Ai hưởng lợi khi Argentina vỡ nợ?

01/08/2014 15:36 PM |

Các chủ nợ chưa chắc là người hưởng lợi khi Argentina vỡ nợ vì họ đã mất đi công cụ quyền lực nhất của mình đối với Buenos Aires: sự đe dọa vỡ nợ.

Hạn chót 30/7 qua đi nhưng cuộc đàm phán tại New York giữa 2 bên: chính phủ Argentina và chủ nợ (các quỹ kền kền) vẫn không đạt được bất kỳ kết quả nào. Argentina chính thức vỡ nợ lần thứ 2 trong thế kỷ chưa đi qua hết 14 năm đầu tiên.

Sự kiện Argentina vỡ nợ thực chất là kết quả của cuộc chơi 2 bên giữa chính phủ Argentina và hai quỹ đầu tư "kền kền" của Mỹ (NML Capital và Aurelius), dưới sự phân xử của Tòa án Mỹ.

Cuối cùng, kịch bản xấu nhất đã xảy ra khi mục tiêu tránh lâm vào vỡ nợ của Argentina không thể được thực hiện. Chắc chắn, Argentina là bên thua trong cuộc đàm phán lần này. Nhưng điều đó không có nghĩa các quỹ đầu tư là bên hưởng lợi.

Đối với NML và Aurelius, Argentina vỡ nợ có nghĩa 2 quỹ này sẽ không nhận được tiền thanh toán - thứ mà họ đã chờ đợi suốt hơn 1 thập kỷ qua để có được. Nhưng quan trọng hơn, họ đã mất đi thứ công cụ quyền lực nhất trong tay: đó là quyền đe dọa khả năng vỡ nợ đối với một quốc gia.

Đối với Argentina, những hậu quả tiềm năng theo chính phủ nước này là "không mấy" nghiêm trọng. Có thể người Argentina có lý bởi những gì đã trải qua trong lần quốc gia vỡ nợ năm 2001 mới thực sự kinh hoàng. Khi đó, Argentina là một quốc gia vỡ nợ sau nhiều năm khủng hoảng còn bây giờ, cũng là sự việc ấy nhưng trong một hoàn cảnh khác - kinh tế Argentina vẫn tăng trưởng (dù chậm) và chưa lâm vào khủng hoảng.

Vào quý 1 năm 2002, tức ngay sau khi Argentina vỡ nợ, tăng trưởng của nền kinh tế Nam Mỹ này suy giảm mạnh còn -15,2%. Ngược lại bất chấp bối cảnh khó khăn hiện tại, Argentina vẫn tăng trưởng dương 0,5% trong năm nay, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Tuy nhiên, phần lớn các chuyên gia kinh tế dự đoán nền kinh tế Argentina sẽ rơi vào suy thoái sâu với tỷ lệ lạm phát cao (thuộc hàng cao nhất trên thế giới) và quỹ dự trữ ngoại hối chịu đựng áp lực lớn (giảm xuống mức thấp nguy hiểm).

Kể từ khi vỡ nợ năm 2001, mặc dù chính phủ Argentina không có quyền vay nợ từ bên ngoài nhưng chi phí đi vay vẫn sẽ tăng cao đối với các công ty và tổ chức của Argentina. Điều này ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến những công ty lớn như "đại gia dầu khí" của Argentina là YPF - một công ty thuộc sở hữu nhà nước. YPF đang có kế hoạch lớn để khai thác mỏ đá phiến sét khổng lồ chứa dầu và khí đốt.

Ảnh hưởng ngay lập tức đã xuất hiện khi hàng loạt các hãng đánh giá và xếp hạng tín dụng của Mỹ tuyên bố xếp hạng Argentina vào vùng "vỡ nợ" cùng với việc hạ xếp hạng tín dụng và nợ của quốc gia này.

Hôm nay 1/8 hãng xếp hạng tín dụng Moody's đã hạ triển vọng nợ của Argentina xuống mức "tiêu cực". Hôm qua 31/7, một hãng xếp hạng tín dụng khác là Fitch Ratings cũng xếp Argentina vào tình trạng vỡ nợ. Trước đó, S&P là hãng xếp hạng tín dụng đầu tiên hạ xếp hạng Argentina xuống mức vỡ nợ.

Nguy cơ tiếp đến có thể xảy ra với Argentina là việc các chủ nợ sẽ đẩy nhanh yêu cầu thanh toán nợ một cách đầy đủ và ngay lập tức tương ứng với giá trị trái triếu chính phủ Argentina đang nắm giữ. Như vậy, sẽ có thêm 30 tỷ USD nợ nước ngoài cộng vào lần vỡ nợ lần này của Argentina.

Nền kinh tế chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ, với đồng nội tệ giảm giá, đẩy dòng vốn chảy sang các quốc gia khác tăng lên.

Đối với phần còn lại của thế giới, sự sụp đổ của Argentina liệu có thể gây nên một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu? Câu trả lời là khó có thể xảy ra, vì nền kinh tế thứ 3 Nam Mỹ chỉ chiếm chưa đến 1% GDP toàn cầu. Thậm chí khả năng lây lan ra các nền kinh tế mới nổi khác cũng không cao. Bởi trên thực tế, nhà đầu tư vốn ưa thích loại trái phiếu được phát hành bởi các quốc gia được xếp hạng tín dụng thấp (như các quốc gia mới nổi) và họ vẫn sẽ nắm giữ chúng ngay cả khi Argentina vỡ nợ.

>> Tại sao Argentina không thanh toán nổi khoản nợ 1,3 tỷ USD?

anhnt

Cùng chuyên mục
XEM