7 yếu tố quan trọng ít được chú ý về TPP

07/10/2015 08:13 AM |

Nhiều doanh nhân Mỹ cho rằng một ngày nào đó TPP sẽ có thêm các thành viên khác, trong đó có Trung Quốc...

Cuối cùng thì 12 nước với tổng GDP chiếm 40% GDP toàn thế giới cũng đã hoàn tất đàm phán về TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương), thỏa thuận thương mại được xem là lớn nhất thế giới 20 năm qua.

Dưới đây là 7 yếu tố quan trọng nhưng còn ít được chú ý về TPP, theo tờ Financial Times.

1. Tầm quan trọng về địa chính trị cũng như thương mại của TPP là ngang nhau

TPP được coi như “xương sống kinh tế” trong chiến dịch xoay trục về châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Một mục tiêu không được nhắc đến trong bất kỳ cuộc bàn thảo nào về TPP, nhưng ai cũng biết, đó là Mỹ và Nhật muốn có TPP để tạo thế cân bằng với Trung Quốc tại châu Á.

Trên phương diện kinh tế, TPP thay đổi gần như tất cả các quy định về kinh tế của thế kỷ 21; từ việc quản lý thông tin liên biên giới cho đến việc các tập đoàn nhà nước sẽ cạnh tranh với nhau thế nào trên phạm vi toàn cầu.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố: “Chúng ta sẽ có thể thúc đẩy thương mại phát triển nhưng dựa trên cơ sở tiêu chuẩn cao hơn. Các thị trường sẽ đồng loạt mở cửa nhưng quyền của người lao động và môi trường được bảo vệ để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của tương lai.”

2. Trung Quốc hiện không nằm trong TPP, nhưng khả năng đó có thể xảy ra

Có rất nhiều quan điểm cho rằng TPP được lập ra để “kiềm chế” Trung Quốc.

Nước này tuyên bố theo dõi rất chặt chẽ diễn biến các vòng đàm phán TPP, và cũng đang có những thỏa thuận thương mại riêng để tạo “đối trọng” với TPP.

Thế nhưng trên thực tế, nhiều doanh nhân Mỹ cho rằng một ngày nào đó TPP sẽ có thêm các thành viên khác, trong đó có Trung Quốc.

12 thành viên hiện tại của TPP bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam.

Những nước và vùng lãnh thổ tiếp theo có khả năng sẽ tiếp tục tham gia bao gồm: Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines và một số nền kinh tế châu Mỹ - Latinh như Colombia.

3. Phía sau TPP là thỏa thuận thương mại tự do giữa nền kinh tế lớn nhất và lớn thứ ba thế giới

Trước đây, Nhật và Mỹ chưa bao giờ ký thỏa thuận thương mại tự do.

Từ khi Nhật bắt đầu tham gia các vòng đàm phán TPP vào năm 2013, nước này đã yêu cầu phải đàm phán riêng biệt với các mặt hàng bao gồm ôtô, thịt bò, gạo và thịt lợn.

Kết quả là, Mỹ - nền kinh tế lớn thứ nhất, và Nhật - nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, đã có nhiều thỏa thuận song phương, qua thời gian khi hàng rào thuế quan được gỡ bỏ, thương mại giữa hai nước chắc chắn sẽ có điều kiện để tăng trưởng mạnh.

Kinh tế và chuỗi cung ứng hàng hóa giữa Nhật và khu vực Bắc Mỹ cũng sẽ ràng buộc với nhau nhiều hơn.

4. TPP là chiến thắng quan trọng của Thủ tướng Nhật

Để bảo vệ TPP, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã phải chịu rất nhiều chỉ trích từ các chính trị gia muốn bảo hộ ngành nông nghiệp.

Thế nhưng, ông đã liên tục khẳng định rằng Nhật cần TPP, bởi hiệp định này sẽ giúp Nhật thực hiện nhiều cải cách cần thiết để giúp phát huy tối đa tiềm năng của kinh tế nước này.

Rõ ràng trong bối cảnh hiện nay, Abe rất cần TPP. Kinh tế Nhật tăng trưởng âm 1,2% trong quý 2 năm nay, kinh tế quý 3 nhiều khả năng cũng không tốt hơn, kinh tế Nhật đã chính thức rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật.

5. TPP gây nhiều tranh cãi tại các nước thành viên

Hiện tại Canada đang diễn ra cuộc tổng tuyển cử. Chính trị gia Đảng Dân chủ mới (NDP), ông Tom Mulcair đã tuyên bố sẽ không tham gia TPP nếu đảng của ông chiến thắng ngày 19/10.

Trong bài phát biểu mới đây, ông Mulcair đã khẳng định với cử tri Canada: “Khi Đảng Dân chủ mới thành lập chính phủ trong tháng 10 này, chúng tôi sẽ không bị ràng buộc bởi bất kỳ điều khoản nào của TPP.”

Thế nhưng không chỉ riêng giới chính trị gia Canada bất đồng về TPP.

Tại Mỹ, Úc và một số nước khác, các nhóm phản đối TPP đã bám vào một điều luật theo đó các tập đoàn nước ngoài sẽ có quyền phản bác các quyết định của chính phủ tại hội đồng trọng tài quốc tế.

Tại Australia, tập đoàn thuốc lá Philip Morris đã kiện chính phủ vì quy định bắt buộc về vỏ bao thuốc lá theo luật đầu tư song phương giữa Úc và Hồng Kông.

6. TPP không quy định chặt chẽ về thao túng tiền tệ

Cho đến hiện nay, một trong những vấn đề gây tranh cãi rất nhiều là tỷ giá các đồng tiền và vấn đề phá giá đồng nội tệ.

Lo ngại về tác động của đồng Yên yếu cũng như áp lực cạnh tranh từ các hãng xe Nhật, đại diện ngành ôtô Mỹ cũng như một số chính trị gia tại nước này đã vận động đưa vào điều khoản cấm thao túng tiền tệ.

Cuộc chiến xung quanh vấn đề tiền tệ sẽ bắt đầu từ hôm nay. Trên thực tế, TPP không có quy định nào về việc thao túng tỷ giá. Tuy nhiên ít nhất, đại diện các nước tham gia TPP đã thống nhất sẽ thực hiện cam kết không cạnh tranh phá giá đồng tiền để hưởng lợi cho xuất khẩu.

Tất cả các nước thành viên TPP hiện nay đều là thành viên Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ngoài ra là nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất (G20), mỗi tổ chức đều có các quy định riêng về thao túng tiền tệ.

Thành viên nhiều đoàn đàm phán TPP từng đề nghị TPP phải có bộ quy tắc riêng với tiêu chuẩn cao, chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, cũng không một nước TPP nào muốn dùng biện pháp trừng phạt thương mại để đưa cam kết vào thực tế.

7. TPP sẽ nâng cao các tiêu chuẩn về môi trường và an toàn lao động

Từ năm 2007, Mỹ đã bị yêu cầu phải thêm các điều khoản về bảo vệ an toàn lao động và môi trường vào các vòng đàm phán TPP.

Lần đầu tiên, TPP sẽ đưa những cam kết này vào thực tế, nước nào vi phạm sẽ đối diện với khả năng bị trừng phạt thương mại.

Theo Thu An

Cùng chuyên mục
XEM