Bất bình đẳng thu nhập sẽ gây tác động bất lợi cho tăng trưởng

15/10/2015 16:01 PM |

Phân tích kinh tế cho thấy thu nhập bất bình đẳng có một tác động tiêu cực khá lớn và rõ ràng đến sự tăng trưởng. Theo đó, giảm bất bình đẳng một “điểm Gini” sẽ nâng tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm lên 0,15%.

Cuối tháng trước, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã công bố kết luận mới nhất của họ trong bảng báo cáo “Tại sao giảm bất đình đẳng thu nhập đem lại lợi ích cho tất cả chúng ta”.

Theo đó, phân tích kinh tế cho thấy thu nhập bất bình đẳng có một tác động tiêu cực khá lớn và rõ ràng đến sự tăng trưởng.

Bảng báo cáo mới cho thấy từ năm 1990 đến 2010 tổng sản phẩm trong nước - GDP trên đầu người ở 19 quốc gia nòng cốt của OECD tăng tổng cộng 28%, nhưng con số này sẽ là 33% trong cùng giai đoạn nếu bất bình đẳng không tăng sau năm 1985.

Ước tính này dựa trên phân tích kinh tế của 31 quốc gia thuộc OECD có thu nhập cao và trung bình, phân tích cũng kết luận rằng chỉ cần giảm bất bình đẳng một “điểm Gini” (một thước đo bất bình đẳng tiêu chuẩn được sử dụng bởi các nhà kinh tế học) sẽ nâng tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm lên 0,15%.

Trong một thế giới mà các chính sách thúc đẩy tốc độ tăng trưởng đạt 1/10 hoặc 2/10 phần trăm mỗi năm là một vấn đề lớn, kết quả trên là những gì chúng ta có thể hy vọng ở hầu hết các chính sách can thiệp. Để xem xét quy mô của những sự thay đổi do bất bình đẳng, dữ liệu của OECD cho thấy Mỹ có mức bất bình đẳng cao hơn Canada 6 điểm Gini, từ năm 1983 đến 2012 bất bình đẳng thu nhập ở Mỹ tăng hơn 5 điểm Gini.

Thật vậy, những lợi ích ngầm hiểu của việc giảm bất bình đẳng thu nhập là rất lớn đối với Mỹ, quốc gia có mức bất bình đẳng luôn cao và tăng nhanh so với mức tiêu chuẩn của OECD. Sử dụng những ước tính của OECD đã đề cập ở trên, nếu Mỹ có thể giảm mức bất bình đẳng của họ xuống bằng mức của Canada, GDP của Mỹ sẽ tăng khoảng 0,9%/năm.

Đây là một ảnh hưởng tương đối lớn đối với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm từ sau khi Mỹ điều chỉnh giữ mức lạm phát GDP khoảng 2,8% mỗi năm từ 1970.

OECD tin rằng sự bất bình đẳng trong tiếp cập giáo dục là nhân tố quan trọng nhất đằng sau mối liên kết giữa bất bình đẳng và tăng trưởng. Theo OECD, “Một trong những kênh quan trọng mà thông qua đó bất bình đẳng ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh tế là việc giảm các cơ hội đầu tư (đặc biệt là trong giáo dục) của những người nghèo khổ trong xã hội”. Kết luận này dựa trên quan sát thấy trẻ em trong những gia đình có thu nhập thấp luôn theo sau trẻ em trong những gia đình có thu nhập cao trên phương diện trình độ học vấn (các bằng cấp có được và số năm học) và trên phương diện điểm số trong các cuộc thi toán và văn học quốc tế.

Mối quan hệ này có ở tất cả các nước được nghiên cứu, nhưng khoảng cách kết quả giáo dục giữa người giàu và nghèo lớn hơn khi độ bất bình đẳng cao hơn cho thấy mức độ bất bình đẳng cao hơn đã làm tăng những bất lợi mà trẻ em nghèo phải đối mặt. Theo như báo cáo của OECD lưu ý: “Số thu nhập khả dụng quyết định đáng kể các cơ hội giáo dục và dịch chuyển xã hội.”

Báo cáo của OECD bổ sung cho một báo cáo của Equitable Growth công bố vào đầu năm. Trong “Hậu quả tài chính và kinh tế của việc cải thiện kết quả giáo dục tại Mỹ”, thành viên trao đổi của Equiable Growth – Robert Lynch cho thấy việc cải thiện điểm thi ở Mỹ lên mức bằng Canada sẽ dẫn đến tăng trưởng GDP thực tế lớn hơn, vào khoảng 2,7 nghìn tỷ USD năm 2050 và 17,3 nghìn tỷ USD năm 2075.

Thảo luận chính sách và khuyến nghị của OECD trong báo cáo mới nhất này khá táo bạo. “Tập trung hoàn toàn vào tăng trưởng và giả định rằng lợi ích của nó sẽ tự động đến từ từ có thể làm suy yếu tăng trưởng trong dài hạn”, báo cáo cho biết. Tuy nhiên, chính sách giúp “giới hạn hay lý tưởng hơn là đảo chiều sự gia tăng bất bình đẳng trong dài hạn không chỉ giúp xã hội công bằng hơn mà còn giàu có hơn.”

Những chính sách cụ thể được thảo luận bao gồm “nâng mức thuế suất cân biên đối với người giàu… cải thiện phương pháp thực thi thuế, loại bỏ hoặc giảm bớt các khoản khấu trừ thuế có xu hướng có lợi cho người thu nhập cao một cách không tương xứng, và ... đánh giá lại vai trò của thuế trên tất cả hình thức tài sản và của cải.”

Các phân tích kinh tế đằng sau những kết luận và khuyến nghị này khá thận trọng, nhưng có lẽ sẽ không thuyết phục được những người hay hoài nghi. Những phát hiện này chủ yếu dự trên một lượng dữ liệu nhỏ với chỉ hơn 100 cuộc quan sát ở 31 quốc gia tại các điểm khác nhau trong vòng 4 thập kỷ qua. Nhưng kết quả của chúng phù hợp với các bước phát triển trong quá trình tìm kiếm mối liên hệ tiêu cực giữa bất bình đẳng và tăng trưởng, bao gồm các nhà nghiên cứu tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Mai Uyên

Cùng chuyên mục
XEM