700 tỉ đồng và một chữ ký

21/12/2015 09:12 AM |

Căn cứ vào một văn bản của một trung tâm ở TPHCM, cơ quan hải quan đòi doanh nghiệp ngành sữa phải nộp gấp thêm 700 tỉ đồng tiền thuế nhập khẩu suốt từ 2010 đến nay.

Hôm qua, trên website của Tổng cục Hải quan đăng một bài viết với tựa đề: “Công bố Báo cáo kết quả chương trình phối hợp giám sát Thuế - Hải quan 2015: Cải cách thủ tục hành chính đã có nhiều tiến bộ”.

Không phủ nhận những nỗ lực của ngành hải quan vài năm gần đây, nhưng chính trong bài viết này, lại có một con số đáng suy ngẫm. Chỉ 20% số doanh nghiệp được khảo sát cho rằng kỹ năng lắng nghe ý kiến khách hàng, hướng dẫn các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan được thực hiện tốt. Đánh giá về chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ ngành hải quan, có ít nhất 35% số doanh nghiệp không hài lòng.

Liên quan đến tiền thuế, cách đây vài ngày, xảy ra câu chuyện các doanh nghiệp ngành sữa bỗng dưng bị cơ quan hải quan đòi phải nộp gấp thêm 700 tỉ đồng tiền thuế nhập khẩu trong vòng 5 năm, suốt từ 2010 đến nay. Thời gian để nộp lại chỉ vỏn vẹn trong 10 ngày.

Dầu bơ khan hay còn gọi là chất béo khan từ sữa là một trong các nguyên liệu để sản xuất sữa, đã được các doanh nghiệp nhập về từ hàng chục năm nay. Khi nhập khẩu, cơ quan hải quan đã lấy mẫu đại diện lô hàng đem phân tích thành phần. Căn cứ vào kết quả, chính cơ quan hải quan đã xếp vào nhóm mặt hàng có mức thuế suất thuế nhập khẩu 5%. Điều này hoàn toàn phù hợp với các quy định rất cụ thể trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Việt Nam, Tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam và cả Quy chuẩn Codex (của Ủy ban thực phẩm quốc tế mà Việt Nam là thành viên).

Nay đột nhiên, cơ quan hải quan xếp lại vào nhóm hàng có tên rất chung chung là “Loại khác” trong danh mục hàng hóa nhập khẩu và áp thuế 15%. Từ đó ra quyết định truy thu tổng cộng 700 tỉ đồng tiền thuế trong sự gấp gáp đến khó hiểu.

Căn cứ là một thông báo kết quả phân tích của Trung tâm phân tích phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu, chi nhánh TP.HCM, do ông Cao Xuân Quảng ký, xếp mặt hàng có tên dầu bơ khan vào nhóm “Loại khác” trong danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu. Cũng chính ông Cao Xuân Quảng là người ký hàng chục tờ kết luận trước đây, xếp dầu bơ khan vào nhóm hàng dầu bơ có thuế 5% theo đúng danh mục hàng nhập khẩu suốt nhiều năm qua. Lạ nữa là mới tháng 8 năm nay, chính Tổng cục Hải quan đã ra thông báo khẳng định mặt hàng dầu bơ khan mà doanh nghiệp nhập khẩu thuộc nhóm có thuế 5%.

Truy thu thuế là một trong những công việc của hoạt động kiểm tra sau thông quan. Nhưng điều lạ nữa, là vào tháng 8-2014, chính Cục kiểm tra sau thông quan thuộc Tổng cục Hải quan đã kiểm tra hồ sơ nhập khẩu của doanh nghiệp, đánh giá mặt hàng dầu bơ khan, hay còn gọi là chất béo khan, được áp mức thuế 5% là phù hợp. Ở cơ quan cấp cao hơn, thậm chí từ năm 2001, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Tổng cục Hải quan, xác nhận mặt hàng dầu bơ khan thuộc nhóm hàng có thuế nhập khẩu 5%.

Nhưng, hàng loạt căn cứ pháp lý chẳng bằng một tờ thông báo kết quả phân tích kia. Chữ ký của ông Cao Xuân Quảng thì chỉ có một nhưng nội dung thông báo thì ông Quảng đã thay đổi đầy mâu thuẫn với những gì chính tay ông đã ký trong nhiều năm qua. Nhờ đó, ngành hải quan có cớ đòi về 700 tỉ đồng. Tạm quên các căn cứ pháp lý mà giả sử rằng, lần này ông Quảng làm đúng khi xếp dầu bơ khan vào nhóm hàng có thuế 15%. Thế thì, thiếu chút nữa, chữ kí trước đây của ông đã khiến nhà nước mất đi 700 tỉ đồng.

Nhưng may mắn là trong thư kêu cứu lên Thủ tướng Chính phủ, 8 doanh nghiệp ngành sữa đã dẫn ra hàng loạt căn cứ pháp lý cho thấy hành động yêu cầu doanh nghiệp nộp thêm 700 tỉ đồng tiền thuế là vô căn cứ.

Ông Hoàng Lâm, giám đốc Trung tâm Tiêu chuẩn kĩ thuật đo lường chất lượng 3 – cơ quan hàng đầu về kiểm nghiệm hàng hóa hiện nay cũng cho rằng, dầu bơ khan phải được xếp vào nhóm hàng hóa có thuế 5% mới phù hợp, tức truy thu thuế của doanh nghiệp là vô căn cứ. Lãnh đạo Cục an toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế, đại diện Codex Việt Nam cũng có cùng khẳng định.

Cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực thuế - hải quan là nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ đã đặt ra để cải thiện môi trường kinh doanh từ năm 2014 đến nay. Và hơn ai hết, cách doanh nghiệp ngành sữa đang trông chờ chính điều này, sau câu chuyện xôn xao vừa qua.

Theo Minh Anh

Cùng chuyên mục
XEM