Bí ẩn đằng sau việc tín dụng 'ông lớn' ngân hàng tăng sốc

26/01/2015 09:08 AM |

Một trong những cách làm giảm tỷ lệ nợ xấu nhanh nhất của các ngân hàng, đó là đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Thực tế này có thể nhìn vào con số tăng trưởng tín dụng “gây sốc” của nhiều ngân hàng trong những tháng cuối năm.

Tại Hội nghị tổng kết năm 2014 của Vietinbank, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Nguyễn Văn Bình, bình luận nếu không cắt được “vòi” tín dụng thì các ngân hàng cứ chạy xô theo tín dụng mà không làm tốt mảng dịch vụ.

“Lợi nhuận của hệ thống ngân hàng từ trước tới nay đến từ tăng tín dụng là chính. Vẫn biết tín dụng là quan trọng nhưng phải ở tỷ lệ nhất định thì mới an toàn, chứ các ngân hàng chỉ chăm chăm chạy theo tín dụng mà không phát triển dịch vụ ngân hàng thì cũng không phát triển bền vững được”, Thống đốc nhắc nhở.

Tín dụng lại “tăng sốc”

Nỗi lo của Thống đốc xuất phát từ thực tế của hệ thống ngân hàng. Nếu như trước đây, cuộc chạy đua tín dụng của các ngân hàng là lợi nhuận và làm cơ sở để được cấp “quota” tín dụng năm tới cao hơn thì nay là chiêu để giảm tỷ lệ nợ xấu. Thực tế này có thể nhìn vào con số tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng.

Điển hình là BIDV với mức tăng “quá sốc”. Nếu 9 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng chỉ mới đạt 5,47% mà tổng cả năm là 18,9%, tương đương khoảng 460.000 tỷ đồng. Như vậy, chỉ 3 tháng cuối năm, tín dụng tăng 13,44%.

Tỷ lệ nghịch với tín dụng, đó là tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh. Nếu đầu năm 2014, nợ xấu của BIDV là 2,37% thì đến 31/12/2014, giảm còn 1,8%. Tỷ lệ nợ xấu của BIDV giảm một phần là do bán được 6.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC, nhưng chủ yếu là nhờ mức tăng trưởng tín dụng cao hơn dự báo. Như vậy, nhờ tín dụng, BIDV đã xử lý được con số nợ xấu tương đương khoảng 1,3% tổng dư nợ. Một con số ấn tượng!

Vietinbank là đại diện thứ 2 cho kiểu tăng sốc này. Nếu 9 tháng đầu năm, tín dụng của Vietinbank mới đạt 7%, tương đương 491.000 tỷ đồng, thì tính đến 31/12/2014 đã tăng 18,2%, tương đương 544.000 tỷ đồng. Như vậy, chỉ 3 tháng, tín dụng của Vietinbank đã tăng 11,2%. Nhờ tốc độ tăng mạnh của tín dụng mà tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng tại thời điểm 30/9/2014 của VietinBank là 1,42% đã giảm xuống 0,89% tính đến 31/12/2014.

MB cũng là một đại diện cho tăng trưởng tín dụng nóng, nhưng có khác hơn là nhằm nỗ lực giảm nợ xấu để thoát khỏi nhóm buộc phải bán nợ xấu cho VAMC. 9 tháng, tín dụng của MB mới đạt 5,3%, tương đương 92.396 tỷ đồng, thì đến cuối năm 2014 đã tăng 15,7%. Chỉ trong 3 tháng, tín dụng của MB tăng 10,4%. Nhờ vậy, tỷ lệ nợ xấu của MB đã giảm từ 3,09% (30/9/2014) xuống còn 2,73% (31/12/2014) và thoát khỏi nhóm ngân hàng buộc phải bán nợ cho VAMC.

Nhóm ngân hàng nhỏ cũng cho thấy sự bất ngờ với những hiện tượng như TPBank, NamABank, VPBank… Theo đó, TPBank cho biết tín dụng năm 2014 ước tính tăng khoảng 50% so với cuối năm 2013. Cùng với mức tăng này là tỷ lệ nợ xấu giảm chỉ còn 1%/tổng dư nợ, trong khi 6 tháng đầu năm 2014 là 1,66% và cuối năm 2013 là 2,77%.

Hay như VPBank mới 9 tháng mà tín dụng đã tăng 34,8%, NamABank với tín dụng tăng 32%... Hai ngân hàng này chưa niêm yết và cũng chưa có báo cáo tài chính năm 2014 nên không rõ tỷ lệ nợ xấu là bao nhiêu.

Riêng với VPBank, tính đến cuối năm 2013, tỷ lệ nợ xấu là 2,81% và con số này có thể giảm mạnh nhờ tốc độ tăng trưởng tín dụng ngoạn mục. Với NamABank, trước thời điểm tháng 6/2014, gần như thông tin về ngân hàng này không có gì, nhất là con số về nợ xấu, tăng trưởng tín dụng.

Phải cắt “vòi” tín dụng

Mức tăng này là dấu hỏi lớn cho thị trường. Liệu có bao nhiêu phần trăm là tăng trưởng xuất phát từ nhu cầu của nền kinh tế, bao nhiêu tăng trưởng là kỹ thuật?

Câu hỏi này có ngân hàng mới trả lời được, nhưng có một thực tế, những năm trước, các ngân hàng vẫn xử lý kỹ thuật để có được con số tăng trưởng đẹp cả về huy động và tín dụng.

Về vấn đề này, một chuyên gia ngân hàng cho biết thường vào thời điểm cuối năm, để có được tăng trưởng tốt, các ngân hàng thường đẩy mạnh cho vay với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp lớn.

“Ngoài ra, không loại trừ khả năng ngân hàng xử lý kỹ thuật bằng cách hợp tác với doanh nghiệp để cho vay nhằm tạo tăng trưởng tín dụng ảo đối với nền kinh tế. Cách làm này sẽ giúp ngân hàng giảm được tỷ lệ nợ xấu do tổng dư nợ tăng lên. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay ngân hàng không nên xử lý như vậy”, vị này bình luận.

Một bài học nhãn tiền đối với tăng trưởng tín dụng nóng giai đoạn 2005 – 2010, đó là chất lượng tín dụng thấp, chất lượng tài sản đảm bảo thấp khiến nợ xấu tăng cao.

Thực tế này khiến người đứng đầu ngành cũng lo ngại. Tại Hội nghị của Vietinbank, Thống đốc Nguyễn Văn Bình, cho biết năm nay Ngân hàng Nhà nước chủ trương tín dụng tăng khoảng 15%, nhưng có điểm khác.

“Năm 2014 mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra là 12-14% để các ngân hàng phấn đấu, nhưng mục tiêu năm nay là 15% để hạn chế tín dụng tăng đến mức này thôi, vì có thể cầu tín dụng tốt lên trong năm nay”, Thống đốc nhấn mạnh.

Theo Thống đốc, năm nay cân đối mọi lĩnh vực, tăng trưởng tín dụng lành mạnh thì chỉ nên tăng 15% để cân đối các chỉ tiêu vĩ mô, nghĩa là các ngân hàng phải chú trọng vào chất lượng tín dụng chứ không phải số lượng như mọi năm.

“Cũng có thể hết 6 tháng của năm nay, NHNN có thể nới tín dụng lên một chút, lên khoảng 17%. Việc tăng tín dụng là vì giá dầu thô giảm mạnh trong thời gian vừa qua. Việc giá dầu thô giảm, có mặt tích cực và hệ lụy, từ thu ngân sách đến sản lượng khai thác dầu. Theo phân tích, giá dầu dưới 60 USD/thùng, sản lượng sẽ giảm 1,5 triệu tấn và GDP giảm 0,2%. Để bù vào thiếu hụt này thì phải kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh khác. Mà đẩy mạnh sản xuất kinh doanh thì phải cần đến vốn”, Thống đốc Bình phân tích.

Rõ ràng, câu chuyện tín dụng tăng sốc là vấn đề cần phải xử lý trong hệ thống ngân hàng. Song xử lý như thế nào lại là vấn đề của mỗi ngân hàng và quyết tâm của cơ quan quản lý. Nhưng có thể khẳng định, đã đến thời điểm nền kinh tế cần phải được hấp thụ nguồn vốn thực để phát triển chứ không phải những con số ảo do ngân hàng tạo nên.

>> Nóng bỏng thị trường thẻ tín dụng

Theo Trần Giang

Cùng chuyên mục
XEM