh tế vô cùng nguy hiểm. Không chỉ công dân, đặc biệt là người thu nhập thấp, và doanh nhân bị mất hàng triệu USD vì tiền giả mà các mạng lưới sản xuất và buôn lậu USD giả trên khắp thế giới còn đang phá hoại ngầm giá trị của đồng tiền thật…

Theo Hồng Quân - Việt Dũng - Lâm Anh

thuyntt

Từ khóa:  tiền giả , peru
Cùng chuyên mục
XEM