Agribank thất thoát 966 tỉ: Đề nghị bị cáo chủ mưu 2 án chung thân

28/10/2015 20:19 PM |

Bị cáo Dương Thanh Cường, chủ mưu thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị đề nghị hai mức án chung thân với hình phạt chung là chung thân.

Sau 5 ngày xét xử 11 bị cáo trong vụ án gây thất thoát 966 tỉ đồng tại Agribank chi nhánh 6, chiều 28-10, VKSND TP.HCM thừa ủy quyền VKSND tối cao giữ quyền công tố tại phiên xét xử đã đề nghị mức án đối với các bị cáo.

Theo đó, bị cáo Dương Thanh Cường, người chủ mưu thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản mức án chung thân cho mỗi hành vi và đề nghị hình phạt chung là chung thân.

Các bị cáo khác trong vụ án bị đề nghị từ 8 đến 25 năm tù.

Lập nhiều công ty để lừa đảo, chiếm đoạt tiền ngân hàng

Theo luận tội của đại diện VKSND TP.HCM, các bị cáo Lê Thành Công - nguyên tổng giám đốc Công ty Dệt kim Đông Phương đã có hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản khi vay 10 tỷ đồng nhưng lại giữ lại 417 triệu đồng cho bản thân, khi cơ quan điều tra vào cuộc mới chịu giao nộp lại số tiền này.

Ngoài ra, Lê Thành Công còn có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Khi cần tiền tiêu xài, Công đã nhờ Đỗ Trọng Nhân (giám đốc Công ty Siêu Mẫu Việt) ký hợp đồng khống chuyển nhượng 300 ha đất tại Bình Thuận với giá trị 30 tỷ đồng, trong khi Đỗ Trọng Nhân không hề có thửa đất nào.

VKS cho rằng đáng lẽ với cương vị giám đốc của công ty Đông Phương, Công phải sử dụng vốn của doanh nghiệp để có công việc cho người lao động, nhưng Công đã vi phạm pháp luật, chiếm đoat 417 triệu đồng để phục vụ lợi ích cá nhân, đồng thời, Công đã cùng Nhân rút 6 tỉ đồng của Đông Phương, gây thiệt hại cho Đông Phương hơn 1 tỉ đồng.

Bị cáo Dương Thanh Cường là người lập ra nhiều công ty, thuê nhiều người làm giám đốc, Cường giữ vai trò điều hành các công ty này và chỉ đạo những người mình thuê thực hiện việc vay thế chấp đối với ngân hàng Agribank chi nhánh 6 hai lần (lần một 170 tỷ, lần 2 là 628 tỷ đồng), thế chấp bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại số 10 Âu Cơ và 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở Bình Chánh.

Sau khi được Agribank chi nhánh 6 giải ngân toàn bộ số tiền, Cường đã chỉ đạo các giám đốc (Cường thuê trả lương mỗi tháng đến 8 triệu đồng để ký các loại giấy tờ theo yêu cầu của Cường) mang các giấy chứng nhận này tiếp tục thế chấp ở Ngân hàng Phương Nam (nay là Sacombank) để tiếp tục vay tiền.

Cường đã lừa dối ngân hàng Agribank chi nhánh 6, chiếm đoạt các tài sản bảo đảm, gây thất thoát cho ngân hàng này cả gốc và lãi lên tới 966 tỷ đồng và đến nay không có khả năng thanh toán.

Trong đó Dương Thanh Cường đã từng bị tuyên án 20 năm tù, sau khi chấp hành xong bản án và trở về địa phương lại tiếp tục phạm tội nhiều lần, liên tục chiếm đoạt tài sản của nhà nước đặc biệt lớn, chiếm đoạt hơn 500 tỷ đồng trong vụ án này và chiếm đoạt ở nhiều vụ án khác.

Bị cáo Đỗ Trọng Nhân, Giám đốc công ty Siêu mẫu Việt, phạm tội do bị lôi kéo, nhưng có hành vi nguy hiểm. Hành vi của bị cáo này có tính chất quyết định đối với việc Lê Thành Công chiếm đoạt tài sản của công ty Dệt kim Đông Phương.

Các bị cáo Thái Cường, Lê Sơn Hùng, Phạm Hoàng Thọ chỉ là giám đốc, phó giám đốc nhận tiền thuê hằng tháng, trong đó bị cáo Thái Cường biết rõ Dương Thanh Cường sử dụng lô đất số 10 Âu Cơ để thế chấp vay tiền của Agribank chi nhánh 6 nhưng Thái Cường vẫn tiếp tay cho Dương Thanh Cường tiếp tục vay tiền của ngân hàng Phương Nam.

Các bị cáo Lê Sơn Hùng, Phạm Hoàng Thọ cũng biết rõ hành vi gian dối của Cường nhưng vẫn tiếp tay cho Cường vay tiền của ngân hàng Phương Nam, gây tổn thất cho ngân hàng Agribank.

Dù các bị cáo này không được chia tiền hay hưởng bất kể một khoản lợi ích nào nhưng sự giúp sức tích cưc của họ khiến Cường chiếm đoạt tài sản của Agribank chi nhánh 6, đến nay không còn khả năng thu hồi.

Bỏ qua nhiều quy định cho vay, gây thất thoát lớn cho ngân hàng

Nhóm cán bộ, lãnh đạo Agribank chi nhánh 6 gồm: Hồ Đăng Trung - nguyên giám đốc Agribank chi nhánh 6; Hồ Văn Long - nguyên trưởng phòng tín dụng và ba nhân viên Trương Quốc Bảo, Trương Nhật Quang và Nguyễn Hoàng Quốc Thụy là những người hiểu rõ việc cho vay và biết rõ hồ sơ vay của Dương Thanh Cường không đủ để vay thế chấp nhưng vẫn bỏ qua nhiều quy định về cho vay của ngân hàng, giao dịch bảo đảm, quản lý tài sản bảo đảm dẫn đến bị Dương Thanh Cường chiếm đoạt tiền, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước.

Đại diện VKSND TP.HCM đã đề nghị HĐXX tuyên các mức án như sau:

Lê Thành Công - nguyên tổng giám đốc Công ty Dệt kim Đông Phương 11-12 năm về tội lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản; 12-13 năm về tội lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tổng hợp hình phạt từ 23-25 năm tù.

Bị cáo Đỗ Trọng Nhân - nguyên giám đốc Công ty TNHH Siêu mẫu Việt: từ 10-11 năm tù cho tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Thái Cường - nguyên tổng giám đốc và giám đốc Công ty TNHH đầu tư xây dựng Tấn Phát từ 16-18 năm tù cho tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Lê Sơn Hùng (20 năm tù), Phạm Hoàng Thọ (18-20 năm tù) - đều nguyên phó giám đốc Công ty TNHH sản xuất - xây dựng thương mại Thanh Phát;

Nhóm cán bộ, lãnh đạo Agribank chi nhánh 6 gồm: Hồ Đăng Trung - nguyên giám đốc Agribank chi nhánh 6 từ 18-20 năm tù; Hồ Văn Long - nguyên trưởng phòng tín dụng 16-18 năm tù, Trương Quốc Bảo từ 14-16 năm tù, Trương Nhật Quang từ 12-14 năm tù và Nguyễn Hoàng Quốc Thụy từ 8-10 năm tù.

Ngoài các mức án bị đề nghị như trên, đại diện VKS còn đề nghị HĐXX tuyên buộc các bị cáo Dương Thanh Cường, Thái Cường, Lê Sơn Hùng, Phạm Hoàng Thọ liên đới bồi thường cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 562 tỷ đồng.

Theo Hoàng Điệp

Cùng chuyên mục
XEM