Ẩn số chuyện 'ăn lãi' và cơn đau đầu vì tiền của giới ngân hàng

09/10/2014 08:54 AM |

Với tình trạng thừa tiền và bối cảnh lãi suất liên tục hạ như hiện tại khiến không ít các ngân hàng “đau đầu” để tìm kiếm lợi nhuận như trước. Tuy nhiên một câu hỏi đặt ra là hiện tại các ngân hàng đang “ăn” chênh lệch lãi suất bao nhiêu?

Ấn số… chuyện “ăn lãi”

Trong phiên họp trước Chính phủ vào hồi tháng 5/2014, thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết: “Năm tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn ngành dao động từ 1,1%-1,3%, cầu rất yếu, dù mặt bằng lãi suất cho vay tùy kỳ hạn giảm 0,5%/năm-1%/năm.” Trong khi mức tăng tín dụng cả năm 2014 phải đạt từ 10,69%-12,69%.

Với tình trạng thừa tiền và bối cảnh lãi suất liên tục hạ như hiện tại khiến không ít các ngân hàng “đau đầu” để tìm kiếm lợi nhuận như trước. Tuy nhiên một câu hỏi đặt ra là hiện tại các ngân hàng đang “ăn” chênh lệch lãi suất bao nhiêu?

Tại một hội thảo điều hành chính sách tiên tệ năm 2011-2013 tại Hà Nội ngày 30/10/2013, theo báo VnExpress đưa tin, những con số khác nhau về chênh lệch lãi suất đầu vào- đầu ra trở thành một đề tài nóng bỏng. Theo nhóm nghiên cứu FulBright, mức chênh lệch trong giai đoạn này tầm 6% còn theo tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa là khoảng 4-5% trong khi phía ngân hàng nhà nước khẳng định con số thực tế không cao như các chuyên gia mà chỉ từ 2-3%.

Cũng theo báo cáo mới công bố cuối tháng 8 vừa qua của tạp chí Economist, từ đầu năm 2012 đến nay, lãi suất tiền gửi trung bình giảm từ 14% xuống 5,8% và lãi suất cho vay trung bình giảm từ 15,4% xuống 8,3% vào tháng 6/2014. Tuy nhiên mức chênh lệch giữa lãi cho vay và huy động lại biến động không phải lúc nào cũng cùng chiều với xu hướng giảm này.

Lãi suất tiền gửi và cho vay trung bình tại Việt Nam

Số liệu báo cáo của Economist khá trùng hợp với phát biểu của ngân hàng nhà nước hồi tháng 10 năm ngoái, từ tháng 8/2013 đến giai đoạn cuối năm, chênh lệch lãi suất duy trì ở mức từ 2,7-2,9%. Nhìn vào dữ liệu Economist có thể thấy từ đầu năm 2012 đến tháng 3/2013, các ngân hàng duy trì mức ăn chênh lệch từ 3,5-4%. Đặc biệt đầu năm 2013, mức chênh này xấp xỉ 4%.

Theo ý kiến củaTiến sĩ Cao Sĩ Kiêm, nguyên thống đốc NHNN trên báo Thanh niên đăng tải hồi tháng 5/2013, nếu xét về cơ cấu kỳ hạn huy động ngắn cho vay ngắn, huy động dài cho vay dài thì có thể thấy các ngân hàng thương mại hiện huy động kỳ hạn ngắn với LS 6 - 7,5%/năm trong khi cho vay ra 11 - 13%/năm, khoảng cách này từ 5 - 6%/năm. Đối với kỳ hạn dài, NH huy động 9,5 - 10%/năm, cho vay ra 14 - 16%/năm, khoảng cách được duy trì ở mức 4,5 - 5%/năm. Ông cho rằng để đảm bảo kinh doanh có hiệu quả, có lợi nhuận ngân hàng thường duy trì chênh lệch này ở mức 2,5 - 3%/năm. Như vậy với mức chênh xấp xỉ 4% giai đoạn này, có thể thấy các ngân hàng vẫn còn khá bình chân trong việc tìm kiếm lợi nhuận.

Khi lãi suất phải hạ

Tuy nhiên từ tháng 04/2013, sau khi Thủ tướng ban hành nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải thu hẹp khoảng cách lãi suất huy động- cho vay về mức hợp lý nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, mức chênh lệch đột ngột hạ xuống còn 2,9%. Sau nhiều lần hạ lãi suất đầu vào và đầu ra, mức chênh lệch chỉ còn mức 2,4-2,5% trong 2 tháng 05/2014 và 06/2014.

Lý giải tại sao các ngân hàng duy trì mức chênh lệch cao trong thời gian trước, trong bài phỏng vấn trên Thời báo kinh tế Sài Gòn, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành cho biết nguyên nhân chính là do sức ép xử lý nợ xấu của ngân hàng.  Cụ thể, nhiều ngân hàng bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), nhưng VAMC chỉ giữ nợ tạm thời và nợ xấu chưa được giải quyết tận gốc nên hàng năm các ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng cho đến khi xử lý được nợ xấu. Như vậy, ngân hàng đang dùng lợi nhuận tương lai để trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu tồn đọng, nên chi phí vốn sẽ tăng cao. Do đó, họ phải duy trì chênh lệch lợi nhuận lớn (giữa lãi suất huy động và cho vay) để bù đắp cho khoản dự phòng này.

Một lý do khác có thể xem xét đến là trong bối cảnh kinh tế phục hồi khá chậm và lợi nhuận của doanh nghiệp còn khá thấp, ngân hàng là doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ, lãi suất cho vay có thể xem là giá cả của tiền tệ thì khi rủi ro còn lớn buộc ngân hàng cũng phải đưa ra mức giá cao hơn so với thời điểm kinh doanh an toàn.

Cơn đau đầu vì “thừa tiền”

Với tình trạng cầu vốn yếu, hiện các ngân hàng đang đau đầu vì “thừa tiền” và tìm mọi cách để có thể giải ngân mà vẫn đảm bảo hạn chế rủi ro. Theo ông Nguyễn Đức Hưởng, phó chủ tịch thường trực ngân hàng LienVietPostbank, “Những ai là cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ sẽ được vay tiêu dùng, mua nhà, sửa nhà, mua ôtô. Họ được quyền lựa chọn hình thức trả gốc, lãi. Lãi suất trong 2 tháng đầu tiên là 0%/năm, những tháng tiếp theo 6,5%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 9%/năm trong 1 năm đầu…”. Ngân hàng này gần như cho không lãi suất trong thời gian đầu giải ngân.

Hồi tháng 6 vừa qua, 8 ngân hàng lớn gồm BIDV, SHB, LienVietPostbank, Agribank, VietinBank, Vietcombank, VNCB, MHB tung ra 4 chuỗi liên kết trong lĩnh vực xây dựng và giao thông với tổng mức đầu tư 7.778 tỷ đồng; trong đó, các ngân hàng cam kết hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp trong chuỗi với tổng số tiền 6.149 tỷ đồng. Hay tổng giám đốc Vietcombank Nghiêm Xuân Thành từng chia sẻ trên báo VnEconomy, ngân hàng này mừng như “bắt được của” khi giành được hợp đồng tài trợ 10.413 tỷ đồng cho dự án đường giao thông từ cảng hàng không Thọ Xuân đi khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa.

Một kênh khác giúp các ngân hàng giải ngân chính là trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài. Trong tháng 8/2014, Kho bạc huy nhà nước đã huy động thành công thêm 19,5 nghìn tỷ đồng với sự hấp dẫn đặc biệt dồn về các kỳ hạn dài 5 và 10 năm. Với một số ngân hàng khác, việc giải ngân vốn có thể thông qua các công ty tài chính tiêu dùng như HD Finance, VPBank Consumer Finance,… hay việc mở thẻ tín dụng quốc tế tại các ngân hàng hiện nay trở nên dễ dàng và nhiều ưu đãi hơn nhiều so với trước như việc giảm chuẩn thu nhập, miễn phí thường niên năm đầu hay tặng tiền khi mở và sử dụng thẻ.

Ngoài việc tăng cường giải ngân, các ngân hàng cũng tìm kiếm thêm lợi nhuận từ việc gia tăng các khoản phí dịch vụ hay thay đổi nhân sự cấp cao, cắt giảm nhân viên nhằm sử dụng hiệu quả nhất chi phí tuyển dụng của mình.

>> Ngân hàng Nhà nước đã gián tiếp giảm lãi suất

Kim Thủy

Nguyễn Thu Thúy

Cùng chuyên mục
XEM