Ba giả thiết về phe phái đã tấn công Bangkok

19/08/2015 17:40 PM |

Cảnh sát đã được cảnh báo từ trước về vụ việc, nhưng họ không thể đoán nó có thể xảy ra khi nào và ở đâu...

Hai ngày sau vụ nổ kinh hoàng tại một ngôi đền nổi tiếng ở Bangkok, cơ quan điều tra Thái Lan vẫn chưa thể tìm ra được cá nhân/tổ chức nào đứng đằng sau vụ việc.

Theo nguồn tin từ kênh CNN, lãnh đạo cảnh sát quốc gia Thái Lan Somyot Pumpanmuang cho biết cảnh sát đã được cảnh báo từ trước về vụ việc, nhưng họ không thể đoán nó có thể xảy ra khi nào và ở đâu.

Lực lượng nổi dậy Hồi giáo?

Suốt nhiều thập kỷ qua, lực lượng an ninh Thái Lan đã mở nhiều chiến dịch truy quét chống lại phiến quân ở miền Nam Thái Lan. Hàng nghìn người đã bỏ mạng.

Các tỉnh miền Nam Thái Lan bao gồm Pattani, Yala, Narathiwat, Satun và Songkhla trước đây từng thuộc về nhà nước Hồi giáo Mala, cho đến khi người Thái Lan chiếm được vào đầu thế kỷ 20. Phiến quân có mục đích rất rõ ràng: thành lập một chính quyền Hồi giáo riêng cho 1,8 triệu người thiểu số Malay.

Dù cho đến hiện tại, lực lượng này không còn kêu gọi ly khai nữa, nhưng vẫn khiến Chính phủ Thái Lan rất đau đầu.

Chính phủ Thái Lan đã cử 150 nghìn quân đến miền Nam Thái Lan để đảm bảo an ninh. Tuy có vấn đề này khác, nhưng theo nhận định của quân đội Thái Lan, xung đột chưa bao giờ bùng phát ra khỏi khu vực này.

Ông Bobby Ghosh, chuyên gia về các vấn đề toàn cầu của CNN, khẳng định: “Những người ở miền Nam chủ yếu muốn tấn công vào các mục tiêu quân sự và an ninh, không bao giờ nhắm đến dân thường, càng không nói đến khách du lịch. Tôi dám cam đoan là họ không liên quan”.

Còn theo ông Paul Chambers, giáo sư chuyên về các vấn đề Đông Nam Á tại đại học Chiang Mai, Thái Lan, gần đây, các cuộc đối thoại giữa Chính phủ và nhóm quân nổi dậy đã có một số bước tiến, nên khả năng họ đứng đằng sau vụ nổ là khó xảy ra.

Phe phản đối chính quyền quân sự?

Khi tướng Prayut Chan-ocha (hiện nay đang giữ chức vụ Thủ tướng Thái Lan) thông báo tình trạng thiết quân luật vào ngày 20/5/2014, ông khẳng định điều này là nhằm làm giảm căng thẳng giữa các phe phái.

Lúc đó, Thái Lan đang bị chia rẽ sâu sắc giữa tầng lớp dân nghèo trung thành với gia đình ông Thaksin và tầng lớp trung lưu cũng như giàu có trong xã hội.

Việc ông Thaksin mất chức Thủ tướng vào năm 2006 đã dẫn đến phong trào biểu tình phản đối mạnh mẽ tại nhiều vùng của Thái Lan. Vụ việc tương tự diễn ra vào năm 2010. Hơn 90 người chết trong các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh.

Sau khi quân đội nắm chính quyền vào năm ngoái, ông Prayut cam kết sẽ sớm tiến hành tổng tuyển cử. Lẽ ra cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào tháng 10 năm nay, nhưng cuối cùng lại bị lùi sang cuối năm 2016. Bản hiến pháp mới được soạn thảo bởi một ủy ban do chính phủ hiện tại chỉ định cũng bị chỉ trích là thiếu dân chủ.

Theo Hiến pháp mới, tướng Prayut Chan-ocha nắm quyền lực tuyệt đối, ông có quyền kiểm soát hoàn toàn đối với tất cả các cơ quan thuộc Chính phủ, được hưởng quyền miễn truy tố.

Chuyên gia về các vấn đề toàn cầu của CNN cho rằng dù có nhiều phe phái phản đối chính quyền hiện tại của Thái Lan, nhưng chắc chắn họ không bao giờ hành động để phá hủy nền kinh tế hay nhắm đến người dân thường. Ông nghi ngờ thành phần có khả năng gây ra bất ổn xã hội có thể đến từ chính trong quân đội Thái Lan, đó là những người không hài lòng khi cuộc chuyển giao quyền lực diễn ra.

Trong thông báo gửi đến giới truyền thông trong ngày thứ Ba, Thủ tướng Thái Lan tuyên bố: “Rõ ràng có một số cá nhân và nhóm người có ý định muốn phá hoại Thái Lan, họ có thể đang theo đuổi những mục tiêu chính trị và họ hiện thực nó bằng cách phá hoại nền kinh tế và ngành du lịch. Chính quyền sẽ không tha thứ cho bất kỳ đối tượng nào có ý định đó”.

Người Duy Ngô Nhĩ?

Tháng trước, Thái Lan đã trục xuất hơn 100 người tị nạn Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc. Quyết định của Thái Lan đã làm dấy lên làn sóng phản đối từ cộng đồng Hồi giáo nước này.

Các nhóm Hồi giáo cáo buộc chính quyền chia rẽ gia đình người Duy Ngô Nhĩ bằng việc gửi trả đàn ông về Trung Quốc, trong khi lại gửi phụ nữ và trẻ em đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Người Duy Ngô Nhĩ còn gọi là Uyghur (tiếng Duy Ngô Nhĩ) là một dân tộc Trung Á sống chủ yếu ở khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc. Khu vực này có diện tích tương đương với Iran, rất giàu tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là dầu mỏ.

Từ nhiều thập kỷ qua, người Trung Quốc gốc Hán đã đổ xô đến khu vực này để sinh sống, chiếm đất của người Duy Ngô Nhĩ, gây ra nhiều căng thẳng.

Theo các nhà hoạt động xã hội, còn có cả những chiến dịch được tiến hành để làm giảm ảnh hưởng của tôn giáo, văn hóa Duy Ngô Nhĩ. Ngôn ngữ Duy Ngô Nhĩ cũng bị hạn chế sử dụng trong trường lớp.

Quyết định trục xuất người Duy Ngô Nhĩ của Chính phủ Thái Lan đã gây ra nhiều cuộc biểu tình tại Thổ Nhĩ Kỳ, đất nước có cộng đồng dân cư khá lớn sử dụng ngôn ngữ cũng như vẫn duy trì tập quán văn hóa Duy Ngô Nhĩ. Đại sứ quán Thái Lan tại Ankara cũng như lãnh sự quán ở Istanbul đã tạm thời phải đóng cửa.

Đền Erawan và bến tàu Sathorn, hai địa điểm vừa bị đánh bom vừa qua, đều là nơi tập trung đông du khách Trung Quốc. Hình ảnh nghi phạm được cảnh sát công bố cho thấy đây có thể là một người nước ngoài, Bangkok Post cho rằng "trông diện mạo giống người Trung Đông".

Nghi phạm cho đến nay được cho là người đàn ông trẻ, mặc áo phông màu vàng, người tầm thước, trên lưng đeo một chiếc balo đang đi bộ vào đền Erawan. Anh ta đã bình thản bỏ chiếc balo xuống dưới một chiếc ghế bên ngoài ngôi đền rồi rời đi, với một chiếc điện thoại thông minh và một cái túi màu xanh.

Theo Ngọc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM