Ai chi tiền để dự trữ 1,5 tấn xăng dầu?

03/02/2015 08:36 AM |

“Với mức hạn ngạch dự trữ của doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải bỏ tiền. Còn nếu là dự trữ của quốc gia để đảm bảo an ninh năng lượng đất nước thì Chính phủ sẽ phải bỏ tiền”

Nội dung nổi bật:

- Nếu giá dầu tiếp tục giảm và chúng ta vẫn tiếp tục xuất khẩu chắc chắn sẽ bị thiệt về giá thành. Do đó việc khai thác dầu trong nước cũng cần tính tới lượng dự trữ nhất định để khi giá cao xuất khẩu sẽ được lợi về giá.

- Tính tổng cộng từ tháng 7/2014 giá xăng dầu trong nước đã có 15 lần giảm giá, với mức giảm gần 10.000 đồng/lít xăng.


Quan điểm này được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đưa ra khi trả lời câu hỏi của báo chí liên quan tới chỉ đạo dự trữ xăng dầu khoảng 1-1,5 tấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện nay giá dầu thô xuất khẩu trên thị trường thế giới đang ở mức rất thấp nên Việt Nam đã đưa ra 3 kịch bản để đối phó: kịch bản giá dầu ở mức 60 USD/thùng; 50 USD/thùng và 40 USD/thùng. Nếu giá dầu tiếp tục giảm và chúng ta vẫn tiếp tục xuất khẩu chắc chắn sẽ bị thiệt về giá thành. Do đó việc khai thác dầu trong nước cũng cần tính tới lượng dự trữ nhất định để khi giá cao xuất khẩu sẽ được lợi về giá.

Còn riêng với doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, theo quy định tại Nghị định 83 của Chính phủ, hàng năm doanh nghiệp phải đăng ký lượng xăng dầu tối thiểu cần nhập khẩu là bao nhiêu. Khi muốn trữ đủ lượng xăng dầu thì doanh nghiệp phải có hệ thống kho, bãi đảm bảo cho hoạt động kinh doanh của họ.

“Dù rằng với giá dầu thô thấp như hiện tại doanh nghiệp dự trữ cầm chắc lỗ, vì có thể vừa ký mua hôm trước, hôm sau giá đã giảm rồi. Nhưng đây là nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng nên doanh nghiệp vẫn phải tạm trữ theo đúng quy định đã được phân bổ theo hạn ngạch hàng năm”, ông chia sẻ.

Về phía Chính phủ, Nhà nước đã có hẳn Cục dự trữ quốc gia trong đó dự trữ những mặt hàng thiết yếu, trong đó gồm cả gạo, xăng dầu…. để đảm bảo ổn định an ninh lương thực, năng lượng của đất nước. “Với mức hạn ngạch dự trữ của doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải bỏ tiền. Còn nếu là dự trữ của quốc gia để đảm bảo an ninh năng lượng đất nước thì Chính phủ sẽ phải bỏ tiền”, người phát ngôn Bộ Công thương nêu rõ.

Về đợt điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước, theo quy định tại Nghị định 83 thì ngày 5/2 tới sẽ là kỳ điều chỉnh giá tiếp theo của mặt hàng này. Bình luận về việc tăng hay giảm giá xăng dầu, cụ thể mức giảm bao nhiêu, người phát ngôn Bộ Công thương khẳng định, cơ quan quản lý điều hành mặt hàng này theo đúng quy định tại Nghị định 83. Khi giá thế giới giảm thì chắc chắn trong nước sẽ giảm theo và ngược lại.

“Mức tăng, giảm bao nhiêu thì phải tùy thuộc vào tình hình thực tiễn trong nước, sức tiêu thụ và thu nhập người dân, cạnh tranh của doanh nghiệp và cân đối giữa giá trong nước và các quốc gia lân cận để chống buôn lậu”, ông nói.

Đợt giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước gần đây nhất là ngày 21/1/2015 với mức giảm 1.900 đồng/lít đối với xăng RON 92. Hiện mặt hàng xăng RON 92 đứng ở mức 15.670 đồng/lít. Tính tổng cộng từ tháng 7/2014 giá xăng dầu trong nước đã có 15 lần giảm giá, với mức giảm gần 10.000 đồng/lít xăng.

>> Bộ Tài chính: Quỹ bình ổn giá xăng dầu 2014 dư 4.000 tỷ đồng, gấp đôi số liệu của Petrolimex

Theo Nguyễn Hoài

Cùng chuyên mục
XEM